Phố Wall dao động nhẹ, chuẩn bị tinh thần chờ đón dữ liệu lạm phát của Mỹ

S&P 500 đóng cửa phiên giao dịch 13/11 không có nhiều thay đổi khi các nhà đầu tư “nín thở” chờ đợi một dữ liệu lạm phát quan trọng có thể cung cấp manh mối về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ duy trì lãi suất ở mức cao trong bao lâu…

Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE)
Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE)

Kết thúc phiên 13/11, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 54,77 điểm (+0,16%) lên 34.337,87 điểm, S&P 500 mất 3,69 điểm (-0,08%) xuống 4.411,55 điểm và Nasdaq Composite giảm 30,37 điểm (-0,22%) còn 13.767,74 điểm.

Trong số 11 ngành chính của S&P 500, năng lượng là ngành có mức tăng mạnh nhất, tăng 0,7% trong khi tiện ích là ngành giảm nhiều nhất, giảm 1,2%.

Giúp duy trì đà đi lên của chỉ số Dow Jones, cổ phiếu Boeing tăng 4% sau khi Bloomberg News đưa tin rằng Trung Quốc đang xem xét nối lại việc mua máy bay 737 Max. Hàng hàng không Emirates của Dubai cũng đã đặt hàng thêm 90 máy bay phản lực Boeing 777X tại lễ khai mạc Triển lãm hàng không Dubai trong cùng ngày.

Chỉ số chăm sóc sức khỏe S&P Health Care là chỉ số có mức tăng phần trăm lớn thứ hai, thêm 0,6%. Cổ phiếu ghi nhận mức tăng phần trăm lớn nhất là công ty lọc máu Davita Inc, tăng 6,5%.

Các công ty công nghệ y tế khác cũng tăng điểm, bao gồm Insulet tăng 5,6% và Dexcom tăng 4,6%, Abbott tăng 1,9% khi các nhà đầu tư phản ứng với dữ liệu về lợi ích tim mạch của thuốc giảm cân Wegovy của Novo Nordisk.

Cổ phiếu năng lượng đã phần nào phục hồi nhờ vào giá dầu tăng sau khi giảm mạnh vào tuần trước trong bối cảnh lo ngại về nhu cầu toàn cầu chậm lại, đặc biệt là từ Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.

Cùng với việc giá dầu tăng, lĩnh vực năng lượng nói chung còn được hỗ trợ bởi mức tăng 1% của Exxon Mobil Corp sau khi công ty lên kế hoạch chi tiết để bắt đầu sản xuất lithium vào năm 2027.

Trong khi đó, Tesla lên hơn 4% nhờ việc cập nhật các điều khoản trong thỏa thuận với người mua Cybertruck, bao gồm cả quy định không bán lại xe Cybertruck của mình ngay trong năm đầu tiên mới mua.

Cổ phiếu bán dẫn giảm 1% gây áp lực lên toàn bộ lĩnh vực công nghệ bất chấp mức tăng khiêm tốn của Nvidia sau khi nhà sản xuất chip tung ra chip H200, phiên bản tiên tiến mới của chip H100.

Marvell Technology Inc, Lattice Semiconductor và Advanced Micro Devices Inc là những công ty thua lỗ lớn nhất trong lĩnh vực chip.

Khối lượng trên các sàn chứng khoán Mỹ là 9,34 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với 10,97 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên gần đây.

Sau khi các chỉ số tăng mạnh vào thứ Sáu tuần trước, thị trường bắt đầu chuyển sự chú ý sang dữ liệu Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ, dự kiến công bố vào sáng 14/11. Các nhà kinh tế kỳ vọng mức tăng trưởng 3,3% trong tháng 10, thấp hơn so với mức 3,7% trong tháng 9. Nhưng chỉ số cốt lõi dự kiến sẽ không thay đổi so với tháng trước.

Matt Stucky, giám đốc danh mục đầu tư cổ phiếu tại Northwestern cho biết: “Chỉ số CPI, cùng với diễn biến của thị trường lao động rõ ràng sẽ có tác động lớn tới thị trường tài chính, bởi vì nó quyết định chính sách của Fed sẽ đi đến đâu từ đây. Giới đầu tư kỳ vọng Fed sẽ không tăng lãi suất và để điều đó trở thành sự thật, nền kinh tế cần phải tiếp tục đạt được tiến bộ trong vấn đề lạm phát, cùng với việc hạ nhiệt thị trường lao động”.

Theo công cụ FedWatch của CME Group, các nhà giao dịch đặt cược 86% khả năng Fed sẽ giữ lãi suất ổn định trong tháng 12.

Trong khi chỉ số CPI là vấn đề chính khiến các nhà đầu tư cẩn trọng hơn vào thứ Hai, thì triển vọng tín dụng suy yếu của Mỹ cũng là một yếu tố khác được đưa vào cân nhắc, ông Michael O'Rourke - chiến lược gia trưởng thị trường tại JonesTrading đánh giá.

Moody's vào cuối ngày 10/11 đã hạ triển vọng xếp hạng tín dụng của Mỹ từ “ổn định” xuống "tiêu cực" vì lý do thâm hụt tài chính lớn và khả năng chi trả nợ giảm.

Ông Michael O'Rourke giải thích thêm, điều này khiến các nhà đầu tư chần chừ trong việc đưa ra các quyết định lớn trước thời hạn cuối tuần có khả năng dẫn đến việc chính phủ Mỹ phải đóng cửa.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson đã công bố một biện pháp chi tiêu tạm thời của Đảng Cộng hòa vào 11/11 nhằm ngăn chặn việc đóng cửa, nhưng biện pháp này nhanh chóng vấp phải sự phản đối từ các nhà lập pháp của cả hai đảng trong Quốc hội. Tuy nhiên, vào chiều 13/11, thành viên hàng đầu của đảng Dân chủ tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer đã bày tỏ sự ủng hộ đối với dự luật tài trợ ngắn hạn của ông Mike Johnson với hy vọng giúp chính phủ mở cửa đến hết cuối tuần.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng hơn 1% trong ngày 13/11 sau khi báo cáo thị trường hàng tháng của OPEC đã làm giảm bớt lo ngại về nhu cầu suy yếu.

Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 1,09 USD, tương đương 1,3%, đạt 82,52 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ cũng tăng 1,09 USD, tương đương 1,4%, đạt 78,26 USD/thùng.

Trong một báo cáo hàng tháng, OPEC cho biết các yếu tố cơ bản của thị trường dầu mỏ vẫn mạnh mẽ và đổ lỗi cho các nhà đầu cơ khiến giá giảm. OPEC đã nâng nhẹ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2023 và giữ nguyên dự đoán tương đối cao vào năm 2024.

Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA, lưu ý: “Báo cáo thị trường dầu hàng tháng của OPEC dường như đã đẩy lùi những lo ngại về nhu cầu. Họ cũng đề cập đến tâm lý tiêu cực bị thổi phồng quá mức xung quanh nhu cầu ở Trung Quốc”.

Tuần trước, hai nhà xuất khẩu dầu hàng đầu là Arab Saudi và Nga, đã xác nhận việc tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện cho đến cuối năm do lo ngại về nhu cầu và tăng trưởng kinh tế đầy thách thức.

“Arab Saudi và Nga có thể sẽ tiếp tục cắt giảm nguồn cung tự nguyện trong năm tới và điều này do đó sẽ hạn chế khả năng giảm giá hơn nữa”, ông Fawad Razaqzada, nhà phân tích tại City Index nhận định.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm