Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa chủ trì cuộc họp với lãnh đạo Thành phố Hà Nội và một số bộ về biện pháp giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội. Cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.
Thủ tướng nhấn mạnh, biết tình hình ùn tắc giao thông xấu như vậy mà Nhà nước không có biện pháp là không có trách nhiệm với nhân dân.
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh, tắc đường đang khiến người dân không còn thời gian vật chất cần thiết để giải quyết cả công việc Nhà nước và gia đình. Một thành phố trên 10 triệu dân như Hà Nội, trên 13 triệu dân như Thành phố Hồ Chí Minh mà đổ ra đường tham gia giao thông thì không hệ thống giao thông nào chịu được. Trong khi đó, các đô thị vệ tinh của Hà Nội lại chưa được hình thành một cách đúng nghĩa.
"Thủ tướng nêu rõ, biết tình hình xấu như vậy mà nếu Nhà nước không có biện pháp nào thì không có trách nhiệm với nhân dân. Thủ tướng chỉ đạo lãnh đạo các bộ và Thành phố Hà Nội đưa ra các giải pháp phải huy động được nguồn lực xã hội thay vì sử dụng lượng lớn tiền từ ngân sách.
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho biết, ngoài yếu tố kết cấu hạ tầng giao thông không đảm bảo, một trong những nguyên nhân ùn tắc giao thông là do phương tiện giao thông tăng quá nhanh. Hiện Thành phố Hà Nội có trên 5 triệu xe máy, hơn 546.000 ô tô và còn đang tiếp tục tăng. Trong đó ô tô tăng gần 13%/năm, xe máy tăng 7,6%/năm. Bên cạnh đó, ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân chưa cao.
Giải pháp của Hà Nội là tiếp tục đầu tư hoàn thiện các tuyến đường vành đai, xây dựng thêm các cầu qua sông Hồng và sông Đuống như Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, cầu Hồng Hà, cầu Mễ Sở; tập trung xây dựng 6 tuyến đường sắt đô thị với 67km ngầm và 240km nổi; đầu tư các bến xe khách, xe tải; các bãi đỗ xe ngầm và nổi. Hiện Thành phố đang có 5 nhà đầu tư tư nhân đầu tư 5 bến xe lớn; đầu tư các không gian ngầm để có thể để được 12.000 ô tô.
Thành phố Hà Nội cũng đề nghị được dùng nguồn lực từ bán quỹ nhà thành phố, có thể thu được và tiền vượt thu ngân sách một số năm để đầu tư các tuyến Metro; đề xuất cần có một lộ trình giảm xe máy cá nhân với nhiều giai đoạn, thu hồi xe máy đã quá cũ có thể gây ô nhiễm môi trường.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo một số bộ cho rằng, Hà Nội cần kiểm soát phương tiện giao thông cá nhân, tăng cường giao thông công cộng. Hiện nay, số dân Hà Nội đứng thứ 31, nhưng mật độ thuộc nhóm cao nhất thế giới. Trong khi đó, tổ chức không gian đô thị chưa hợp lý do quá nhiều trụ sở cơ quan, bệnh viện, trường học quá lớn, gây xung đột giao thông. Hà Nội cũng chưa giải quyết được bài toán “nén” dân số đi liền phát triển hạ tầng. Tỷ lệ đất sử dụng cho giao thông còn thấp; thiếu trầm trọng hệ thống giao thông tàu điện ngầm và trên cao. Do đó, Hà Nội cần bố trí đủ đất cho giao thông; rà soát và xác định vị trí các khu đô thị vệ tinh; rà soát lại các chung cư cao tầng nội đô.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, số lượng ô tô gia tăng rất nhanh thời gian qua tại Hà Nội do dân số tăng cao, trong khi hạ tầng còn bất cập, hạn chế. Do đó, trước mắt Hà Nội cần tập trung tổ chức giao thông, phân luồng hợp lý. Cùng với đó là giảm lưu lượng ô tô cá nhân, tăng xe bus công cộng. Hà Nội cần sớm hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị trên cao; hạn chế tăng dân số ở nội đô. Trong trung và dài hạn cần có quy hoạch và xây dựng các đô thị vệ tinh; huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng kết nối giao thông.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng nêu rõ, ùn tắc Hà Nội rất nghiêm trọng với 41 điểm ùn tắc, ảnh hưởng đến môi trường, sinh hoạt, gây bức xúc trong nhân dân. Thành phố Hà Nội phải coi giảm ùn tắc giao thông là nhiệm vụ quan trọng, đưa ra lộ trình, giải pháp trước mắt và lâu dài hiệu quả hơn.
Từ kinh nghiệm của Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ và thành viên Chính phủ sẽ làm việc với Thành phố Hồ Chí Minh. Thủ tướng nêu rõ, nhiệm vụ của Hà Nội là cần quản lý tốt quy hoạch, như chưa xây dựng nhà cao tầng khi chưa có phương án về giao thông.
“Chưa xây dựng nhà cao tầng khi phương án giao thông chưa có lối ra. Một Thủ đô phải có nhà cao tầng, nhưng tập trung mật độ cao quá ở trung tâm thì ùn tắc là tất nhiên. Cho nên, phương án giao thông phải được đặt ra trước khi quyết định xây dựng nhà cao tầng ở vị trí coi là điểm nhấn. Còn nói chung phải thực hiện nghiêm túc quy hoạch chi tiết đã được thông qua, nhất là ở vùng nội đô”, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng cũng yêu cầu Hà Nội hoàn thiện quản lý đô thị, trong đó có việc xây dựng một số thành phố vệ tinh theo quy hoạch được phê duyệt. Yêu cầu Hà Nội phải có một chương trình tổng thể nhiều năm, nhưng trước mắt 5 năm tới phải cơ bản giải quyết được ùn tắc, Thủ tướng nhấn mạnh, Hà Nội phải xã hội hóa mạnh mẽ nguồn lực, trong đó ưu tiên huy động nguồn lực trong nước có chi phí thấp. Trong đó có đẩy mạnh hợp tác công-tư (PPP) và một số hình thức khác.
Thủ tướng cũng nêu rõ, những cơ chế nào có thể phân cấp cho Hà Nội được để Hà Nội tự quyết định, tự chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Trung ương thì các cơ quan Trung ương cần tạo điều kiện cho Thành phố. Hà Nội cũng cần đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông công cộng để giảm xe cá nhân, kể cả ô tô và xe máy và vận động người dân thực hiện.
“Cùng với biện pháp ngầm, biện pháp trên cao thì biện pháp giảm phương tiện cá nhân phải được đặt ra với Hà Nội. Cần tính toán đồng bộ các yếu tố: Văn hóa giao thông, vận động thực hiện, cơ chế thuế. Các nước cũng làm như vậy. Giờ cao điểm muốn đi qua trung tâm Singapore phải trả tiền nhiều hơn. Xe nếu cũ quá, nát quá, ô nhiễm môi trường phải có biện pháp xử lý”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng tán thành các nhóm giải pháp lớn Hà Nội đề xuất, trong đó phải tính toán giảm số người tham gia giao thông trên mặt đường và tăng số người tham gia giao thông ngầm.
Về biện pháp cần làm ngay, nhất là tình trạng ùn tắc giao thông dịp Tết, Thủ tướng chỉ đạo Hà Nội phối hợp với các cơ quan chức năng xem xét loại bỏ ngay tình trạng xe dù, bến lậu và xử lý nghiêm tình trạng vi phạm. Thủ tướng nhấn mạnh, Hà Nội cần thành lập tổ công tác, do một Phó Chủ tịch UBND làm tổ trưởng trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm về vấn đề giao thông, trật tự đô thị trên tinh thần không để một người dân nào vì phương tiện giao thông mà không được về quê ăn Tết. Các tỉnh lân cận Hà Nội, nhất là các tỉnh có giao thông huyết mạch ra vào Thành phố, tăng cường chỉ đạo phân luồng xe ra vào chống ùn tắc tại các cửa ngõ Thành phố. Hà Nội cần rà soát, đánh giá lại ngay tính hiệu quả của xe bus nhanh để có lịch trình hoạt động hợp lý nhất.
Theo VOV NEWS
>> Xử lý tắc đường, Hà Nội tính thu phí phương tiện cá nhân giờ cao điểm