Chứng khoán Mỹ chìm trong sắc đỏ, giá dầu giảm hơn 2%

Các chỉ số chính của Phố Wall tiếp tục bị ảnh hưởng bởi các cổ phiếu công nghệ với hướng dẫn thu nhập khác với dự tính, đồng thời dấu hiệu về khả năng phục hồi kinh tế có thể khuyến khích Fed giữ lãi suất ở mức cao lâu hơn dự kiến…

Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE)
Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE)

Kết thúc phiên 26/10, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 251,63 điểm (-0,76%) xuống 32.784,3 điểm, S&P 500 mất 49,54 điểm (-1,18%) còn 4.137,23 điểm và chỉ số Nasdaq Composite trượt 225,62 điểm (-1,76%) xuống 12.595,61 điểm.

Trong số 11 lĩnh vực chính của S&P 500, dịch vụ truyền thông có tỷ lệ giảm lớn nhất là 2,6%, trong khi bất động sản ghi nhận mức tăng cao nhất là 2,2% trong phiên.

Cả ba chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đều chìm trong sắc đỏ và tất cả đều trên đà giảm hàng tuần.

Nasdaq thiên về công nghệ chịu sự sụt giảm phần trăm lớn nhất, bị đè nặng bởi nhóm "magnificent seven" (7 cổ phiếu lớn) với báo cáo và hướng dẫn thu nhập không rõ ràng cũng như kịch bản lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn.

Chỉ số NYSE FANG+, bao gồm cổ phiếu các công ty công nghệ lớn nhất phố Wall như Facebook (Meta), Apple, Netflix…, đóng cửa giảm 2,7%.

Ở diễn biến riêng lẻ, Meta Platforms đánh bại kỳ vọng về doanh thu và lợi nhuận quý 3 nhưng dự báo chi tiêu năm 2024 vượt đánh giá của các nhà phân tích và công ty cho rằng xung đột ở Israel có thể làm giảm doanh thu quý 4. Cổ phiếu của Meta giảm 3,7%.

United Parcel Service hạ dự báo doanh thu cho năm 2023, khiến cổ phiếu của công ty mất 5,9%.

Nhà sản xuất chip Western Digital Corp trượt dốc 9,3% vì các cuộc đàm phán sáp nhập với Kioxia Holdings của Nhật Bản đã bị hủy bỏ.

Trong khi đó, IBM tăng 4,9% nhờ báo cáo hàng quý khả quan, được thúc đẩy bởi nhu cầu vững chắc về các giải pháp phần mềm của hãng.

Cổ phiếu của Amazon.com cũng tăng trong phiên giao dịch kéo dài sau khi “gã khổng lồ” thương mại điện tử ghi nhận doanh thu hàng quý tốt hơn dự kiến.

Mùa báo cáo quý 3 đã chuyển sang giai đoạn tăng tốc và sắp đi được nửa chặng đường, với gần 1/3 số công ty trong S&P 500 công bố kết quả trong tuần này.

Nhìn qua, cứ 4 trên 5 công ty đều vượt qua mức ước tính về thu nhập. Theo dự đoán gần đây nhất của các nhà phân tích, mức tăng trưởng thu nhập tổng hợp hàng năm của S&P 500 là 2,6%.

Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 11,63 tỷ cổ phiếu, cao hơn so với mức trung bình 10,72 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch vừa qua.

Về khía cạnh kinh tế, một loạt dữ liệu quan trọng đã được công bố, trong đó GDP quý 3 hàng năm tăng 4,9%, mức tăng mạnh nhất trong gần hai năm, khiến nhà đầu tư lo lắng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ duy trì chính sách thắt chặt thêm lâu hơn nữa.

Ông Greg Bassuk, Giám đốc điều hành của AXS Investments ở New York cho biết: “Các nhà đầu tư đang phân tích dữ liệu kinh tế qua góc nhìn của Fed. Những dữ liệu mới đây có khả năng thách thức quan điểm cho rằng Fed sẽ bắt đầu hạ lãi suất vào năm 2024”.

“Trớ trêu thay, mặc dù những con số này rất cao nhưng chúng lại củng cố thêm mối lo ngại của nhà đầu tư về việc Fed sẽ duy trì lãi suất ở mức cao lâu hơn”, ông Greg Bassuk lưu ý.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm thêm 2 USD/thùng vào 26/10 khi lo ngại về xung đột lan rộng ở Trung Đông đã giảm bớt và tình hình nhu cầu của Mỹ có dấu hiệu suy yếu.

Hợp đồng tương lai dầu Brent ổn định ở mức 87,93 USD/thùng, giảm 2,20 USD, tương đương 2,44%. Một ngày trước đó, giá dầu Brent đã tăng gần 2%.

Hợp đồng tương lai dầu thô WTI kết thúc phiên ở mức 83,21 USD / thùng, giảm 2,18 USD, tương đương 2,55%.

Giá dầu đã được thúc đẩy trong thời gian gần đây vì lo ngại về các ảnh hưởng đến nguồn cung dầu thô toàn cầu do cuộc xung đột giữa Israel và Hamas, có thể leo thang và lan rộng sang Iran cùng các đồng minh khác trong khu vực. Những lo lắng đó đã phần nào giảm bớt vào giữa trưa ngày 26/10.

Ngoài ra, theo ông Phil Thompson, giám đốc của Mobius Risk Group chia sẻ, thị trường đang trông chờ vào kế hoạch của OPEC và các đồng minh về sản lượng trong năm tới.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm