Theo nghiên cứu tiền khả thi, dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô nối các tỉnh Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên sẽ có 6 làn xe cao tốc với tốc độ 100 km/giờ với mức đầu tư hơn 94 tỉ đồng/1km, trong đó dự kiến sẽ có 60% là đường trên cao.
Đảm bảo tính khả thi
Theo UBND TP. Hà Nội, Dự án xây dựng đường vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội là dự án lớn, để đảm bảo cân đối nguồn nhân lực thực hiện với mục tiêu khép kín, thông tuyến toàn bộ dự án cần lựa chọn phương án đầu tư theo phương thức đối tác công tư kết hợp với đầu tư công để giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước và tận dụng được các lợi thế đầu tư.
Ngoài ra, cần phân kỳ đầu tư đảm bảo hài hoà giữa các tiêu chí hiệu quả đầu tư, tổ chức giao thông, khai thác quỹ đất dọc tuyến và khả năng cần đối nguồn vốn để thực hiện dự án. Đường vành đai 4 ngoài vành đai 3,5 nó không nằm trong nội đô mà là liên kết liên vùng, ngoài mỹ quan, không chỉ giải quyết vấn đề phân luồng giao thông mà phải phát triển KTXH vùng.
TS. Nguyễn Hồng Thái, Phó trưởng khoa Vận tải Kinh tế, Trưởng bộ môn Quản trị Kinh doanh, Trường ĐH GTVT cho rằng, về nguyên tắc đường cao tốc luôn giao cắt không đồng mức, như vậy sẽ giảm thiểu và tránh được ùn tắc tại các nút giao cắt. Tuy nhiên, đây là cao tốc đô thị ngoài việc phát triển giao thông còn phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là giá trị gia tăng của việc sử dụng quỹ đất hai bên đường.
Cũng theo ông Thái, tuyến đường vành đai 4 khác hẳn với các tuyến cao tốc khác là tách hẳn ra khỏi khu dân cư, đây là dạng cao tốc đô thị và kết nối 3 tỉnh Hà Nội – Bắc Ninh – Hưng Yên và kết nối cùng Bắc Giang và Vĩnh Phúc. Do đó, nó không chỉ giải quyết bài toán về giao thông mà còn đảm bảo khai thác và tạo ra giá trị của các địa phương khi tuyến đường đi qua.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GTVT ông Lê Đình Thọ cho rằng, cần xác định đường Vành đai 4 là đường cao tốc đô thị. Chức năng của đường cao tốc đi trong đô thị tạo động lực phát triển đô thị. Việc quản lý, vận hành theo cơ chế của đường cao tốc - Hệ thống giao thông thông minh (ITS). Về các nút giao cắt, nếu không xác định rõ thì tuyến đường sẽ trở thành đường đô thị. Do đó phải tính đến việc đầu tư đồng bộ, các nút giao để phân luồng từ xa, mang tính kết nối.
Để bảo đảm tính khả thi, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù về tổ chức thực hiện, nguồn vốn đầu tư, thẩm quyền điều chỉnh chủ trương dự án thành phần, thẩm định, phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh các dự án thành phần, cơ chế chỉ định thầu…
Ông Phạm Hữu Sơn, Tổng Giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) cho biết, Dự án có tổng cộng 23 điểm giao cắt, trong đó có 5 vị trí nút giao với đường cao tốc. Về phạm vi giải phóng mặt bằng, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan, địa phương có liên quan rà soát, tính toán cụ thể theo đúng quy định của các địa phương, bảo đảm tính đúng, tính đủ.
Hạn chế chỉ định thầu
Theo UBND TP. Hà Nội, chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô để kết nối đồng bộ, tăng cường năng lực, giải phóng ùn tắc giao thông; đồng thời mở rộng không gian phát triển, khai thác các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của các địa phương trong Vùng Thủ đô là cần thiết.
Các chuyên gia cho rằng, hành lang vận tải theo hướng đường Vành đai 4 có vai trò quan trọng đối với sự phát triển KTXH, kết nối trung tâm Hà Nội với các tỉnh trong vùng, có sức lan toả đến các địa phương lận cận với cảng hàng không Nội Bài, hệ thống đường sắt quốc gia…
Về phương án đầu tư, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô theo hình thức hỗn hợp đầu tư công và phương thức đối tác công tư; được chia thành 7 dự án thành phần. Trong đó, Dự án thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng tái định cư và Dự án đầu tư xây dựng đường đô thị, đường song hành thực hiện theo hình thức đầu tư công với cơ cấu hợp lý, khả thi giữa vốn trung ương và vốn địa phương; Dự án đầu tư đường cao tốc theo hình thức đối tác công tư PPP (hợp đồng PPP) trong đó tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không quá 50% tổng mức đầu tư.
TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhận định, dù được thực hiện trong thời gian ngắn, nhưng hồ sơ dự án đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, đưa ra cơ bản đầy đủ luận cứ về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó, nhấn mạnh yêu cầu phát triển hạ tầng dùng chung giữa các đô thị để thúc đẩy quá trình kết nối, trong đó đô thị động lực Vùng Thủ đô đóng vai trò rất quan trọng.
Theo GS. Nguyễn Xuân Thuỷ, chuyên gia về giao thông, dự án đường vanh đai 4 là dự án lớn, do đó phải thực hiện đấu thầu theo phương án PPP. Đồng thời hạn chế việc chỉ định thầu, chỉ những dự án cấp bách của Nhà nước mới chỉ định thầu.
Hiện thực tế chứng minh nhiều công trình do tư nhân đảm nhiệm giảm chi phí đến 30% với tiến độ đảm bảo, chất lượng tốt như tuyến đường trên cao từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở.
“Cơ chế người chịu trách nhiệm là cơ chế sử dụng nhà đầu tư tư nhân vì họ bỏ tiền ra họ phải chịu trách nhiệm trước đồng tiền của họ”, ông Thuỷ cho hay.