Kết thúc phiên 12/7, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 0,62% lên 40.000,90 điểm, S&P 500 thêm 0,55% thành 5.615,35 điểm và Nasdaq leo 0,63% đóng cửa ở mức 18.398,45 điểm.
S&P 500 và Dow Jones đã tăng vọt lên mức cao nhất từ trước đến nay trước khi giảm bớt một phần đáng kể mức tăng đó vào lúc đóng cửa.
Trong tuần, S&P 500 tăng 0,9%, Nasdaq tăng 0,2% và Dow tăng 1,6%.
Một số công ty có giá trị thị trường cao nhất đã phục hồi sau khi giảm điểm trong phiên giao dịch trước. Cổ phiếu Apple và Nvidia đều tăng hơn 1%.
Cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất trong S&P 500 là Tesla, với khối lượng giao dịch trị giá 38 tỷ USD trong phiên. Nhà sản xuất xe điện Mỹ chốt phiên tăng 3%.
Trong khi đó, cổ phiếu của ngân hàng lớn nhất thế giới JPMorgan Chase giảm 1,2% dù cho lợi nhuận quý 2 đã được hỗ trợ bởi các phí ngân hàng đầu tư tăng.
Cổ phiếu Wells Fargo cũng lao dốc 6% sau khi khoản thu nhập lãi theo quý của họ thấp hơn dự kiến, trong khi Citigroup mất 1,8% mặc dù báo cáo doanh thu của ngân hàng tăng vọt. Chỉ số ngân hàng thuộc S&P 500 giảm 1,5%.
Chỉ số vốn hoá nhỏ Russell 2000 tăng mạnh trong 3 ngày liên tiếp, thêm 1,1% vào phiên 12/7 và đạt mức cao nhất kể từ năm 202. Chỉ số S&P 400 vốn hoá vừa cũng tăng 0,9%.
"Sự luân chuyển sang các công ty vốn hóa vừa và nhỏ vẫn đang tiếp tục và đó là một dấu hiệu tích cực nói chung”, Ryan Detrick, chiến lược gia thị trường trưởng tại Carson Group nhận xét.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 11,3 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 11,6 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên vừa qua.
Với việc các chỉ số chứng khoán giao dịch gần mức cao kỷ lục, nhiều nhà đầu tư đang đặt cược vào tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ từ các công ty được hưởng lợi từ sự phát triển bùng nổ trong lĩnh vực điện toán trí tuệ nhân tạo, bên ngoài Nvidia hay các doanh nghiệp nặng ký khác.
Giới phân tích dự kiến, lợi nhuận quý 2 cho các công ty S&P 500 sẽ tăng 9,6%, với động lực mạnh mẽ đến từ các công ty công nghệ. Tuy nhiên, lợi nhuận có thể đi xuống trong lĩnh vực bất động sản, công nghiệp và vật liệu, theo dữ liệu của LSEG IBES.
Zachary Hill, Giám đốc quản lý danh mục đầu tư tại Horizon Investments cho biết: "Sự hấp dẫn theo chủ đề AI vẫn còn đó. Chúng tôi chỉ cần thấy được thêm sự thay đổi trong tăng trưởng thu nhập đến từ phần còn lại của thị trường và đó là điều sẽ được theo dõi chặt chẽ trong vài tuần tới”.
Về khía cạnh kinh tế lớn hơn, dữ liệu mới công bố báo cáo rằng giá sản xuất trong tháng 6 “nóng” hơn dự kiến một chút nhưng không ảnh hưởng nhiều đến kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất lần đầu tiên vào tháng 9. Dữ liệu này tiếp nối thông tin cho thấy giá tiêu dùng của Mỹ giảm bất ngờ trong tháng 6.
Các nhà giao dịch đang đặt cược 94% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào cuộc họp tháng 9, tăng so với mức 78% của một tuần trước, theo FedWatch của CME Group.
GIÁ DẦU GIẢM NHẸ
Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm nhẹ với hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 37 cent xuống 85,03 USD/thùng và giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giảm 41 cent, tương đương 0,5%, đóng cửa ở mức 82,21 USD/thùng.
Trong tuần, giá dầu Brent giảm hơn 1,7% sau bốn tuần tăng giá. Giá dầu WTI giảm 1,1%.
Nhập khẩu dầu của Trung Quốc giảm mạnh 11% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 46,45 triệu tấn trong tháng 6.
Số liệu yếu kém này làm giảm bớt bức tranh tích cực từ các dữ liệu thương mại khác của Trung Quốc, vốn cho thấy thặng dư thương mại của nước này tăng trưởng vượt kỳ vọng, trong khi xuất khẩu cũng tăng mạnh.
Nhập khẩu dầu giảm mạnh làm dấy lên lo ngại về nhu cầu dầu thô yếu tại nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới và từ đó gây áp lực lên giá, đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc đang vật lộn với tình hình tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Mặc dù vậy, các nhà phân tích tại ANZ vẫn cho rằng nhập khẩu dầu có thể sẽ tăng trở lại trong những tháng tới do lượng dự trữ dầu thô thấp và hoạt động lọc dầu gia tăng.