Việc một doanh nghiệp Việt được niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK) hàng đầu thế giới sẽ là một dấu mốc rất tích cực. Hiện tại, quy định pháp lý của Việt Nam đã mở, tuy nhiên, để giấc mơ này thành hiện thực rõ ràng là điều không dễ dàng.
“Hâm nóng” giấc mơ niêm yết sàn ngoại
Niêm yết trên TTCK nước ngoài không phải là câu chuyện mới xuất hiện ở Việt Nam. Trước VNG, nhiều doanh nghiệp Việt đã ấp ủ ước mơ và bắt tay vào chuẩn bị cho mục tiêu niêm yết cổ phiếu ở một sàn chứng khoán nước ngoài. Đó là những tên tuổi khá nổi tiếng trên thị trường như VNM, SSI, Gemadept, PVDrilling, Kinh Đô… Tuy nhiên, sau thời gian chuẩn bị, các giấc mơ đều chưa thành hiện thực.
Điển hình nhất là trường hợp của VNM, tháng 10/2008, doanh nghiệp này đã nhận được Thư Chấp thuận niêm yết từ Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore (SGX-ST) về việc phát hành và niêm yết 8.763.784 cổ phiếu phổ thông mới của VNM trong danh sách trên sàn giao dịch chính thức của SGX-ST. Tuy nhiên, việc lựa chọn thời điểm niêm yết của VNM đã không thành hiện thực.
Một trường hợp khác có “dấu ấn Việt Nam” lên sàn ngoại là Cavico Corp. Năm 2006, Công ty cổ phần Xây dựng và đầu tư Việt Nam (Cavico) đã phần nào thực hiện được ước mơ “xuất ngoại” khi thực hiện việc mua lại một doanh nghiệp Mỹ là Agent155 Media Group và đổi tên thành Cavico Corp. Nhưng lúc đó Cavico Corp cũng mới được giao dịch trên sàn Pink Sheet - chỉ là một hệ thống yết giá điện tử cho những cổ phiếu trên thị trường không chính thức (OTC).
Đến năm 2008, Cavico Corp đã được chuyển sàn giao dịch cao hơn nhưng vẫn ở thị trường OTC là OTC Bulletin Board với mã chứng khoán CVIC. Đây là bước chuyển đáng ghi nhận của doanh nghiệp này để đạt được mục tiêu cao nhất là niêm yết trên sàn chính thức của Mỹ là NASDAQ hay NYSE. Tuy nhiên, “giấc mơ” này cũng đã tắt vì sau đó Cavico Corp bị hủy giao dịch do vi phạm hàng loạt tiêu chuẩn về công bố thông tin.
Quay lại trường hợp của VNG, việc doanh nghiệp này ký MOU với sàn NASDAQ đang hé mở và nhen nhóm giấc mơ niêm yết sàn Mỹ của các doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, nếu VNG sau này được niêm yết trên sàn NASDAQ (sàn chứng khoán hàng đầu cho các cổ phiếu công nghệ như: Facebook, Apple, Microsoft, Google, Ebay…) thì đây sẽ là doanh nghiệp Việt đầu tiên có tên trong “bảng vàng” NASDAQ - chính thức hoàn thiện “giấc mơ xuất ngoại” bấy lâu nay.
“Cửa” pháp lý đã mở?
Hiện tại, các quy định pháp lý liên quan về việc doanh nghiệp Việt niêm yết trên TTCK nước ngoài đã được mở tại Nghị định 58/2012/NĐ-CP và sau đó Nghị định 60/2015/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 58 tiếp tục bổ sung thêm quy định. Tiếp đó, Thông tư 162/2015/TT-BTC cũng đã có một chương riêng (chương VII) hướng dẫn chi tiết hơn việc phát hành chứng khoán tại nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên TBTCVN, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, cơ sở pháp lý để doanh nghiệp Việt Nam phát hành và niêm yết trên TTCK nước ngoài có thể nói là khá đầy đủ. Do đó, với quy định hiện nay, doanh nghiệp chỉ cần đáp ứng điều kiện phát hành, niêm yết mới tại TTCK nước ngoài, thực hiện nghiêm chỉnh chế độ kế toán, công bố thông tin theo quy định của thị trường sở tại là đủ yêu cầu.
Bà Tạ Thanh Bình cho rằng, quan điểm của cơ quan quản lý nhà nước là khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam phát hành và niêm yết trên TTCK nước ngoài. Đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp có thể huy động thêm nguồn vốn để phục vụ cho nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh. “Tinh thần của cơ quan quản lý là ủng hộ, nếu doanh nghiệp có nhu cầu có thể nộp đơn, Ủy ban sẽ xem xét và tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn”, bà Bình nói.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) cũng cho rằng, quy định pháp lý hiện hành cơ bản đã thông thoáng. Về mặt lý thuyết, doanh nghiệp Việt phát hành, niêm yết trên sàn ngoại sẽ phải tuân theo điều kiện và sự chấp thuận của Sở giao dịch nước ngoài. Ở Việt Nam, nếu không ở diện lĩnh vực có hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài, doanh nghiệp chỉ cần báo cáo và được sự chấp thuận của UBCKNN.
Tuy nhiên, theo ông Sơn, việc khó và phức tạp sẽ nằm ở các khâu “hậu niêm yết” như thanh toán, giao dịch, báo cáo, cơ chế chia sẻ thông tin…, bởi ở mỗi doanh nghiệp là một trường hợp cụ thể.
Cùng với đó, theo quy định của Nghị định 58, doanh nghiệp chỉ được niêm yết phần vốn phát hành ở nước ngoài ra TTCK nước ngoài; còn phần vốn huy động trong nước thì vẫn phải tuân theo quy định pháp lý trong nước. Do đó, chắc chắn sẽ còn nhiều việc và cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều bên, để đảm bảo sự hài hòa quyền lợi giữa cổ đông trong và ngoài nước.
Hơn nữa, theo tìm hiểu của phóng viên, việc tuân thủ theo quy định niêm yết và giao dịch trên sàn NASDAQ đối với các doanh nghiệp là không hề dễ dàng. Ở các TTCK phát triển, chế độ báo cáo, công bố thông tin rất nghiêm ngặt, ít nhất là việc bắt buộc phải tuân theo chế độ kế toán quốc tế. Ngoài ra, một vấn đề đáng quan tâm của bất kỳ doanh nghiệp nào là kinh phí, bởi chi phí niêm yết, giao dịch, lưu ký… trên sàn NASDAQ là không hề nhỏ.
Theo Duy Thái/ TBTC
>> Vietjet sẽ trở thành công ty đầu tiên ở Việt Nam niêm yết cổ phiếu tại sàn giao dịch New York?