Trên thị trường thế giới, vàng giao ngay tăng 1,8% lên mức cao nhất kể từ ngày 14/4 là 2.017 USD/ounce, trong khi giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 1,7% lên 2.026 USD.
Tại Mỹ, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) đã bắt đầu cuộc họp kéo dài hai ngày vào 2 và 3/5, với kỳ vọng sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm trong tháng 5.
Edward Moya, nhà phân tích thị trường cao cấp tại OANDA, cho biết: “Những lo ngại về ngân hàng đã quay trở lại… điều này có thể khiến Fed phải cẩn trọng xem xét lại các dự định lãi suất trong tháng 6”. Các thị trường hiện đang định giá tỷ lệ cược 1 trên 4 cho việc cắt giảm lãi suất vào tháng 6, và không có khả năng tăng lãi suất nào khác.
Bên cạnh cuộc họp của Fed, các nhà đầu tư cũng đang để ý tới vấn đề trần nợ của Mỹ. Trước đó, Tổng thống Joe Biden đã đưa ra yêu cầu triệu tập bốn nhà lãnh đạo hàng đầu của Quốc hội tới Nhà Trắng sau khi Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cảnh báo chính phủ có thể không đáp ứng được tất cả các nghĩa vụ thanh toán nợ của mình trước ngày 1/6.
Trong khi vàng được coi là một hàng rào chống lại những bất ổn kinh tế, lãi suất tăng làm ảnh hưởng đến nhu cầu đối với vàng có lợi tức bằng không.
Tuy nhiên, giá vàng đã nhận được sự hỗ trợ bởi một số nhu cầu trú ẩn an toàn từ những lo ngại đang trỗi dậy về sức khỏe của ngành ngân hàng và sự không chắc chắn về trần nợ của Mỹ, nhà phân tích Xiao Fu của Bank of China International nhận xét.
Tại Việt Nam, vào sáng 3/5, vàng miếng SJC của công ty vàng bạc đá quý JSC được giao dịch ở mức 66,65 triệu đồng/lượng mua vào và 67,25 triệu đồng/lượng bán ra; tăng 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều so với cuối tuần trước.
Trong khi đó, vàng Kim Tài Lộc và Kim Phát Lộc của Việt Á Gold vẫn được thu mua ở mức 56,2 triệu đồng/lượng và bán ra mức 56,7 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn tại Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) không đổi ở mức 55,9 triệu đồng/lượng mua vào và 57 triệu đồng/lượng bán ra.
Sáng 2/5, Ngân hàng Vietcombank báo giá tỷ giá ngoại tệ tương đương 23.290 VND mua vào và 23.630 VND bán ra, không thay đổi so với 2/5.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tiếp tục giảm vào 2/5 (giờ quốc tế) sau khi giảm khoảng 5% xuống mức thấp nhất trong 5 tuần trong phiên trước đó.
Dầu Brent giảm 13 cent, tương đương 0,2%, xuống 75,19 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI của Mỹ cũng giảm 13 cent, tương đương 0,2%, xuống 71,53 USD.
Đến nay, cả hai điểm chuẩn đều đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ ngày 24/3 khi các nhà đầu tư băn khoăn về quyết định chính sách của Fed trong cuộc họp tháng 5. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm để chống lại lạm phát, trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng có khả năng sẽ tăng lãi suất tại cuộc họp chính sách thường kỳ vào 4/5. Những động thái tăng lãi suất sẽ tiếp tục có tác động tiêu cực tới nhu cầu năng lượng.
Giá năng lượng cũng chịu áp lực sau khi dữ liệu từ Trung Quốc cuối tuần qua cho thấy hoạt động sản xuất bất ngờ giảm trong tháng Tư. Trung Quốc là nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất và cũng là quốc gia nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới.