Ngày 25/8, tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Phát triển mạng 5G Make in Vietnam và cơ hội thúc đẩy thương mại hóa 5G”, ông Lê Bá Tân, Giám đốc Kỹ thuật, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết, dự kiến sẽ phát sóng diện rộng dịch vụ 5G vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024 khi cấp phát hoàn tất thủ tục về tần số vô tuyến điện, giấy phép triển khai về hạ tầng dịch vụ, quy chuẩn tiêu chuẩn chất lượng đầu cuối.
Đồng thời, Viettel sẽ tập trung đầu tư mạnh mẽ để đảm bảo Việt Nam sẽ có mạng 5G đầu tiên phủ rộng phục vụ đúng khách hàng cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.
Hiện nay, Viettel có hơn 300 trạm di động 5G đầu tiên Make in Vietnam khi sử dụng hoàn toàn các sản phẩm vô tuyến tự sản xuất trong nước. Theo ông Tân, Viettel xác định vai trò tiên phong trong xây dựng kiến tạo hạ tầng số phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Vào ngày 10/5/2019, Viettel bắt đầu thực hiện cuộc gọi đầu tiên trên mạng 5G bằng thiết bị của Ericsson. Với các doanh nghiệp, dịch vụ 5G sẽ phục vụ tại nhà máy xí nghiệp, tự động hóa, và thay thế cho những công nghệ có dây.
Cũng tại toạ đàm trên, ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm tại Việt Nam, Lào và Campuchia chia sẻ: “Hiện nay, công nghệ 5G đang phát triển rất mạnh mẽ trên thế giới với 247 nhà mạng tại hơn 100 quốc gia đã triển khai và khoảng 270 nhà mạng khác đang đầu tư chuẩn bị đưa công nghệ 5G đến với người dùng. Dự kiến đến hết năm 2023 sẽ có thêm 30 thị trường tham gia vào sân chơi 5G".
Theo dự báo công nghệ 5G toàn cầu sẽ đóng góp gần 13.000 tỷ USD vào năm 2035, tạo ra 22 triệu việc làm mới và sẽ ảnh hướng nhiều ngành như sản xuất, giao thông, y tế, nông nghiệp, giáo dục, giải pháp thành phố thông minh.
Tốc độ phát triển công nghệ 5G khá nhanh so với 3G và 4G, dự báo trong năm 2025, 3 tỷ thiết bị tung ra thị trường sẽ có kết nối 5G. “Công nghệ 5G phát triển mạnh mẽ sẽ ảnh hướng đặc biệt với các quốc gia chuyển đổi số là rất quan trọng, 5G là kết nối cần thiết để chuyển đổi số, 5G không chỉ ở điện thoại thông minh mà hầu hết những ngành công nghiệp”, ông Thiều Phương Nam nói.
Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa quyết định thành lập Nhóm phát triển thiết bị 6G, đánh giá, kiểm tra, thử nghiệm - Ban chỉ đạo thúc đẩy nghiên cứu phát triển công nghệ thông tin di động 6G.
Gồm có 14 thành viên, nhóm phát triển thiết bị 6G, đánh giá, kiểm tra, thử nghiệm có Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông Nguyễn Thiện Nghĩa làm Trưởng nhóm.
Bên cạnh các thành viên là đại diện một số cơ quan, đơn vị trong Bộ Thông tin và Truyền thông, nhóm phát triển thiết bị 6G, đánh giá, kiểm tra, thử nghiệm còn có 3 thành viên là đại diện 3 doanh nghiệp viễn thông gồm Viettel, VNPT và MobiFone.