Đợi chờ kịch bản mùa thu

Chính phủ xin điều chỉnh chỉ tiêu GDP, nhưng điều chỉnh ở mức nào thì đang còn bỏ ngỏ khi phía trước có thể là một mùa thu nghiệt ngã. Trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi, “hãy siết chặt tay nhau với quyết tâm cao”.
Đợi chờ kịch bản mùa thu

Trong những ngày mùa xuân nồm ẩm ướt chiến đấu với COVID- 19, cả nước mong “giặc” virus ra đi khi nắng lên rực rỡ; bước vào hạ, vừa mới bắt đầu những ngày dài rát bỏng, đã vội vã với nỗi lo thu sang, đông tới “giặc” tái xuất cùng heo may.

Hiện, Chính phủ đã sẵn sàng hai kịch bản cho nền kinh tế năm nay và kịch bản nào cũng phải đi kèm chữ “nếu”.

Kịch bản thứ nhất, nếu Việt Nam cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4, còn các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam khống chế được trong quý III, thì dự kiến GDP năm nay tăng khoảng 4,4 - 5,2% so với năm 2019.

Kịch bản thứ hai, nếu thời gian khống chế và kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam vẫn như kịch bản 1, nhưng các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam phải đến quý IV mới khống chế được dịch, thì dự kiến GDP năm nay tăng khoảng 3,6 - 4,4% so với năm 2019.

Như vậy, ở cả hai kịch bản, Chính phủ đều thể hiện một trách nhiệm rất cao khi tính toán GDP trên nền được xác định trước sau như một rằng Việt Nam cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4. Quốc hội nhìn thấu áp lực đang dồn lên Chính phủ và thấy có nhiều yếu tố khách quan, không thể kiểm soát được tác động lên tăng trưởng kinh tế năm nay.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói, “các kịch bản chủ yếu mới dựa trên kết quả phòng, chống dịch bệnh trong nước rất tốt, trong khi cả thế giới vẫn đang lao đao với COVID-19. Chúng ta phòng, chống dịch bệnh tốt, nhưng khi những đối tác thương mại lớn còn đang lao đao thì chúng ta buôn bán, trao đổi hàng hóa với ai?”

Còn Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho là cần xây dựng kịch bản thứ ba với khả năng là làn sóng thứ hai về dịch bệnh COVID-19 sẽ diễn ra vào cuối năm 2020, kéo dài đến năm 2021, khiến nhiều lĩnh vực tiếp tục khó khăn và tăng trưởng GDP cả nước chỉ khoảng 3%.

Theo đó, báo cáo tại phiên khai mạc Kỳ 9, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh thay mặt Hội đồng dân tộc, các cơ quan của Quốc hội đề nghị Chính phủ có kịch bản theo phương án xấu nhất với khả năng dịch bệnh bùng phát trở lại vào mùa thu, mùa đông, dịch bệnh trên thế giới còn kéo dài, chưa thể khống chế trong năm 2020, chưa có vaccine phòng bệnh.

Phúc đáp sự chia sẻ từ Quốc hội, “trên tinh thần nhìn thẳng vào thực trạng kinh tế xã hội và dự báo tình hình quốc tế, trong nước thời gian tới; phân tích, đánh giá kỹ các chỉ tiêu chủ yếu, các cân đối lớn và ước khả năng thực hiện”, Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội cụ thể về việc điều chỉnh sau khi có ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Vào lúc này, khi mà hầu hết người dân đều có được cảm giác sống bình thường như chưa từng vừa xảy ra đại dịch, Chính phủ vẫn phải tiếp tục cặm cụi trên cung đường căng thẳng để thiết lập trạng thái bình thường mới.

Phố xá, các quán cà phê đông nghịt và “mặt trời gặp mặt người đều muốn ghé môi hôn”. Nhưng ở sâu trong bức tranh nhộn nhịp này, là hàng loạt các diễn biến đáng ngại.

Trong 4 tháng, số lao động mất việc làm là 670 nghìn, riêng trong tháng 4 mất việc làm là 270 nghìn người, số lao động bị ảnh hưởng là trên 5 triệu người. Cũng trong 4 tháng, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm 13,3%, tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 33,6%. Chỉ số sản xuất nhiều ngành công nghiệp; nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực sụt giảm mạnh…

Thủ tướng nhìn nhận, “dập dịch đã khó, nhưng dập dịch mà vẫn duy trì, phát triển nền kinh tế còn khó hơn nhiều”. Dù vậy, ông cho rằng đây cũng xem như cơ hội “lửa thử vàng, gian nan thử sức”.

Càng lúc “lửa thử vàng”, người đứng đầu Chính phủ càng muốn khiêm nhường, gắn bó mật thiết với nhân dân nhiều hơn; càng trong điều kiện khó khăn, càng phải thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, không để người nào bị bỏ lại phía sau.

Nhắc đến nhân dân, lời đầu tiên của Thủ tướng luôn là lời cảm ơn sâu sắc. Trình bày báo cáo trước Quốc hội, nhận xét về những chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng sử dụng cụm từ “được nhân dân ủng hộ” thay cho cụm từ “được đánh giá cao”.

Mục tiêu hàng đầu mà Chính phủ mong muốn đạt trong khống chế, đẩy lùi dịch bệnh và nhanh chóng thiết lập trạng thái bình thường mới cũng chính là tạo được niềm tin rất lớn trong nhân dân, khơi dậy được sức mạnh từ lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nêu trước Quốc hội, “tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ ngày 9/4/2020, mặc dù đây là thời điểm mà dịch COVID-19 đang có diễn biến phức tạp, nhưng Thủ tướng vẫn quyết liệt chỉ đạo các thành viên Chính phủ cùng với chống dịch phải quan tâm tới nguyện vọng của cử tri”.

Dẫu cho GDP còn ở trạng thái “đau đầu” cân nhắc tăng ở mức bao nhiêu, thu ngân sách giảm ở mức bao nhiêu, Chính phủ không do dự khi đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho chi tổng số tiền khoảng 62 nghìn tỷ đồng hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch.

Cùng với đó, Chính phủ quyết tức thời giảm giá điện, giá nước, dịch vụ viễn thông cho người dân, doanh nghiệp trên 30 nghìn tỷ đồng; tăng thêm gần 20 nghìn tỷ đồng cho hộ nghèo vay ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách Xã hội; kịp thời xuất cấp gạo cứu trợ đồng bào vùng khó khăn và trong thời kỳ giáp hạt.…

Giữa thời kỳ cả thế giới còn chứa đựng đầy những bất trắc khó lường vì COVID- 19, Việt Nam còn thấp thỏm trong đợi chờ mùa thu tới đây liệu có nghiệt ngã khi những con đường dài lại trở nên hiu hắt vắng, đến cả không gian cũng âu sầu vì những chiếc khẩu trang.

Hoặc có thể con virus này biến mất vĩnh viễn. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin đất nước vào thu trong diễn biến yên bình, nhẹ nhàng mùa nối tiếp mùa, “sen tàn, cúc lại nở hoa”, bão Corona sẽ lùi xa vào quá khứ.

“Có điểm tựa vững chắc như thành đồng lũy thép dựng nên từ tinh thần yêu nước, niềm tin và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, Thủ tướng quả quyết, “dù kinh tế năm nay tăng trưởng chậm lại, Chính phủ không nhụt ý chí đưa đất nước vượt lên nhanh, rút ngắn khoảng cách phát triển với khu vực, thế giới, nỗ lực phấn đấu hướng tới mục tiêu trở thành một nước công nghiệp phát triển vào năm 2045”.

Có thể bạn quan tâm

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

"Khoán 10" của thế kỷ 21 và hơn thế nữa

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị "Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" có thể được ví như "Kkhoán 10" của thế kỷ 21, khi nó đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển mới, chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam...

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…