Gần 2.400 cuộc tấn công mạng xảy ra trong quý 1/2024

Từ đầu năm 2024, công tác chuyển đổi số quốc gia vẫn còn nhiều điểm hạn chế. Trong đó, tình trạng tấn công mạng vẫn diễn ra phức tạp...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Toàn cảnh phiên họp
Toàn cảnh phiên họp

Ngày 24/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban với trọng tâm thảo luận về kinh tế số.

Tại phiên họp, Thủ tướng chỉ rõ việc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể, công tác an ninh mạng, an toàn thông tin ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức. Tình hình hoạt động tấn công mạng, đặc biệt là mã độc tống tiền tăng mạnh thời gian gần đây, dẫn chứng là quý 1/2024 đã ghi nhận gần 2.400 cuộc tấn công mạng.

Việc ban hành kế hoạch hoạt động của Ủy ban còn chậm, chưa có cơ chế hiệu quả để kiểm tra, giám sát, theo dõi, tổng hợp, đánh giá việc triển khai công tác chuyển đổi số tại bộ, ngành, địa phương.

Việc xây dựng, hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế, chính sách còn chưa kịp thời. Cả nước còn 390/1.086 thủ tục hành chính chưa được cắt giảm, đơn giản hóa theo các nghị quyết của Chính phủ; 7/63 địa phương chưa ban hành nghị quyết của hội đồng nhân dân về miễn, giảm phí, lệ phí trong sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa cao, chưa thực sự thu hút người dân, doanh nghiệp. Tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến chưa cao, tỷ lệ cung cấp dịch vụ công toàn trình còn thấp. Đặc biệt, tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu rất thấp, tính kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu còn kém, gây lãng phí.

Hạ tầng số chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, chưa có đột phá, còn nhiều điểm lõm điện và lõm sóng. Tính đến tháng 3/2024, toàn quốc còn 1.050 thôn lõm sóng, trong đó có 177 thôn chưa có điện.

Công tác phát triển nền tảng xã hội số, thương mại điện tử còn hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng tự chủ trong chuyển đổi số quốc gia. Tình trạng sim rác, không chính chủ tăng nguy cơ lừa đảo qua mạng chưa được xử lý dứt điểm. Nhân lực cho chuyển đổi số còn chưa đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng, chất lượng, phân bổ chưa đồng đều.

Trước tình hình trên, Thủ tướng đã chỉ rõ 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới. Thứ nhất, ưu tiên các nguồn lực, bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại chương trình chuyển đổi số quốc gia và 3 chiến lược (phát triển Chính phủ số, phát triển kinh tế số và xã hội số, phát triển dữ liệu số). Trong đó, khẩn trương xử lý các nhiệm vụ quá hạn, tồn đọng trong giai đoạn 2022 - 2023.

Thứ hai, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và các nhiệm vụ trong đề án 06. Các bộ, ngành, địa phương phải khẩn trương kiện toàn các ban chỉ đạo, hoạt động mạnh mẽ, thực chất.

Thứ ba, các bộ, ngành khẩn trương tổ chức các phiên họp chuyên đề số hóa các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý. Trong quý 2/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương báo cáo Phó Thủ tướng phụ trách tổ chức phiên họp chuyên đề về số hóa ngành nông nghiệp, ngành công thương.

Thứ tư, yêu cầu các địa phương phối hợp với chặt chẽ các doanh nghiệp viễn thông xóa bỏ các vùng lõm sóng di động tại các thôn, bản đã có điện lưới quốc gia, hoàn thành trước tháng 12/2024. Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng mạng băng rộng di động.

Thứ năm, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn vướng mắc, hoàn thành triển khai 12/53 dịch vụ công thiết yếu còn lại theo quyết định 06/QĐ-TTg, quyết định 422/QĐ-TTg và 20 dịch vụ công ưu tiên theo quyết định số 206/QĐ-TTg.

Cùng với đó là kết nối các hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính với Cổng Dịch vụ công quốc gia, hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ (Hệ thống EMC). 7 địa phương khẩn trương trình Hội đồng nhân dân ban hành nghị quyết về miễn, giảm phí, lệ phí trong sử dụng dịch vụ công trực tuyến (hoàn thành trong tháng 5/2024).

Thứ sáu, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương tiến hành tổng rà soát, đánh giá tình hình bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng đối với các hệ thống thông tin trong phạm vi quản lý theo hướng dẫn của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Có thể bạn quan tâm