Dow Jones mất điểm vì Walmart trượt dốc và cổ phiếu năng lượng sụt giảm

Chỉ số Dow Jones đóng cửa giảm điểm vào 16/11 do sự biến động của cổ phiếu Walmart và lo lắng về nền kinh tế sau hàng loạt dữ liệu yếu hơn dự kiến…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE)
Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE)

Kết thúc phiên 16/11, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 45,74 điểm, (-0,13%) xuống 34.945,47 điểm, S&P 500 tăng 5,36 điểm (+0,12%) lên 4.508,24 điểm và Nasdaq Composite nhích thêm 9,84 điểm (+0,07%) thành 14.113,67 điểm.

Trong số 11 lĩnh vực S&P chính, năng lượng là ngành có mức giảm nhiều nhất, giảm 2,1% và chạm mức thấp nhất trong 4 tháng do giá dầu thô trượt gần 5%. Ngược lại, dịch vụ truyền thông, tăng 0,9% là ngành có mức tăng mạnh nhất trong phiên, tiếp theo là công nghệ thông tin, tăng 0,7%.

“Động lực lớn hiện nay là cuộc giằng co giữa những người muốn bán khi giá tăng và những người muốn mua khi giá giảm. Dữ liệu kinh tế chưa tồi tệ đến mức gây ra quá nhiều lo ngại về suy thoái kinh tế, nhưng cũng chưa đủ tốt để tạo ra sự nhiệt tình. Chúng ta đang bước vào thời kỳ nghỉ lễ khi mà những bất ngờ nhỏ cũng có thể ảnh hưởng lớn đến giá”, ông Brian Jacobsen, nhà kinh tế trưởng tại Annex Wealth Management đánh giá.

Ở các diễn biến riêng lẻ, cổ phiếu của Cisco Systems đã giảm 9,8% khi công ty công nghệ mạng và truyền thông cắt giảm dự báo doanh thu và lợi nhuận cả năm do nhu cầu về thiết bị mạng của họ đang chậm lại. Cũng trong lĩnh vực công nghệ, cổ phiếu Palo Alto Networks mất 5,4% do dự báo về doanh thu quý hai không đạt kỳ vọng.

Trong mảng bán lẻ, cổ phiếu Walmart mất 8,1% khi công ty đưa ra dự báo cho thấy người tiêu dùng Mỹ đang chi tiêu thận trọng vì lạm phát. Walmart trước đó vẫn nâng dự báo hàng năm về doanh thu và lợi nhuận.

Điều này đã khiến chỉ số hàng tiêu dùng thiết yếu của S&P 500 giảm 1,2% và đè nặng lên các nhà bán lẻ khác như Dollar General và Dollar Tree, đều trượt 4,2%.

Target giảm nhẹ 0,4%, thu hẹp một số lợi nhuận từ phiên trước đó khi cổ phiếu này tăng vọt 17,8% nhờ triển vọng doanh thu mạnh mẽ trong quý nghỉ lễ.

Riêng Macy's chứng kiến đà tăng 5,7% sau khi doanh thu hàng quý của chuỗi trung tâm thương mại vượt qua ước tính của các nhà phân tích.

“Cisco và Walmart là hai doanh nghiệp "xương sống” trong các ngành tương ứng của họ, do đó, diễn biến hiện nay đặt ra một số nghi vấn về tâm lý của người tiêu dùng và có thể là cả sức khỏe của ngành công nghệ”, Paul Nolte, cố vấn tài sản cấp cao và chiến lược gia thị trường tại Murphy & Sylvest cho biết.

Tuy nhiên, một số cổ phiếu khác lại ghi nhận những tín hiệu đáng hoan nghênh trong phiên giao dịch, đặc biệt là với mức tăng ở các megacap bao gồm Microsoft Corp, Apple Inc và Nvidia.

Khối lượng trên các các sàn chứng khoán Mỹ là 10,71 tỷ cổ phiếu, cao hơn so với mức trung bình 11,09 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên gần đây.

Đầu tuần này, các chỉ số chính của Phố Wall ghi nhận mức tăng tích cực khi dữ liệu cho thấy lạm phát ở Mỹ đang hạ nhiệt và từ đó mang đến hy vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã hoàn tất việc tăng lãi suất. Ngoài ra, việc thông qua dự luật tạm thời nhằm ngăn chặn sự đóng cửa của chính phủ trong tuần này đã làm dịu đi một số lo lắng.

Theo công cụ FedWatch của CME Group, thị trường đã đặt cược lớn vào khả năng Fed sẽ giữ lãi suất ổn định trong tháng 12 và nhận thấy khoảng 62% cơ hội cắt giảm lãi suất ít nhất là 0,25 điểm phần trăm vào tháng 5/2024.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm tới 5% vào 16/11 xuống mức thấp nhất trong 4 tháng, do các nhà đầu tư lo lắng về nhu cầu dầu toàn cầu sau số liệu yếu kém từ Mỹ và châu Á.

Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 3,76 USD, tương đương 4,6%, xuống 77,42 USD/thùng. Dầu thô WTI của Mỹ mất 3,76 USD, tương đương 4,9%, xuống 72,90 USD/thùng. Cả Brent và WTI trước đó đều giao dịch ở mức thấp nhất kể từ ngày 7/7, lần lượt ở mức 76,60 USD và 72,16 USD.

Phil Flynn, nhà phân tích tại Price Futures Group, nhận xét: “Tâm trạng tiêu cực, biểu đồ cũng tiêu cực”.

OPEC và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đều dự đoán nguồn cung sẽ thắt chặt trong quý 4, nhưng dữ liệu của Mỹ 15/11 cho thấy khối lượng tồn kho vẫn dồi dào.

Trong khi đó, dự kiến sản lượng lọc dầu của Trung Quốc chậm lại cũng khiến các nhà đầu tư do dự. Hoạt động giảm trong tháng 10 so với mức cao của tháng trước là bởi nhu cầu nhiên liệu công nghiệp suy yếu và biên lợi nhuận lọc dầu thu hẹp.

Có thể bạn quan tâm