Tỉnh Đồng Nai lý giải bởi nhu cầu thị trường thấp, nhiều khu đất dự kiến đấu giá chưa hoàn tất thủ tục; đơn vị chủ trì tổng hợp, tham mưu chưa phân tích, đánh giá hết khó khăn, vướng mắc của từng khu đất…
Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Trần Thế Vinh, trong 15 khu đất dự kiến đấu giá năm 2022, 1 khu được đưa ra đấu nhưng không thành vì không có hồ sơ đăng ký; các khu còn lại chưa tổ chức đấu giá được vì còn vướng hồ sơ, thủ tục.
Qua rà soát, năm 2023 chỉ có 3/15 khu đất nói trên cơ bản đáp ứng các điều kiện và có thể đưa ra đấu giá; 9 khu phải xử lý các nội dung về lập quy hoạch chi tiết xây dựng, xử lý tài sản trên đất, cập nhật chương trình phát triển nhà ở… ;1 khu đã giao về cho TP. Biên Hòa, còn 2 khu phải xin ý kiến tỉnh vì việc hình thành dự án thương mại tại vị trí khu đất sẽ gây áp lực lên các hạ tầng khác.
Ngoài ra, còn đối với 74 khu đất các huyện, thành phố đề xuất mới, có 20 khu có trong kế hoạch sử dụng đất năm 2023 được duyệt, 54 khu chưa có. Điều đáng nói, theo tỉnh Đồng Nai, khi đã có trong kế hoạch sử dụng đất năm 2023, đất phải giải phóng mặt bằng để trở thành đất sạch; đảm bảo sự phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng hoặc mặt bằng quy hoạch tổng thể; thẩm định để xây dựng mức giá khởi điểm.
Sang đến năm 2023, tỉnh đặt mục tiêu ít nhất đấu giá 3 khu đất của năm 2022 chuyển tiếp. Đó là khu đất thương mại dịch vụ, diện tích hơn 4,1 nghìn m2 tại TT.Long Giao (H.Cẩm Mỹ); khu đất trung tâm thương mại dịch vụ kết hợp nhà ở, diện tích hơn 21,7 nghìn m2 tại TT.Trảng Bom (H.Trảng Bom) và khu Cụm công nghiệp Long Giao, diện tích hơn 559m2 tại xã Xuân Đường và TT.Long Giao (H.Cẩm Mỹ). Các khu đất chuyển tiếp còn lại Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục hoàn thiện thủ tục và xây dựng phương án.
Theo ông Võ Tấn Đức - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, năm 2023, tỉnh cần nhiều vốn để đầu tư các tuyến đường kết nối sân bay, đường cao tốc và hạ tầng các đô thị. Nguồn vốn này chủ yếu đang đến từ đấu giá quỹ đất.
Tuy nhiên, để tránh tình trạng đăng ký nhiều, thực hiện được ít, ngay trong tháng 2 đầu năm 2023 các địa phương phải rà soát lại một lần nữa về quy hoạch xây dựng chi tiết, điều kiện lập chủ trương đầu tư, kế hoạch sử dụng đất năm 2023… cho từng khu.
"Khu nào cơ bản đáp ứng được các điều kiện mới đăng ký đấu giá đất trong năm nay, khu nào còn vướng nhiều thì chuyển sang kế hoạch đấu giá các năm sau", ông Đức nhấn mạnh.
Thời gian tới, để đảm bảo công tác đấu giá đất đi vào nề nếp, đúng trình tự, thủ tục, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai sẽ chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng quy trình đấu giá, trên cơ sở đó ban hành quy chế phân công trách nhiệm, thời gian đối với từng thủ tục.
Theo thông tin từ Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Trần Thế Vinh, năm 2023, toàn tỉnh Đồng Nai có 89 khu đất với diện tích hơn 1,4 nghìn ha dự kiến đưa ra đấu giá. Trong đó, 15 khu từ năm 2022 chuyển tiếp và 74 khu cấp huyện đề xuất mới. Huyện Cẩm Mỹ là địa phương có nhiều khu đất đề xuất đấu giá.