Dow Jones lập đỉnh, giới đầu tư đặt cược vào chiến thắng của Donald Trump và hành động cắt giảm lãi suất của Fed

Phố Wall đóng cửa cao hơn vào 15/7 khi kỳ vọng về một nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Donald Trump ngày một gia tăng, bên cạnh đó là tâm lý lạc quan về khả năng Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 9…

Dow Jones lập đỉnh, giới đầu tư đặt cược vào chiến thắng của Donald Trump và hành động cắt giảm lãi suất của Fed

Kết thúc phiên 15/7, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 210,82 điểm (+0,53%) đóng cửa ở mức 40.211,72 điểm, chỉ số S&P 500 nhích 15,87 điểm (+0,28%) lên 5.631,22 điểm và chỉ số Nasdaq Composite thêm 74,12 điểm (+0,40%) thành 18.472,57 điểm.

Mặc dù cả ba chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc thấp hơn nhiều so với mức cao trong phiên, nhưng chỉ số Dow Jones vẫn đạt mức đóng cửa cao nhất mọi thời đại.

Trong số 11 ngành chính của S&P 500, năng lượng có mức tăng phần trăm lớn nhất, trong khi tiện ích là lĩnh vực bị tụt hậu.

Các cổ phiếu vốn hóa nhỏ nhạy cảm với kinh tế và cổ phiếu ngành vận tải cũng có hoạt động vượt trội hơn so với thị trường chung.

Ở các diễn biến riêng lẻ, cổ phiếu Goldman Sachs leo hơn 2,6% sau khi tổ chức báo cáo lợi nhuận quý 2 tăng gấp đôi, vượt dự báo của các nhà phân tích nhờ vào đà tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực phát hành nợ và giao dịch thu nhập cố định.

Kỳ vọng về một nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump đã đẩy cổ phiếu Trump Media & Technology Group nhảy vọt 31,4%.

Cổ phiếu tiền điện tử cũng hoạt động tốt, với Coinbase Global, Marathon Digital Holdings và Riot Platforms đều bổ sung thêm từ 11,4% đến 18,3%.

Ở chiều đi xuống, các công ty năng lượng mặt trời giảm mạnh khi khả năng chiến thắng của ông Trump đã hạ thấp kỳ vọng về trợ cấp năng lượng tái tạo cho Mỹ. Cổ phiếu của Sunrun và SolarEdge Technologies mất tới 9,0% và 15,4%.

Cổ phiếu niêm yết tại Mỹ của các công ty Trung Quốc cũng trượt dốc do lo ngại về các hạn chế thương mại chặt chẽ hơn dưới thời chính quyền Trump lãnh đạo.

Macy's Inc giảm 11,7% khi chuỗi trung tâm thương mại này hủy bỏ các cuộc đàm phán mua lại với Arkhouse Management và Brigade Capital.

Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 11,07 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 11,59 tỷ trong 20 ngày giao dịch qua.

Theo các chuyên gia nhận định, sau vụ ám sát bất thành xảy ra vào ngày 13/7 tại Pennsylvania, dường như cơ hội giành chiến thắng trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ của ông Donald Trump đã được cải thiện đáng kể.

Một nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump sẽ có thể dẫn đến chính sách thương mại cứng rắn hơn, gia hạn cắt giảm thuế và loại bỏ bớt quy định trong nhiều lĩnh vực như biến đổi khí hậu hay tiền điện tử.

Tâm lý cũng được củng cố bởi sự lạc quan rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ bước vào giai đoạn cắt giảm lãi suất trong tháng 9, với hy vọng sẽ có tổng cộng ba lần cắt giảm vào cuối năm nay.

Trong bài phát biểu trước Câu lạc bộ Kinh tế của Washington, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nhắc lại niềm tin của mình về việc nền kinh tế Mỹ có thể tránh được suy thoái và các chỉ số dữ liệu gần đây cho thấy tiến bộ trong việc đưa lạm phát xuống mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương.

"Việc cắt giảm lãi suất vào tháng 9 gần như đã được đảm bảo”, Ross Mayfield, nhà phân tích chiến lược đầu tư tại Baird lưu ý.

GIÁ DẦU TRƯỢT GIẢM

Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm vào phiên đầu tuần do lo ngại về nhu cầu tại Trung Quốc, làm lu mờ tác động tích cực từ tin tức kinh tế Mỹ và nguồn cung của OPEC+.

Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 18 cent, tương đương 0,2%, đóng cửa ở mức 84,85 USD/thùng, trong khi dầu thô West Texas Intermediate (WTI) giảm 30 cent, tương đương 0,4%, đóng cửa ở mức 81,91 USD/thùng.

"Dữ liệu từ Trung Quốc, bao gồm hoạt động của các nhà máy lọc dầu và nhập khẩu dầu thô, không hề khả quan. Nhưng tăng trưởng nhu cầu ở các nơi khác vẫn ổn định”, nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS cho biết.

Trong quý 2, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn nhiều so với dự kiến khi tình trạng suy thoái kéo dài của lĩnh vực bất động sản và sự bất ổn về việc làm đã làm suy yếu khả năng phục hồi mong manh của quốc gia tỷ dân. Điều này đã thúc đẩy kỳ vọng rằng Bắc Kinh sẽ cần phải tung ra thêm các biện pháp kích thích mạnh mẽ hơn.

Sản lượng lọc dầu của Trung Quốc giảm 3,7% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm ở tháng thứ ba liên tiếp do kế hoạch bảo trì. Trong khi đó, biên lợi nhuận thấp và nhu cầu nhiên liệu yếu đã buộc các nhà máy độc lập phải cắt giảm sản lượng.

Tại Mỹ, thị trường hiện đang tập trung các diễn biến tranh cử tổng thống Mỹ, khi cơ hội tái đắc cử của ông Donald Trump ngày một cao hơn sau vụ ám sát bất thành xảy ra hôm 13/7.

Ở Trung Đông, căng thẳng địa chính trị tiếp tục mang đến tín hiệu cho giá dầu, mặc dù lượng dự trữ dồi dào của Arab Saudi và các thành viên OPEC đã hạn chế sự hỗ trợ về giá, các nhà phân tích chỉ ra.

Trong khi đó tại Nga, Phó Thủ tướng Alexander Novak cho biết thị trường dầu mỏ toàn cầu sẽ cân bằng trong nửa cuối năm và cả 2025, nhờ vào thỏa thuận sản xuất của OPEC+.

OPEC+, tổ chức bao gồm OPEC và các đồng minh như Nga, đã thực hiện một loạt các đợt cắt giảm sản lượng kể từ cuối năm 2022 để hỗ trợ thị trường. Vào ngày 2/6, OPEC+ đã đồng ý gia hạn cắt giảm 2,2 triệu thùng mỗi ngày cho đến cuối tháng 9 và sẽ dần dần loại bỏ việc cắt giảm kể từ tháng 10.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm