Đồng Nai công bố tìm chủ cho KCN Cẩm Mỹ hơn 300 ha, vốn 2.706 tỷ đồng

Khu công nghiệp Cẩm Mỹ có diện hơn 300 ha với tổng chi phí thực hiện dự án (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng) dự kiến hơn 2.706 tỷ đồng.
Đồng Nai công bố tìm chủ cho KCN Cẩm Mỹ hơn 300 ha, vốn 2.706 tỷ đồng

Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai đã công bố tìm nhà đầu tư cho dự án khu công nghiệp (KCN) Cẩm Mỹ tại xã Thừa Đức, huyện Cẩm Mỹ. Dự án có diện tích hơn 300ha. Dự kiến tổng chi phí thực hiện dự án (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng) hơn 2.706 tỷ đồng. Hiện trạng khu đất chưa giải phóng mặt bằng.

Được biết, KCN Cẩm Mỹ là một trong 3 dự án đầu tư KCN đã được Thủ tướng phê duyệt bên cạnh KCN Gia Kiệm (huyện Thống Nhất, 300 ha) và KCN Phước Bình (huyện Long Thành, 190 ha). Theo đó, cả 3 KCN này đều trong giai đoạn hoàn tất hồ sơ, mời gọi doanh nghiệp đầu tư hạ tầng. Như vậy, nếu 3 KCN này được thành lập, đi vào hoạt động, Đồng Nai sẽ có 35 KCN hiện hữu trong kế hoạch phát triển giai đoạn 2021 - 2030.

Theo kế hoạch giai đoạn 2021 – 2030, tỉnh Đồng Nai dự kiến có thêm khoảng 8 khu công nghiệp. Trong đó, các dự án được đầu tư mới có diện tích trên 4.300 ha tại TP Long Khánh, Trảng Bom, Nhơn Trạch, Cẩm Mỹ, Long Thành,... Tỉnh Đồng Nai cũng mở rộng thêm nhiều KCN như KCN Dầu Giây, KCN Long Khánh (Thống Nhất) và KCN Tân Phú (Tân Phú) với diện tích 750 ha.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đưa KCN Biên Hòa 1 (335 ha), TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai ra khỏi Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2020.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo bổ sung Khu công nghiệp Phước An với diện tích 330 ha tại xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai; bổ sung Khu công nghiệp Phước Bình 2 với diện tích 299 ha tại xã Phước Bình và xã Tân Hiệp, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Ngoài ra, các khu công nghiệp khác trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nằm trong Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2020 được phê duyệt tại công văn số 2628/TTg-KTN ngày 22/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ không thay đổi.

Theo một số đơn vị nghiên cứu đánh giá, nhu cầu dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc đến Việt Nam của các công ty đa quốc gia là một trong những yếu tố thúc đẩy thị trường bất động sản công nghiệp Đồng Nai.

Tỉnh Đồng Nai có lợi thế về vị trí và hạ tầng giao thông để thu hút các nhà đầu tư, phát triển KCN. Bên cạnh đó, một số dự án lớn đang và sẽ được triển khai như sân bay Long Thành; cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, Phan Thiết - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành. Thêm nữa, từ năm 2015, cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây đã đi vào vận hành. Sân bay Long Thành đã khởi công từ cuối năm 2020.

Nằm tại vị trí giáp ranh với TP. HCM, Đồng Nai cũng sẽ có cầu Cát Lái đảm bảo giao thương thay thế phà hiện tại. Tỉnh Đồng Nai cũng vừa được Thủ tướng giao thực hiện xây dựng dự án này. Theo đó, tỉnh này dự kiến chia làm 3 dự án thành phần, phối hợp cùng TP. HCM để triển khai.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Giá thuê trung bình tăng tới 16,2% tại Hà Nội và 15,4% tại TP.HCM, khẳng định sức hút ngày càng lớn của trung tâm thương mại đối với các nhà đầu tư và thương hiệu…