Dow Jones lao đao vì áp lực từ cổ phiếu năng lượng

Chỉ số Dow Jones tiếp tục mất điểm trong ngày cuối của tuần khi báo cáo thu nhập yếu kém từ các công ty dầu mỏ lớn đã khiến cổ phiếu năng lượng chịu thua lỗ nặng nề…

Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE)
Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE)

Kết thúc phiên 27/10, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 366,71 điểm (-1,12%) xuống 32.417,59 điểm, S&P 500 mất 19,86 điểm (-0,48%) thành 4.117,37 điểm và Nasdaq Composite tăng 47,41 điểm (+0,38%) lên 12.643,01 điểm.

Trong số 11 lĩnh vực chính của S&P 500, năng lượng có tỷ lệ giảm mạnh nhất. Công nghệ và truyền thông là những ngành tăng giá duy nhất.

Nasdaq tăng điểm nhờ vào động lực từ các công ty công nghệ hàng đầu bao gồm Amazon.com, Apple và Meta Platforms, trong khi S&P 500 và Dow Jones đều trượt giảm.

Cả ba chỉ số đều ghi nhận mức giảm hàng tuần là hơn 2%.

Ở các diễn biến riêng lẻ, Amazon.com tăng 6,8% sau khi “gã khổng lồ” thương mại điện tử báo cáo tăng trưởng kinh doanh trên nền tảng đám mây và dự đoán doanh thu sẽ tăng trong kỳ nghỉ lễ.

Intel thêm 9,3% nhờ báo cáo hàng quý vượt trội của nhà sản xuất chip, hỗ trợ cho sự lạc quan về toàn ngành. Chỉ số chất bán dẫn Philadelphia SE tăng 1,2%.

Ngược lại, ngành năng lượng phải chịu áp lực lớn, với Exxon Mobil từ bỏ mức tăng ban đầu, giảm 1,9% sau khi công bố lợi nhuận giảm 54% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chevron Corp mất ngay 6,7% do báo cáo thu nhập không đạt do tỷ suất lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh lọc dầu thấp.

Ford Motor trượt dốc 12,2% sau khi công ty rút dự báo cả năm do không chắc chắn về thỏa thuận đang chờ phê chuẩn với liên đoàn United Auto Workers, đồng thời cảnh báo về các vấn đề đối với xe điện.

Ross Mayfield, nhà phân tích chiến lược đầu tư tại Baird (Mỹ), nhận xét: “Thật khó để chống lại xu hướng đang đi xuống của thị trường. Thu nhập vẫn ổn nhưng chúng không cung cấp loại chất xúc tác để tạo ra sự đảo chiều đi lên”.

Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 10,55 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 10,69 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch vừa qua.

Kết thúc một tuần thu nhập bận rộn, mùa báo cáo về cơ bản đã đi được nửa chặng đường, với 245 công ty trong S&P 500 đã báo cáo. Trong số đó, 78% đã mang lại thu nhập vượt mức đồng thuận của các nhà phân tích.

Thị trường hiện kỳ vọng mức tăng trưởng thu nhập tổng hợp hàng năm của S&P là 4,3%, cải thiện rõ rệt so với mức tăng trưởng 1,6% được thấy vào đầu tháng.

“Tôi nghĩ rằng bức tranh tổng thể là tương đối tốt. Đây có thể là nền tảng cho một đợt phục hồi cuối năm”, ông Ross Mayfield nói thêm.

Báo cáo Chi tiêu Tiêu dùng Cá nhân (PCE) được mong đợi của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy lạm phát đang dần hạ nhiệt đúng như dự kiến, tiến gần hơn đến mục tiêu 2% hàng năm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Ông Ross Mayfiled lưu ý: “Nền kinh tế sẽ ổn với lạm phát ở khoảng 3%. Nhưng tất nhiên tình hình sẽ còn phụ thuộc vào dự định của Fed”.

Dữ liệu này không ảnh hưởng nhiều đến kỳ vọng của thị trường rằng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp chính sách tháng 11.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu đã tăng khoảng 3% lên mức cao nhất trong một tuần vào phiên 27/10 do lo ngại căng thẳng ở Israel và Gaza có thể lan rộng thành một cuộc xung đột khu vực có khả năng làm gián đoạn nguồn cung dầu thô toàn cầu.

Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 2,55 USD, tương đương 2,9%, đạt 90,48 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI tăng 2,33 USD, tương đương 2,8%, đạt 85,54 USD/thùng.

Chênh lệch giá dầu Brent so với WTI đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 3. Trong tuần, dầu Brent giảm khoảng 2% và dầu WTI giảm khoảng 4%.

Giá dầu đã có một ngày giao dịch đầy biến động. Đầu phiên, giá dầu tăng hơn 2 USD/thùng sau tin tức từ quân đội Mỹ. Tuy nhiên, giá nhanh chóng chuyển sang vùng tiêu cực khi thị trường tiếp nhận nhiều báo cáo khác nhau về các cuộc đàm phán hòa giải giữa nhóm chiến binh Hamas và Israel do Qatar dẫn đầu với sự phối hợp của Mỹ.

Phil Flynn, nhà phân tích tại Price Futures Group, cho biết: “Chúng ta đang phụ thuộc vào dòng tiêu đề tiếp theo… nó giống như những gì chúng ta đã chứng kiến trong ngày hôm nay với sự dao động giá cả”.

Xem thêm

Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE)

Chứng khoán Mỹ chìm trong sắc đỏ, giá dầu giảm hơn 2%

Các chỉ số chính của Phố Wall tiếp tục bị ảnh hưởng bởi các cổ phiếu công nghệ với hướng dẫn thu nhập khác với dự tính, đồng thời dấu hiệu về khả năng phục hồi kinh tế có thể khuyến khích Fed giữ lãi suất ở mức cao lâu hơn dự kiến…

Có thể bạn quan tâm

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Nhà đầu tư có thể chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công, thu hút dòng tiền tốt với thanh khoản mua chủ động gia tăng ổn định và chuẩn bị bước vào nhịp tăng điểm ngắn hạn, thuộc một số nhóm ngành như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, thủy sản...

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

Với thanh khoản sụt giảm, VN-Index có thể tiếp tục quán tính giảm trong những phiên tới và lùi xuống dưới đường SM50. Trong trường hợp tiêu cực, chỉ số có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm...

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

VN-Index có thể bứt phá lên vùng 1.378 – 1.535 điểm nhờ dòng tiền ngoại quay trở lại mạnh mẽ sau thời gian bán ròng kỷ lục trong năm 2024. Với đà tăng này, VN-Index được kỳ vọng sẽ vượt qua vùng tích lũy của năm 2024 và tiến gần tới vùng đỉnh lịch sử 1.449 điểm vào cuối năm 2025...