Dow Jones lập đỉnh mới, cổ phiếu vốn hóa nhỏ bùng nổ nhờ kỳ vọng giảm lãi suất

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh mẽ vào 16/7 sau khi dữ liệu bán lẻ của Mỹ củng cố quan điểm Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đang tiến gần đến chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ…

Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE)
Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE)

Kết thúc phiên 16/7, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 742,76 điểm (+1,85%) lên 40.954,48 điểm, S&P 500 thêm 35,98 điểm (+0,64%) đạt 5.667,20 điểm và Nasdaq Composite nhích nhẹ 36,77 điểm (+0,2%) thành 18.509,34 điểm.

Cả ba chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đều tăng điểm trong phiên, nhưng các cổ phiếu siêu vốn hoá lại hoạt động kém hơn, trong đó Nvidia Corp (1,62%) và Microsoft Corp (-0,98%) đã hạn chế đà tăng của Nasdaq vốn thiên về công nghệ.

Ngược lại, cổ phiếu vốn hóa nhỏ nhạy cảm với kinh tế lại kéo dài được chiến thắng của mình. Chỉ số Russell 2000 ghi nhận phiên tăng điểm thứ năm liên tiếp, chuỗi tăng dài nhất kể từ tháng 4/2000. Trong phiên, chỉ số “nhảy vọt” 3,5%, chạm mức cao nhất kể từ tháng 1/2022.

Cổ phiếu vận tải trong chỉ số Dow Jones cũng vượt trội so với các chỉ số rộng hơn, ghi nhận mức tăng phần trăm trong ngày lớn nhất kể từ tháng 11/2023 và đạt mức đóng cửa cao nhất kể từ tháng 8/2023 khi giới đầu tư ngày càng tập trung hơn vào các lĩnh vực đang bị định giá thấp trên thị trường.

"Các công ty vốn hóa nhỏ nằm trong số những đơn vị hưởng lợi nhất từ việc cắt giảm lãi suất và hôm nay chúng ta thấy được sự hội tụ của ba yếu tố: thu nhập mạnh mẽ, nền kinh tế kiên cường và niềm tin cao về việc cắt giảm lãi suất vào tháng 9”, Greg Bassuk, Giám đốc điều hành tại AXS Investments nhận định.

Mùa báo cáo thu nhập quý 2 đang diễn ra sôi động.

Cổ phiếu UnitedHealth Group tăng 6,5% sau báo cáo lợi nhuận vượt kỳ vọng, đưa chỉ số Dow Jones và chỉ số S&P 500 Y tế lên mức cao nhất mọi thời đại.

Lợi nhuận quý 2 của Bank of America cũng cao hơn dự kiến của các nhà phân tích và phí bảo lãnh phát hành tăng lên khi thị trường vốn phục hồi. Ngân hàng lớn thứ hai của Mỹ cũng đưa ra hướng dẫn lạc quan về thu nhập lãi ròng, nâng cổ phiếu của họ thêm 5,3%.

Morgan Stanley nhích nhẹ 0,9% ngay cả sau khi ngân hàng đầu tư này báo cáo doanh thu mảng quản lý tài sản đáng thất vọng.

Ở một diễn biến khác, công ty mẹ của ứng dụng hẹn hò Tinder - Match, tăng 7,5% nhờ có thông tin rằng nhà đầu tư tích cực Starboard đang nắm giữ hơn 6,5% cổ phần của công ty.

Về khía cạnh kinh tế, dữ liệu từ Bộ Thương mại Mỹ gần đây cho thấy doanh số bán lẻ tăng cao hơn dự kiến. Điều này mang đến đảm bảo rằng chi tiêu của người tiêu dùng, chiếm khoảng 70% nền kinh tế Mỹ, vẫn duy trì ổn định mặc dù chính sách tiền tệ thắt chặt. Điều này đã xoa dịu lo ngại rằng lãi suất cao có thể đẩy nền kinh tế vào suy thoái.

Tom Hainlin, chiến lược gia đầu tư quốc gia tại U.S. Bank Wealth Management cho biết: "Khi bạn nhìn vào dữ liệu kinh tế, dù rằng nó đang chậm lại nhưng không ở mức đáng lo ngại. Fed đang thấy được những gì họ muốn thấy - sự ổn định khi nền kinh tế chậm lại nhưng không quá nhiều và không quá nhanh”.

GIÁ DẦU GIẢM HƠN 1%

Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm hơn 1% vào 16/7, đánh dấu phiên giảm thứ ba liên tiếp, do nỗi lo rằng sự chững lại của nền kinh tế Trung Quốc sẽ hạn chế nhu cầu.

Tuy nhiên, đà giảm đã phần nào được hạn chế bởi kỳ vọng ngày càng cao rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 9.

Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 1,12 USD, tương đương 1,3%, xuống 83,73 USD/thùng, trong khi đó dầu thô West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ giảm 1,15 USD, tương đương 1,4%, xuống 80,76 USD/thùng.

Dennis Kissler, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách giao dịch tại BOK Financial phân tích: "Dữ liệu kinh tế Trung Quốc tiếp tục chỉ ra các điểm yếu kém, với nhiều nhà máy lọc dầu của Trung Quốc phải cắt giảm sản lượng do nhu cầu nhiên liệu yếu. Ngay cả các chương trình hỗ trợ của chính phủ cũng gây thất vọng”.

Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết vào cùng ngày rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ có mức tăng trưởng khiêm tốn trong hai năm tới, trong bối cảnh hoạt động kinh tế tại Mỹ giảm nhiệt, Châu Âu chạm đáy và tiêu dùng cùng xuất khẩu của Trung Quốc phục hồi. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rủi ro trên con đường kinh tế.

Tại Mỹ, vào đầu tuần này, chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết 3 số liệu lạm phát trong quý 2 năm nay cung cấp thêm sự tự tin rằng lạm phát đang quay trở lại mục tiêu của ngân hàng trung ương theo cách bền vững.

Các nhà tham gia thị trường hy vọng, những bình luận này cho thấy việc cắt giảm lãi suất có thể không còn xa. Lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí vay mượn, có thể thúc đẩy hoạt động kinh tế và nhu cầu dầu mỏ.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm