Theo đó, thời gian lấy ý kiến của nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trong 2,5 tháng, bắt đầu từ ngày 3/1/2023 và kết thúc vào ngày 15/3/2023. Đối tượng lấy ý kiến gồm các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Nghị quyết chỉ rõ, việc lấy ý kiến được thực hiện tại các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương; Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên của mặt trận, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các tổ chức kinh tế khác; các viện nghiên cứu, trường đại học và chuyên gia, nhà khoa học.
Nội dung lấy ý kiến là toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Chính phủ cũng đã xác định các nội dung trọng tâm phù hợp với từng nhóm đối tượng lấy ý kiến. Việc lấy ý kiến đóng góp của người dân có thể qua hình thức trực tiếp bằng văn bản hoặc tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm.
Hoặc thông qua Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các phương tiện thông tin đại chúng, các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin, các hình thức phù hợp khác.
Ngoài ra, để tạo điều kiện cho người dân, Nghị quyết yêu cầu tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Nghị quyết cũng yêu cầu việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân phải được tiến hành dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch, thực chất, bảo đảm tiến độ, chất lượng và tiết kiệm.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý, ý kiến đóng góp của nhân dân phải được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác, khách quan. Sau đó phải được nghiên cứu, tiếp thu, giải trình nghiêm túc để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Sau thời gian lấy ý kiến, Chính phủ xây dựng báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân; tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Từ đó, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện nghị quyết này.