Dow Jones tiếp tục lập đỉnh mới, giới đầu tư dự báo đà tăng còn kéo dài

Chỉ số Dow Jones đóng cửa ở mức cao kỷ lục trong phiên 14/12 ở ngày thứ hai liên tiếp khi tâm lý lạc quan tiếp tục thúc đẩy thị trường, ngay cả khi một số người bày tỏ lo ngại rằng đợt tăng giá gần đây là quá nhiều, quá nhanh…

Sàn giao dịch chứng khoán NEW YORK (NYSE)
Sàn giao dịch chứng khoán NEW YORK (NYSE)

Kết thúc phiên 14/12, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 158 điểm (+0,4%) đóng cửa ở mức kỷ lục 37.248,35 điểm. Nasdaq Composite thêm 27,60 điểm (+0,17%) ở mức 14.759,54 điểm và S&P 500 leo 12,37 điểm (+0,26%) thành 4.719,46 điểm.

Cổ phiếu bán dẫn tăng lên mức cao nhất mọi thời đại, nhờ sự tăng trưởng của Intel lên mức cao mới trong 52 tuần sau khi nhà sản xuất chip tiết lộ dòng chip AI mới có khả năng cạnh tranh với các đối thủ đầu ngành như Nvidia và Advanced Micro Devices Inc.

Cổ phiếu Tesla cũng tăng vọt, với hơn 37 tỷ USD giá trị cổ phiếu được giao dịch.

Rivian Automotive Inc cũng leo hơn 13% bởi nhà sản xuất xe điện giành được thỏa thuận cung cấp xe tải thương mại và xe R1 cho AT&T như một phần của chương trình thí điểm.

Cổ phiếu của Moderna cũng lên hơn 9% nhờ kết quả thử nghiệm khả quan của vaccine ngăn ngừa ung thư RNA mà công ty đang hợp tác phát triển với Merck.

Occidental Petroleum nhích gần 3%, củng cố thêm cho cổ phiếu ngành năng lượng sau khi Berkshire Hathaway của Warren Buffett mua lại gần 10,5 triệu cổ phiếu của “gã khổng lồ dầu” mỏ với giá khoảng 588,7 triệu USD.

Trong phiên, có thời điểm Apple lập đỉnh kỷ lục mới là 199,62 USD/cổ phiếu nhưng sau đó đã từ bỏ đà tăng. Alphabet Inc Class A, Microsoft đều đóng cửa trong sắc đỏ.

Cổ phiếu Adobe Systems giảm 7% khi công ty phần mềm máy tính đưa ra dự báo thận trọng về thu nhập và doanh thu năm 2024.

Trong cuộc họp chính sách vào 13/12, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25 - 5,50%. Cùng với đó, chủ tịch Jerome Powell cũng cho rằng đợt thắt chặt chính sách tiền tệ mang tính lịch sử có thể đã kết thúc khi lạm phát giảm nhanh hơn dự kiến và các cuộc thảo luận về việc cắt giảm đang được xem xét.

Các nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm, lần đầu tiên giảm xuống dưới 4% kể từ đầu tháng 8 sau tuyên bố của Fed.

Về dữ liệu kinh tế, Bộ Thương mại Mỹ trong cùng ngày đã báo cáo doanh số bán lẻ bất ngờ tăng trong tháng 11 khi mùa mua sắm nghỉ lễ bắt đầu sôi động, làm giảm bớt lo ngại về suy thoái kinh tế.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng 3% vào 14/12, kéo dài mức tăng của phiên trước đó, được thúc đẩy bởi USD yếu hơn và việc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nâng dự báo nhu cầu dầu trong năm tới.

Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 2,35 USD, tương đương 3,2%, ở mức 76,61 USD/thùng. Dầu thô WTI tăng 2,11 USD, tương đương 3%, lên 71,58 USD/thùng.

IEA cho biết trong một báo cáo hàng tháng rằng tiêu thụ dầu thế giới sẽ tăng 1,1 triệu thùng/ngày vào năm 2024, tăng 130.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó, do triển vọng của Mỹ cải thiện và giá dầu giảm.

Giá dầu cũng phục hồi khi đồng USD giảm xuống mức thấp nhất trong 4 tháng sau khi ngân hàng trung ương Mỹ cho biết chu kỳ tăng lãi suất đã kết thúc và có thể sẽ cắt giảm vào năm 2024.

Phil Flynn, nhà phân tích tại Price Futures Group, nhận xét: “Rõ ràng tâm lý đối với dầu đã thay đổi đáng kể. Một trong những chất xúc tác chính giúp loại bỏ sự biến động ra khỏi thị trường là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ”.

Lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí vay tiêu dùng, điều này có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nhu cầu về dầu. Đồng USD yếu hơn cũng khiến dầu trở nên rẻ hơn đối với người mua nước ngoài.

Xem thêm

Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE)

Chứng khoán Mỹ lại tiếp tục "phá đỉnh" năm 2023

Chứng khoán Mỹ đã đóng cửa ở mức cao mới trong năm vào phiên 11/12 trước các chất xúc tác thị trường lớn trong tuần này bao gồm chỉ số lạm phát và thông báo chính sách của Fed, vốn sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến kỳ vọng về đường đi của lãi suất…

Có thể bạn quan tâm