Habico Tower là dự án BĐS xếp vào diện “siêu sang” của Hà Nội, được xây dựng trên khu đất hơn 4.490m2 tại số 288 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, với vốn đầu tư khoảng 220 triệu USD. Chủ đầu tư dự án là công ty cổ phần Hải Bình (Habico) - một đơn vị kinh doanh thiết bị xăng dầu qua làm bất động sản.
Theo thiết kế ban đầu, Habico Tower có 2 tòa tháp với chiều cao 180m, với 4 tầng hầm và 36 tầng nổi. Dự án có chức năng là tòa nhà thương mại, dịch vụ, khách sạn, văn phòng và nhà ở cao cấp cho thuê.
Tại thời điểm chào bán năm 2011, mức giá từ 4.000 USD/m2 sàn chung cư của dự án này thực sự gây sốc cho giới bất động sản cả nước. Với mức giá này, căn hộ rẻ nhất của tòa tháp có giá 21 tỷ đồng và căn hộ đắt nhất lên tới 85 tỷ đồng. Không những vậy, dự án còn hướng đến một kỷ lục trong xây dựng bằng việc hoàn thành một tầng nhà chỉ trong vòng 7 ngày. Tốc độ xây dựng được đẩy nhanh nhưng chất lượng luôn phải là tốt nhất và sẽ hoàn thành trong năm 2011.
Nhiều hạng mục đã xuống cấp
Lý giải cho sự đắt đỏ này, chủ đầu tư khẳng định, tòa nhà sẽ sử dụng toàn bộ nội thất và hệ thống thiết bị thông minh của Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc. Thậm chí, căn hộ còn được lắp đặt nhiều thiết bị chưa từng có ở Việt Nam như: Hệ thống sưởi sàn, vườn trong phòng, bồn tắm bằng gỗ Hinoki của Nhật Bản, sơn tường sản sinh ion âm tốt cho sức khỏe… và cả hệ thống kiểm tra y tế ngay trong từng căn hộ. Đặc biệt, căn hộ còn có phòng Panic Room có chức năng bảo vệ, được thiết kế chống cháy, ngăn khói bảo đảm an toàn trước súng đạn, hỏa hoạn…
Không chỉ có thế, chuyên gia Hàn Quốc còn hướng đến một kỷ lục trong xây dựng bằng việc hoàn thành một tầng nhà chỉ trong vòng 7 ngày. Tốc độ xây dựng được đẩy nhanh nhưng chất lượng luôn phải là tốt nhất và sẽ hoàn thành trong năm 2011.
Bên trong dự án Habico Tower
Thế nhưng, vào tháng 5/2011, khi nhà thầu dự án tiến hành căng cáp dự ứng lực tại sàn tầng 9 khối căn hộ thì xảy ra sự cố bê tông sàn bị phá hủy dẫn đến việc ngừng thi công vô thời hạn của Habico Tower. Sau khi xảy ra sự cố cộng với một số rắc rối về mặt tài chính, nhà đầu tư Dong Ri Won gần như rút hết về nước, chỉ để lại một đơn vị nhỏ.
Ba tháng sau đó, kết quả kiểm tra của Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, chủ đầu tư và các nhà thầu chưa xuất trình Quyết định phê duyệt tổng dự toán, chứng nhận phù hợp về chất lượng công trình, chưa thực hiện quan trắc lún công trình phần thân, hợp đồng thuê tư vấn giám sát. Đơn vị tư vấn giám sát (Công ty CP Tư vấn Toàn Cầu) phân công một số cá nhân làm công tác giám sát không có chứng chỉ hành nghề theo quy định.
Những người am hiểu thị trường BĐS dự báo dự án Habico Tower sẽ còn bất động vô thời hạn. Thậm chí nếu kịch bản tốt nhất diễn ra, nghĩa là dự án có thể tái khởi động nhờ được chuyển nhượng hoặc đầu tư tiếp, nhưng chính cái mác siêu sang một thời sẽ là trở ngại trên con đường quay lại thị trường BĐS của dự án này.
Dự án Habico Tower vẫn bất động trong khi hàng loạt dự án tại khu vực này đang được tiến hành rầm rộ hoặc đã đưa vào sử dụng
Mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có văn bản gửi Thường trực HĐND TP liên quan đến việc rà soát lại toàn bộ các dự án đã cấp đất cho doanh nghiệp nhưng bỏ hoang nhiều năm không triển khai cũng như việc thực hiện thu hồi lại đất các dự án này để sử dụng vào mục đích khác.
Theo kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Hà Nội phải thực hiện tích cực và phải thu hồi bằng được những dự án bỏ hoang. Nếu chủ đầu tư không tái khởi động lại dự án, cần khẩn trương thu hồi và xử phạt thật nặng. Đồng thời có biện pháp không cho những chủ đầu tư này được phép thực hiện dự án tiếp theo tại Hà Nội.
Hiện tại, dự án Habico Tower đã bỏ hoang qua nhiều năm và khó có khả năng thực hiện tiếp trong khi những năm qua khu vực đường Phạm Văn Đồng đã có nhiều thay đổi đáng kể về cơ sở hạ tầng. Nếu Hà Nội không có những biện pháp xử lý dứt điểm khắc phục tồn tại của dự án này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cảnh quan khu vực và Thành Phố.