Kết thúc phiên 7/12, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones nhích nhẹ 0,18% ở mức 36.117,57 điểm, chỉ số Nasdaq Composite tăng 1,37% lên 14.339,99 điểm, còn S&P 500 thêm 0,80% để kết thúc phiên ở mức 4.585,59 điểm.
Chỉ số bán dẫn Philadelphia đã tăng 2,8%, nâng mức tăng năm 2023 lên 48%, phần lớn được thúc đẩy bởi những đặt cược về tương lai của AI.
Hạn chế mức tăng của Dow Jones, cổ phiếu Merck giảm 1,7% sau khi sự kết hợp liệu pháp miễn dịch của nhà sản xuất thuốc này thất bại trong một nghiên cứu về ung thư phổi.
Cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất trong S&P 500 là Tesla, với 25,7 tỷ USD cổ phiếu. Tesla tăng 1,37%.
Cổ phiếu của Alphabet leo 5,3% khi các nhà phân tích hoan nghênh sự ra mắt của mẫu AI mới nhất từ công ty, trong khi AMD tăng gần 10% sau ước tính thị trường tiềm năng cho chip AI trung tâm dữ liệu của AMD có thể đạt 45 tỷ USD trong năm nay.
Các cổ phiếu nặng ký khác liên quan đến công nghệ cũng tăng giá, với Nvidia và Meta Platforms tăng hơn 2%, Amazon thêm 1,6% và Apple cao hơn 1%.
Jay Hatfield, Giám đốc điều hành của Cơ quan quản lý vốn cơ sở hạ tầng ở New York cho biết: “Hôm nay là một ngày rực rỡ của Alphabet và AMD. Đã có những hiệu ứng lan toả trên toàn thị trường. Mọi người đều muốn tham gia vào cuộc đua”.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 11,2 tỷ cổ phiếu, cao hơn so với mức trung bình 10,8 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên trước đó.
Hầu hết các nhà đầu tư hiện đều đặt cược cho khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp vào tuần tới.
Dữ liệu hôm thứ Năm cho thấy số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới tăng ít hơn dự kiến vào tuần trước lên mức 220.000. Báo cáo việc làm của Bộ Lao động Mỹ công bố vào 8/12 sẽ có thể cho thấy một phần sức khoẻ nền kinh tế Mỹ và có thể làm thay đổi kỳ vọng về thời điểm Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất. Bảng lương phi nông nghiệp dự kiến tăng thêm 180.000 việc làm vào tháng trước sau khi tăng 150.000 vào tháng 10.
Theo công cụ FedWatch của CME Group, 64% thị trường đặt kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất ngay sau tháng 3/2024.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tiếp tục giảm trong phiên 7/12 xuống mức thấp nhất trong 6 tháng, do các nhà đầu tư lo lắng về nhu cầu năng lượng yếu kém ở Mỹ và Trung Quốc trong khi sản lượng từ Mỹ vẫn ở gần mức cao kỷ lục.
Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 25 cent xuống 74,05 USD/thùng. Hợp đồng tương lai dầu thô WTI giảm 4 cent xuống còn 69,34 USD/thùng. Cả hai điểm chuẩn đều ghi nhận mức giá thấp nhất kể từ cuối tháng 6/2023.
Nhà phân tích John Evans của PVM Oil cho biết: “Với việc nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, Trung Quốc, đã chấm dứt “cơn khát dầu”, áp lực tiếp tục đè lên giá khi nhà sản xuất lớn, Mỹ, duy trì được sản lượng ở mức cao”.
Trích dẫn dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, sản lượng nước này hiện vẫn ở gần mức cao kỷ lục hơn 13 triệu thùng mỗi ngày. Dự trữ xăng cũng tăng 5,4 triệu thùng trong tuần trước lên 223,6 triệu thùng, gấp hơn 5 lần mức tăng 1 triệu thùng được dự kiến.
Những lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc cũng cản trở đà tăng của giá dầu. Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy, nhập khẩu dầu thô trong tháng 11 giảm 9% so với một năm trước do mức tồn kho cao, các chỉ số kinh tế yếu và đơn đặt hàng chậm lại từ các nhà máy lọc dầu độc lập.
Trong khi tổng nhập khẩu của Trung Quốc giảm so với tháng trước, xuất khẩu trong tháng 11 đã tăng lần đầu tiên sau 6 tháng, cho thấy sự gia tăng dòng chảy thương mại toàn cầu có thể hỗ trợ lĩnh vực sản xuất.