Du lịch phục hồi và tăng tốc: Cuộc đua sau đại dịch

Chuyên gia cho rằng, ngành du lịch hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu đón 5 - 6 triệu lượt khách quốc tế và hơn 60 triệu lượt khách nội địa trong năm 2022 - 2023.

Tuy nhiên, để đón được lượng khách du lịch quốc tế trở về như năm 2019 sẽ cần thời gian dài hơn. 

Bản sắc văn hóa địa phương là yếu tố rất hấp dẫn để thu hút du khách (Vũ điệu trên mây tại Fanxipan - ảnh: Sun Group)

Bản sắc văn hóa địa phương là yếu tố rất hấp dẫn để thu hút du khách (Vũ điệu trên mây tại Fanxipan - ảnh: Sun Group)  

Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 43/TB-VPCP Kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp bàn về phương án mở cửa lại hoạt động du lịch. Đây có thể là “chìa khoá” khởi động lại hoạt động du lịch sau 2 năm đại dịch COVID-19 hoành hành. 

Thuận lợi, khó khăn đan xen

Trải qua 2 năm “đóng băng”, ngành du lịch trong thời gian gần đây đang cho thấy nhiều dấu hiệu phục hồi tích cực. Khi nhiều dịch vụ quay trở lại hoạt động và các đường bay trong nước được nối lại.

Số liệu của Tổng cục Du lịch cho thấy, 9 ngày nghỉ lễ Tết Nguyên Đán 2022, các điểm du lịch đã đón và phục vụ 6,1 triệu lượt du khách nội địa và lượng doanh thu ước tính đạt hơn 25.000 tỷ đồng. Tổng cục Thống kê cũng cho biết, tính chung 2 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 49.200 lượt người, tăng 71,7% so với cùng kỳ năm 2021, riêng tháng 2, khách quốc tế đạt 29.500 lượt người, tăng 49,6% so với tháng trước và tăng 169,6% so với tháng 2/2021. Những con số “biết nói” trên cũng phần nào thể hiện nhu cầu di chuyển cao của người dân cũng như triển vọng bật dậy của ngành nhờ yếu tố nội địa.

Theo PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch (Tổng cục Du lịch), việc Chính phủ cho phép mở cửa lại toàn bộ hoạt động du lịch, nhất là thị trường khách quốc tế từ 15/3 là cơ hội để phục hồi lại ngành du lịch, trong đó thị trường khách du lịch quốc tế được kỳ vọng sẽ đem lại hiệu quả kinh tế lớn.

Tuy nhiên, sau hai năm đại dịch COVID-19, thị trường du lịch quốc tế có thay đổi, trong thuận lợi sẽ đi kèm những khó khăn nhất định, đặc biệt là vấn đề cạnh tranh điểm đến, nhân lực ngành du lịch đã thay đổi môi trường làm việc và thị trường khách du lịch Trung Quốc trong ngắn hạn gần như rất hạn chế. Bởi vậy, chúng ta sẽ phải chủ động khai thác sớm những thị trường khác cởi mở hơn về chính sách du lịch và đi lại.

Từng bước khôi phục

Cũng theo PGS.TS Phạm Trung Lương, để hấp dẫn du khách quốc tế đến Việt Nam, vấn đề visa rất quan trọng, nhưng hiện đang là một trong những trở ngại.

Tạo điều kiện thuận lợi cho du khách quốc tế, Phó Thủ tưởng Vũ Đức Đam đã đồng ý đề xuất xem xét việc khôi phục lại quy định áp dụng visa cho 13 nước và song phương cho 88 quốc gia/vùng lãnh thổ như trước thời điểm có dịch COVID-19. Tuy nhiên, việc miễn cấp visa cho 24 nước và giới hạn thời gian đến Việt Nam trong 15 ngày vẫn là quá ít so với nhu cầu thực tế của khách du lịch.

“Do đó, cần nghiên cứu và mở rộng cho những nhóm khách tiềm năng có nhu cầu ở lâu hơn từ vài tuần cho đến hàng tháng”, vị chuyên gia này nói.

Ngoài vấn đề visa, bên cạnh đó, cần có chiến dịch quảng bá về du lịch, tìm hiểu nhu cầu của khách hàng, nhằm có chiến lược xây dựng các sản phẩm đáp ứng với thị hiếu ấy.

Theo ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels APAC, ngày càng nhiều quốc gia trong khu vực đang dần nối lại các hoạt động du lịch như Thái Lan, Indonesia, Campuchia. Để có thể cạnh tranh và khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch quốc tế, ngành du lịch Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động truyền thông, quảng bá và xúc tiến du lịch. Điều này cần một sự phối hợp đồng bộ từ các cơ quan ban ngành, chính quyền địa phương đến các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực.

Một số chuyên gia du lịch đánh giá, để mở cửa lại toàn bộ hoạt động du lịch từ 15/3 đạt hiệu quả cao, bên cạnh phương án mở cửa an toàn, khoa học, cần có các kịch bản quản trị rủi ro song hành, nhằm không để xảy ra tình trạng mở rồi lại đóng. Từ đó, nâng cao sức cạnh tranh của điểm đến Việt Nam trên đấu trường quốc tế.

Bình luận về xu hướng du lịch thời gian tới, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội đánh giá, căn cứ vào các dự án bất động sản nghỉ dưỡng có thể thấy, nhờ vào hạ tầng và mạng lưới giao thông ngày càng phát triển, người dân cũng sẽ lựa chọn những địa điểm nghỉ dưỡng gần và xung quanh nơi họ sống vào cuối tuần. Tìm những khu vực nghỉ dưỡng xanh, nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khoẻ, có không gian rộng rãi…

Tại một hội thảo về mở cửa lại hoạt động du lịch mới đây, lãnh đạo Tổng cục Du lịch cho biết, mục tiêu của ngành du lịch năm 2022 sẽ đón 5-6 triệu lượt khách quốc tế và hơn 60 triệu lượt khách nội địa.

Theo các chuyên gia trong ngành du lịch dự báo, lượng khách nội địa có thể phục hồi trong năm 2022 hoặc sang năm 2023. Mục tiêu mà ngành du lịch đề ra hoàn toàn có thể thực hiện được. Tuy nhiên, để đón khách du lịch quốc tế trở về như năm 2019 sẽ cần thời gian dài hơn.

Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu chia sẻ, chúng ta có thể tự tin về sự phục hồi hoạt động khi độ phủ vắc-xin rộng, có kinh nghiệm xử lý các tình huống sự cố, đồng thời có sự kết hợp hài hòa giữa hàng không và du lịch.

“Giờ là lúc du lịch và hàng không cần nhanh chóng chớp lấy cơ hội để phục hồi trong bối cảnh mới, đưa Việt Nam trở thành điểm đến uy tín và có sức cạnh tranh trên trường quốc tế”, Ông Hà Văn Siêu nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm