Giá vàng ngày 6/7: Vàng lao dốc không phanh

Giá vàng thế giới hôm nay lao dốc trong bối cảnh đồng USD tăng mạnh lên đỉnh 20 năm. Trong nước, giá vàng ổn định quanh mốc 69 triệu đồng/ lượng bán ra.
Giá vàng ngày 6/7: Vàng lao dốc không phanh

Giá vàng thế giới

Giá vàng thế giới sáng nay (6-7) giảm mạnh với giá vàng kỳ hạn tháng 8 mất tiếp 35 USD xuống còn 1.766,5 USD/ ounce. Vàng giao ngay giao dịch lần cuối ở mức 1.768,1 USD/ ounce, giảm gần 40 USD so với rạng sáng ngày trước đó. Thị trường chứng kiến một đợt bán tháo ồ ạt khi giá vàng trượt khỏi mốc 1.800 USD/ ounce. 

Thị trường kim loại quý chìm trong sắc đỏ trong bối cảnh đồng USD tăng mạnh lên đỉnh 20 năm, giá dầu thô giảm mạnh và thị trường đang chờ đợi biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ mới nhất của Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) và báo cáo việc làm của Mỹ.  

Rạng sáng nay, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đã tăng 1,26 lên gần mức 106,5, mức cao nhất trong vòng 2 thập kỷ qua. Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt tay vào một lộ trình thắt chặt rất tích cực nhằm kiểm soát lạm phát, giới đầu tư đổ xô vào đồng USD như một loại tiền tệ trú ẩn an toàn.

Trong khi đó, giá dầu thô giảm mạnh cũng gây áp lực không nhỏ lên thị trường kim loại quý. Rạng sáng, giá dầu thô giảm mạnh và giao dịch quanh mức 100 USD/ thùng.  

Hiện tại, tất cả các thị trường đang chờ đợi biên bản cuộc họp tháng 6 của FOMC để biết thêm về lộ trình tăng lãi suất sắp tới và bất kỳ thông tin mới liên quan đến suy thoái từ các thành viên của Fed.

Các chiến lược gia ING FX cho rằng, biên bản của FOMC có thể nghiêng về khả năng tăng lãi suất 75 điểm cơ bản vào cuối tháng này. Công cụ FedWatch của CME cho thấy có tới 85,6% khả năng tăng lãi suất 75 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 7 và chỉ có 14,4% khả năng tăng 50 điểm.

Ngoài ra, dữ liệu việc làm của Mỹ dự kiến được công bố vào ngày 8-7 tới được dự đoán sẽ ảnh hưởng đến động lực giá của đồng USD trong ngắn hạn và giúp các nhà đầu tư xác định bước tiếp theo của động thái định hướng đối với giá vàng.

Nhiều ý kiến cho rằng, đồng USD có thể sẽ tiếp tục đà tăng mạnh khi Fed xem xét tăng tiếp 75 điểm cơ bản vào cuộc họp tới. Điều duy nhất có thể thay đổi quan điểm “diều hâu” này chính là dữ liệu việc làm tháng 6 yếu hơn hoặc lạm phát bất ngờ giảm mạnh.

Giá vàng trong nước

Giá vàng trong nước tiếp tục biến động nhẹ khi hầu hết các cơ sở kinh doanh vàng bạc đá quý. Hiện tại, vàng trong nước vẫn đang được mua vào quanh mốc 68 triệu đồng/ lượng và bán ra quanh 69 triệu đồng/ lượng.

Rạng sáng nay, giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng niêm yết ở mức 68,2 triệu đồng/lượng mua vào và 68,82 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng SJC vẫn đang mua vào ở mức tương tự với khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng. Như vậy, so với rạng sáng ngày trước đó, giá vàng SJC đã được điều chỉnh tăng 100.000 đồng ở cả hai chiều.

Trong khi đó, Phú Quý SJC đã điều chỉnh giảm 50.000 đồng ở cả hai chiều xuống lần lượt là 68,15 triệu đồng/lượng mua vào và 68,7 triệu đồng/lượng bán ra.  

Vàng DOJI ở khu vực Hà Nội đang mua vào mức 68,15 triệu đồng/ lượng và bán ra mức 68,75 triệu đồng/ lượng, tăng 50.000 đồng ở cả hai chiều. Tại TP Hồ Chí Minh, giá vàng thương hiệu DOJI giữ nguyên ở mức 68,15 triệu đồng/ lượng mua vào và 68,75 triệu đồng/ lượng bán ra. 

Trong bối cảnh kim loại quý thế giới chật vật tìm động lực tăng giá, nhiều ý kiến cho rằng, giá vàng trong nước thời gian tới vẫn sẽ ít biến động và giao dịch ổn định quanh mức 68 triệu đồng/ lượng mua vào và 69 triệu đồng/ lượng bán ra.

Với giá vàng trong nước biến động nhẹ và giá vàng thế giới niêm yết tại Kitco ở mức 1.768,8 USD/ounce (tương đương 50 triệu đồng/lượng nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chưa thuế, phí), chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới tiếp tục nới rộng.  

Có thể bạn quan tâm