Dự án Thảo Điền Green đang bị cầm cố ngân hàng: Rủi ro lớn cho người mua nhà

Sở Xây dựng TP.HCM yêu cầu Công ty SIC thực hiện việc giải chấp dự án Thảo Điền Green trước khi thực hiện việc bán nhà ở hình thành trong tương lai. Đồng thời, khuyến cáo người dân nên tìm hiểu kỹ pháp lý dự án trước khi giao dịch để tránh những rủi ro.

Ngày 28/10/2021, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM có văn bản số 10210/SXD-PTN&TTBĐS gửi Công ty CP Đầu tư Bất động sản SIC (Công ty SIC), chủ đầu tư dự án Chung cư cao tầng Thảo Điền (Thảo Điền Green) về việc bán nhà ở hình thành trong tương lai đối với 204 căn hộ của dự án này tại đường Nguyễn Văn Hưởng, P.Thảo Điền, TP.Thủ Đức.

Theo ông Huỳnh Thanh Khiết, dự án Thảo Điền Green đã được Công ty SIC thế chấp nhà ở sẽ bán, cho thuê mua hình thành trong tương lai, cho nên trước khi bán hay cho thuê, công ty này phải thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi nội dung thế chấp để rút bớt tài sản thế chấp; trừ trường hợp chủ đầu tư, bên mua và bên nhận thế chấp có thỏa thuận khác theo quy định của Thông tư 07/2019/TT-BTP, ngày 25/11/2019 của Bộ Tư pháp.

Đồng thời, phải đảm bảo điều kiện theo yêu cầu của ngân hàng để được phát hành từng chứng thư bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của nhà đầu tư đối với khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ cam kết trong hợp đồng bán hay cho thuê.

Bên cạnh đó, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Huỳnh Thanh Khiết yêu cầu Công ty SIC thực hiện huy động vốn lần đầu không quá 30% giá trị hợp đồng, những lần tiếp theo phải phù hợp với tiến độ xây dựng nhưng tổng số không quá 70% giá trị hợp đồng khi chưa bàn giao nhà cho khách hàng và không được thu quá 95% giá trị hợp đồng khi bên mua nhà chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.

Đối với những dự án đang thế chấp ngân hàng thường mang lại rủi ro cho khách hàng rất cao, nguy cơ bị treo sổ hồng và xảy ra tranh chấp

Công ty SIC buộc phải công bố công khai thông tin của dự án như: Hợp đồng bảo lãnh, văn bản cho phép bán, cho thuê mua của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với việc bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai; các hạn chế về quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản (nếu có).

Liên quan đến việc các chủ đầu tư cầm cố dự án tại ngân hàng như trường hợp dự án Thảo Điền Green của Công ty SIC, Luật sư Diệp Năng Bình, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, tại các dự án đã thế chấp ngân hàng thì trước khi bán sản phẩm cho khách hàng, chủ đầu tư buộc phải giải chấp, trừ trường hợp có sự đồng ý của khách hàng và ngân hàng. Còn nếu không, chủ đầu tư chỉ được phép thế chấp phần còn lại bao gồm các căn hộ chưa bán hoặc phần sở hữu riêng của chủ đầu tư; việc thế chấp cả những căn hộ đã bán là vi phạm pháp luật.

Cũng theo Luật sư Diệp Năng Bình, trong vấn đề này, người đang chịu thiệt nhiều nhất là khách hàng. Bởi không được cấp sổ đỏ dẫn đến tài sản vốn thuộc quyền sở hữu của mình nhưng không thể thực hiện các giao dịch thế chấp vay tiền hay mua bán, tặng cho… dẫn đến tâm lý hoang mang, lo sợ nguy cơ bị mất nhà của người dân.

“Ngoài ra, ngân hàng cũng phải chịu trách nhiệm và giải quyết mọi rủi ro vì quản lý tài sản thế chấp không tốt, để chủ đầu tư bán cho khách hàng. Do đó, pháp luật đã quy định rõ, muốn thế chấp dự án khi đã bán cho khách hàng thì phải liệt kê trong đó gồm những gì, những căn hộ nào, hạng mục nào không nằm trong tài sản thế chấp để không ảnh hưởng đến người mua nhà”, Luật sư Diệp Năng Bình cho biết thêm.

Ngoài ra, để tránh rủi ro khi giao dịch, mua bán bất động sản, Sở Xây dựng TP.HCM khuyến cáo người dân tìm hiểu kỹ tính pháp lý của dự án và điều kiện mua, bán căn hộ hình thành trong tương lai trước khi ký hợp đồng nhằm hạn chế thiệt hại, phát sinh tranh chấp trong quá trình mua bán căn hộ.

Người dân cũng cần thông tin đến Sở Xây dựng TP.HCM các trường hợp chủ đầu tư, các tổ chức khác thực hiện việc huy động vốn (dưới bất kỳ hình thức nào) khi dự án chưa đảm bảo đầy đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định để sở có biện pháp xử lý.

Có thể bạn quan tâm