Năm 2022 là một năm thành công của nhiều doanh nghiệp phân bón với kết quả kinh doanh vượt trội nhờ sự cải thiện mạnh của giá bán, cũng như điều kiện thị trường thuận lợi.
Tuy nhiên sang đến năm 2023, ngành phân bón lại chịu áp lực suy giảm cả về doanh thu lẫn lợi nhuận khi nhiều doanh nghiệp trong ngành ghi nhận kết quả kinh doanh lao dốc.
Điều này phản ánh mức độ khó khăn của thị trường chung khi giá phân bón thế giới giảm mạnh, trong khi điều kiện chi phí đầu vào lại duy trì ở mức cao khiến suy giảm lợi nhuận rõ nét ở cả ngành phân bón.
Ghi nhận bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp ngành phân bón trong năm 2023 cho thấy nhiều công ty báo lãi tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, nhưng cũng không ít doanh nghiệp đầu ngành ghi nhận lợi nhuận “lao dốc”.
NHIỀU DOANH NGHIỆP LÃI BẰNG LẦN
Trong kỳ kinh doanh cuối cùng của năm 2023, Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hoá chất Lâm Thao (mã chứng khoán: LAS) cho biết doanh thu thuần của công ty đạt mức 549,2 tỷ đồng, giảm 24,7%. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán giảm còn 357,9 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp tăng 29,5% lên mức 191,3 tỷ đồng.
Đáng chú ý, doanh thu hoạt động tài chính trong quý 4/2023 tăng vọt gấp 13,1 lần so với cùng kỳ lên mức 10,8 tỷ đồng, trong khi quý 4/2022 chỉ ghi nhận 829,4 triệu đồng.
Kết quả, Hoá chất Lâm Thao báo lãi trước thuế đạt 68,2 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 54,2 tỷ đồng, lần lượt tăng 99,8% và 105,9% so với cùng kỳ.
Tính chung cả năm 2023, công ty thu về 3.440 tỷ đồng doanh thu thuần, tương ứng tăng 9%. Lợi nhuận trước thuế tăng 56,3% lên mức 186,2 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 148,5 tỷ đồng, tăng 58,5% so với năm 2022.
Tại thời điểm ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Hoá chất Lâm Thao đạt mức 2.360 tỷ đồng, trong đó phần lớn là tài sản ngắn hạn với 2.048 tỷ đồng, còn lại 311,4 tỷ đồng là tài sản dài hạn. Nợ phải trả là 938,5 tỷ đồng, bao gồm toàn bộ là nợ ngắn hạn. Vốn chủ sở hữu của công ty tính đến hết quý 4/2023 đạt 1.421 tỷ đồng, tăng 5,3% so với đầu năm 2023.
Cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng trong quý 4/2023, Công ty Cổ phần Phân bón Miền Nam (mã chứng khoán: SFG) cho biết doanh thu thuần đạt 419,3 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ. Khấu trừ đi giá vốn hàng bán, lợi nhuận gộp của công ty đạt 42,9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lợi nhuận gộp ghi nhận âm 6,6 tỷ đồng.
Điểm mấu chốt giúp kết quả kinh doanh của Phân bón Miền Nam tăng vọt so với cùng kỳ đến từ khoản lợi nhuận khác đạt 3,4 tỷ đồng. Theo đó, công ty báo lãi quý 4/2023 đạt hơn 12 tỷ đồng, cách xa khoản lỗ 6,7 tỷ đồng trong quý 4/2022.
Tính chung cả năm 2023, Phân bón Miền Nam mang về 1.558 tỷ đồng doanh thu thuần. Lợi nhuận sau thuế đạt 56,8 tỷ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước.
Cập nhật kết quả kinh doanh của Công ty Cổ phần Phân lân Nung chảy Văn Điển (mã chứng khoán: VAF) cho thấy doanh thu thuần quý 4/2023 tăng 22% lên mức 176,9 tỷ đồng.
Trong kỳ, công ty ghi nhận khoản lợi nhuận khác lên đến 4,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ ghi nhận lỗ hơn 1 tỷ đồng. Kéo theo đó, lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 29,1 tỷ đồng, tăng vọt 188,4%.
Kết thúc năm 2023, Phân lân Văn Điển mang về 1.001 tỷ đồng doanh thu thuần, cao hơn 9,7% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 76 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 63,1 tỷ đồng, lần lượt tăng 44,2% và 50,2% so với năm 2022.
LỢI NHUẬN LAO ĐAO
Theo báo cáo tài chính mới công bố của Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã chứng khoán: DCM), trong quý 4/2023, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.565 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán giảm còn 2.699 tỷ đồng. Khấu trừ giá vốn hàng bán, lợi nhuận gộp của Đạm Cà Mau giảm 36,9% so với quý 4/2022, còn 865,7 tỷ đồng.
Trong kỳ, mặc dù hầu hết các chi phí đều được cắt giảm nhưng công ty vẫn báo lãi sau thuế đạt 461,8 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế cả năm 2023, Đạm Cà Mau thu về 12.601 tỷ đồng doanh thu thuần. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.108 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi ròng hơn 4.321 tỷ đồng, giảm 74,3%.
Trong năm 2023, Đạm Cà Mau lên kế hoạch sản xuất kinh doanh với mục tiêu tổng doanh thu đạt 13.458 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.383 tỷ đồng. Như vậy, sau 4 quý của năm 2023, doanh nghiệp mới chỉ hoàn thành được 93,6% kế hoạch doanh thu và 80,1% kế hoạch lợi nhuận.
Mặc dù kết quả kinh doanh trong quý 4/2023 sụt giảm sâu so với mức nền cao kỷ lục của cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, so với quý 3/2023 thì doanh thu kỳ này đã tăng 18,4% và lãi ròng tăng gấp 6,6 lần, cho thấy đà phục hồi đang dần được củng cố.
Cùng chung xu hướng kinh doanh đi lùi, Tổng Công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí – CTCP (Đạm Phú Mỹ, mã chứng khoán: DPM) cũng ghi nhận doanh thu thuần quý 4/2023 giảm 13,3%, xuống còn 3.381 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán tăng lên mức 3.049 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp chỉ vỏn vẹn 332,2 tỷ đồng, giảm 4,8 lần so với cùng kỳ.
Mặc dù chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều giảm nhưng Đạm Phú Mỹ ghi nhận khoản chi phí khác cao gấp 4,4 lần so với quý 4/2022, đạt mức hơn 8,2 tỷ đồng.
Do đó, lợi nhuận sau thuế quý 4/2023 chỉ đạt 106,9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt 1.118 tỷ đồng, tương đương giảm 90,4%.
Tính đến hết tháng 12/2023, Đạm Phú Mỹ mang về hơn 543 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, thấp hơn 10,3 lần so với thời điểm kết thúc năm 2022.
Tương tự, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền (mã chứng khoán: BFC) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh sụt giảm trong năm 2023. Theo đó, doanh thu thuần của công ty đạt 8.588 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ.
Trong khi đó, các chi phí như chi phí lãi vay, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng so với năm 2022. Kết quả, Phân bón Bình Điền báo lãi trước thuế năm 2023 đạt 196,2 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt hơn 135 tỷ đồng, lần lượt giảm 20,1% và 30,2% so với cùng kỳ năm trước.
Một số doanh nghiệp phân bón khác cũng báo lãi năm 2023 sụt giảm như Đạm Hà Bắc giảm 51,6% (đạt 860,8 tỷ đồng), Phân lân Ninh Bình giảm 1,4% (đạt 27,8 tỷ đồng), Hoá chất Dầu khí Miền Bắc giảm 64,5% (đạt 6,3 tỷ đồng)…
LÚA LẠI TRỔ BÔNG
Theo báo cáo triển vọng năm 2024, nhiều công ty chứng khoán nhận định ngành phân bón sẽ đón nhiều tín hiệu tích cực hơn trong thời gian tới từ việc nhu cầu tiêu thụ tăng trong bối cảnh nguồn cung bị siết chặt.
Nhìn lại diễn biến giá phân bón giai đoạn năm 2020 – 2023, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) cho biết, trong giai đoạn từ năm 2020 đến tháng 5/2022, giá phân bón tăng mạnh và tạo đỉnh vào tháng 5/2022 do một số yếu tố như: chiến tranh Nga – Ukraine ảnh hưởng làm hạn chế nguồn cung xuất khẩu phân bón; nhu cầu phân bón toàn cầu gia tăng và giá nguyên liệu đầu vào (khí đốt và than đá) tăng mạnh.
Vào thời điểm tháng 5/2022, giá phân ure ghi nhận trên 18.000 đồng/kg, phân DAP trên 22.000 đồng/kg, và phân kali trên 19.000 đồng/kg.
Tuy nhiên đến giai đoạn tháng 6/2022 đến tháng 12/2023, giá phân bón lại chịu áp lực giảm mạnh do giá nguyên liệu đầu vào suy giảm và một số nước đã xuất khẩu phân bón trở lại.
Xét về triển vọng ngắn hạn, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định giá phân bón urê trong năm 2024 có thể sẽ tăng nhẹ so với năm 2023.
Nguyên nhân bắt nguồn từ những động thái hạn chế xuất khẩu của các “ông lớn” trên thị trường phân bón thế giới. Theo đó, quốc gia sản xuất phân bón lớn nhất thế giới (chiếm khoảng 15% lượng tiêu thụ toàn cầu) là Nga đã gia hạn chính sách áp hạn ngạch xuất khẩu phân bón đến tháng 5/2024 để bảo vệ thị trường nội địa. Cùng với đó, Trung Quốc cũng tiếp tục hạn chế xuất khẩu ure để đảm bảo nguồn cung trong nước và ổn định mức giá.
Tại khu vực Trung Đông, Chính phủ Ai Cập đã quyết định gia hạn vô thời hạn việc cắt giảm 30% nguồn cung khí đốt đối với tất cả các nhà sản xuất phân ure tại nước này, ảnh hưởng lớn đến nguồn cung toàn cầu.
Bên cạnh đó, việc áp thuế VAT 5% đối với mặt hàng phân bón kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi cho việc điều chỉnh giá bán phân bón sản xuất trong nước, giúp tăng thêm tính cạnh tranh với mặt hàng phân bón nhập khẩu.
Nhận định giá phân bón trong thời gian tới, MASVN kỳ vọng giá phân bón đã tạo đáy vào tháng 6/2023 và đang trong chu kỳ phục hồi trong thời gian tới nhờ Nga và Trung Quốc đã kéo dài thời gian hạn chế xuất khẩu phân bón.
Song song đó, các tổ chức lớn như Hiệp hội Phân bón thế giới (IFA) và NUE cùng dự báo tăng trưởng sản lượng phân bón toàn cầu tăng 1,8% trong năm 2024, sau khi kỳ vọng khoảng 4% vào năm 2023.
Về triển vọng của các doanh nghiệp phân bón trong năm 2024, MASVN nhận định giá ure của Đạm Phú Mỹ sẽ phục hồi tích cực do đây là doanh nghiệp xuất khẩu ure hàng đầu Việt Nam. Công ty chứng khoán này ước tính tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2024 của Đạm Phú Mỹ lần lượt đạt 16,735 tỷ, tăng 24% và 2,243 tỷ, tăng 169% so với cùng kỳ.
Biên lợi nhuận gộp dự kiến được cải thiện từ mức 15,3% trong năm 2023 lên mức 22,5% trong năm 2024. Sản lượng phân bón kinh doanh dự kiến tăng 8,2% lên hơn 1,4 triệu tấn, trong đó ure tăng 3,6% so với cùng kỳ, đạt gần 1 triệu tấn và NPK tăng 12%, đạt hơn 150.000 tấn.
Trong khi đó, MASVN ước tính tổng doanh thu năm 2024 của Đạm Cà Mau đạt 16.858 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 2.092 tỷ đồng, lần lượt tăng 24% và 111% so với cùng kỳ năm 2023.
Biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp cải thiện từ mức 12,5% trong năm 2023 lên mức 17,3% trong năm 2024. Tổng sản lượng tiêu thụ ước đạt hơn 1,4 triệu tấn, trong đó ure ước đạt hơn 1 triệu tấn, tăng 13% và phân NPK đạt hơn 150.000 tấn, cao hơn 20% so với cùng kỳ.