"Đóng cửa" hàng loạt công ty trong hệ sinh thái, bà chủ Bệnh viện Thu Cúc còn gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Doanh nhân Nguyễn Thu Cúc
Doanh nhân Nguyễn Thu Cúc

Công ty Cổ phần Tập đoàn Zinnia (Tập đoàn Zinnia) là một mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái kín tiếng của doanh nhân Nguyễn Thu Cúc. Đồng thời, quá trình phát triển của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc (Bệnh viện Thu Cúc) luôn có sự góp mặt của tập đoàn này.

Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà khi Bệnh viện Thu Cúc vẫn đang hoạt động bình thường và gặt hái thành công thì Tập đoàn Zinnia lại bất ngờ đổi tên và xin ngừng hoạt động.

ZINNIA "ĐOẢN MỆNH"

Tập đoàn Zinnia được thành lập từ năm 1996, do doanh nhân Nguyễn Thu Cúc làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Từ đây, bà Cúc đã phát triển hệ sinh thái kín tiếng của mình bằng nhiều ngành nghề khác nhau như: Y tế, ẩm thực, thương mại, khoáng sản... với hàng loạt các công ty con và công ty thành viên.

Đối với lĩnh vực y tế, nổi bật nhất trong hệ sinh thái là Bệnh viện Thu Cúc. Bệnh viện này được sở hữu và quản lý bởi Công ty Cổ phần Y khoa và thẩm mỹ Thu Cúc (Công ty Thu Cúc).

Theo tìm hiểu, Công ty Thu Cúc có vốn điều lệ ban đầu 80 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập là Tập đoàn Zinnia, bà Nguyễn Thu Cúc (nắm giữ 79%) và bà Phùng Thị Từ (nắm giữ 1,88%). Bà Thu Cúc là Chủ tịch HĐQT công ty.

Đang trên đà phát triển, nhưng vào năm 2020, bà Cúc lại bất ngờ đổi tên Tập đoàn Zinnia thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Văn An. Tuy nhiên, đến nay, Tập đoàn Văn An cũng đã ngừng hoạt động, nhưng chưa hoàn thành thủ tục đóng mã số thuế.

Cũng chính vào thời điểm năm 2020, Quỹ Đầu tư VinaCapital đã nhảy vào Công ty Thu Cúc với mức góp vốn gần 27 triệu USD, tương đương với 30% cổ phần. Như vậy, cơ cấu cổ đông tại Công ty Thu Cúc hay Bệnh viện Thu Cúc chắc chắn có sự thay đổi.

Hiện tại, bà Nguyễn Thu Cúc đã rời khỏi vai trò người đại diện theo pháp luật của Công ty Thu Cúc và giao lại cho bà Nguyễn Thị Thu Lan, rồi tới bà Nguyễn Thu Trang, Tổng giám đốc đương nhiệm. Tuy nhiên, bà Cúc vẫn giữ vai trò là Chủ tịch HĐQT tại Công ty Thu Cúc.

Cũng trong quãng thời gian năm 2020, cùng với việc "đóng cửa" Tập đoàn Zinnia, bà Cúc còn liên tiếp đóng cửa 4 công ty liên quan và rút vốn tại 2 công ty chủ chốt khác.

DOANH NHÂN NGUYỄN THU CÚC CÒN LẠI GÌ?

Nói thêm về hệ sinh thái doanh nghiệp của doanh nhân Nguyễn Thu Cúc và các lần lỡ dở, vào 2004, bà Cúc đã thành lập nên Công ty Cổ phần giải pháp lưu trữ Việt Nam nhưng sau đó công ty này cũng đã đóng cửa.

Ba năm sau, vào năm 2007, bà Cúc tiếp tục thành lập nên 3 doanh nghiệp khác là: Công ty Cổ phần Đầu tư và và Thương mại Zinnia; Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư Zinnia; Công ty Cổ phần truyền thông Zinnia. Nhưng đến năm 2022, 3 doanh này cũng "đoản mệnh" giống Tập đoàn Zinnia, đột nhiên biến mất trên thị trường.

Trong đó, Công ty Cổ phần Đầu tư và và Thương mại Zinnia, Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư Zinnia cập nhật mã số thuế lần cuối vào tháng 2/2022; còn Công ty Cổ phần truyền thông Zinnia cập nhật mã số thuế lần cuối vào tháng 6/2022.

Đáng chú ý, không chỉ giải thể hàng loạt các công ty, bà Thu Cúc còn liên tiếp rút vốn tại 2 doanh nghiệp mà trước đó do bà thành lập. Đầu tiên là Công ty TNHH Công nghệ Zinnia Việt Nam, được thành lập vào tháng 4/2014, tại đây bà Cúc giữ đến 80% cổ phần, còn lại là ông Trần Trọng Hiếu và ông Hồ Quang Thắng (mỗi người giữ 10% cổ phần).

Sáu năm sau, vào tháng 7/2020, bà Cúc đã thoái toàn bộ vốn tại đây, ông Phạm Văn An trở thành chủ mới và đổi tên thành Công ty TNHH Công nghệ và Khoáng sản Việt Nam, với tỷ lệ sở hữu lên tới 95%. Còn tính tới thời điểm hiện tại, cổ phần của công ty này cũng đã có sự thay đổi với việc Đỗ Xuân Hiệp (chiếm 49%) và ông An (chiếm 51%).

Bất ngờ là khi thoái vốn khỏi Công ty TNHH Công nghệ Zinnia Việt Nam, ngay trong tháng 7/2020, doanh nhân Nguyễn Thu Cúc đã thành lập một công ty mới, nhưng cũng về lĩnh vực y tế, đó là Công ty TNHH Thiết bị và Công nghệ Zinnia (Zinnia T&E Ltd). Tuy nhiên, chỉ 2 năm sau khi thành lập, bà Cúc cũng đã rút toàn bộ vốn khỏi công ty này.

Zinnia T&E Ltd có vốn điều lệ ban đầu 6 tỷ đồng, trong đó bà Nguyễn Thu Cúc giữ 80% cổ phần và ông Phạm Văn An giữ 20% vốn. Nhưng cũng chỉ 1 tháng sau khi thành lập, toàn bộ cổ phần của ông An được chuyển sang cho bà Bùi Thị Lan. Và đến tháng 5/2022, bà Cúc cũng chuyển toàn bộ số cổ phần sang cho bà Nguyễn Thị Hoài Giang.

Sau khi đóng cửa hàng loạt các doanh nghiệp thì hiện tại bà Cúc chỉ còn lại vài công ty, trong đó chủ yếu là lĩnh vực về y khoa.

Đầu tiên phải kể đến là Công ty Cổ phần Y khoa và thẩm mỹ Thu Cúc. Như đã nói, dù đã bán 30% vốn cho Quỹ Đầu tư VinaCapital nhưng hiện tại bà Cúc vẫn giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Cùng lĩnh vực, bà Cúc còn Công ty Cổ phần Thương mại và Phân phối Zinnia. Công ty này được thành lập vào năm 2007, cùng thời điểm với 3 doanh nghiệp đã giải thể mà Thương gia đã nêu ở trên.

Được biết, tại Công ty Cổ phần Thương mại và Phân phối Zinnia, Tập đoàn Zinnia từng là cổ đông sáng lập nắm giữ số lớn nhất cùng với bà Nguyễn Thu Cúc và bà Phùng Thị Từ. Trong đó, bà Cúc giữ 39% vốn điều lệ, còn bà Từ nắm giữ 10% vốn điều lệ.

Công ty Cổ phần Thương mại và Phân phối Zinnia có trụ sở chính tại số 286 Thuỵ Khuê, cùng toà với Bệnh viện Thu Cúc hiện nay. Ngành nghề chính của công ty là chuyên về bán lẻ thuốc, dụng cụ y tế, mỹ phẩm và vật phẩm vệ sinh trong các cửa hàng chuyên doanh,...

Cùng lĩnh vực y tế, bà Nguyễn Thu Cúc còn có Công ty Cổ phần Thẩm mỹ Thu Cúc (Thu Cúc Beauty). Công ty này được thành lập vào tháng 1/2019 và có trụ sở chính tại 444 Hoàng Hoa Thám, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội. Thu Cúc Beauty gồm 3 cổ đông sáng lập là bà Nguyễn Thu Cúc (nắm giữ 94,901%), ông Tạ Tất Thành (nắm giữ 4,598%) và bà Phùng Thị Từ (nắm giữ 0,501).

Vốn điều lệ ban đầu của công ty này là 5 tỷ đồng, đến tháng 8/2019 nâng lên 50 tỷ đồng và đến 9/2020 là 150 tỷ đồng. Đồng thời, doanh nghiệp cũng chia nhỏ số cổ phần của mình, với mệnh giá lên tới 100 nghìn đồng/cổ phần. Hiện, số cổ phần phổ thông chiếm tới 49,99%.

Tại Thu Cúc Beauty, bà Nguyễn Thu Cúc vẫn luôn nắm giữ vai trò là Chủ tịch HĐQT, còn bà Bùi Thị Hương (sinh năm 1983) là Giám đốc, kiêm người đại diện theo pháp luật từ khi thành lập doanh nghiệp đến nay.

Về lĩnh vực ẩm thực, tháng 7/2014, bà Thu Cúc đã lập Công ty TNHH Dịch vụ Zinnia Việt Nam (Zinnia Việt Nam). Công ty này gồm có 2 cổ đông chính và không thay đổi tới thời điểm hiện tại là bà Nguyễn Thu Cúc (nắm giữ 80% cổ phần) và ông Tạ Tất Thành (nắm giữ 20% cổ phần).

Theo đăng ký kinh doanh, Zinnia Việt Nam có vốn điều lệ ban đầu chỉ 2,5 tỷ đồng, đến 2019 đã tăng lên 12,5 tỷ đồng. Công ty có trụ sở chính tại số 286, đường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội và do ông Hoàng Công Bằng làm Giám đốc, kiêm người đại diện pháp luật.

Như vậy, sau gần 30 năm kinh doanh, doanh nhân Nguyễn Thu Cúc đã xây dựng được cho mình một cơ đồ vững mạnh, liên tục vươn tới nhiều ngành nghề và trở thành một cái tên có tiếng tăm trong giới doanh nhân. Nhưng cũng từng ấy năm, đã khiến cho bà Cúc phải trải qua muôn vàn thăng trầm, để rồi có lúc phải "cắt máu" hàng loạt những đứa con tinh thần của mình, rút gọn chỉ còn một vài doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực y khoa.

Có thể bạn quan tâm