Crystal Guo cho biết cô thường làm việc trong khoảng sáu tháng đến một năm trước khi xin nghỉ. Đó là điều mà cô gái 30 tuổi này mô tả về lối sống mới của mình “làm việc theo giai đoạn và kiên trì ‘nằm phẳng’”.
Sự cạnh tranh gay gắt tại một xã hội đông đúc đến mức một số người nói rằng họ đã từ bỏ ước mơ và khát vọng của mình.
Khái niệm "tang ping" - có nghĩa là "nằm phẳng" - đã trở thành một thuật ngữ phổ biến ở Trung Quốc vào năm ngoái. Nó là một trong 10 từ thông dụng trên internet hàng đầu ở Trung Quốc vào năm 2021, theo Trung tâm Nghiên cứu và Giám sát Tài nguyên Ngôn ngữ Quốc gia của nước này.
"Sự phổ biến của từ này phản ánh sự căng thẳng và thất vọng mà giới trẻ cảm thấy", Jia Miao, phó giáo sư xã hội học từ Đại học New York, Thượng Hải, cho biết. “Tang ping là sự từ chối làm việc quá sức, nơi bạn để mọi thứ cứ như vậy và làm việc ở mức tối thiểu nhất.”
Vào tháng 3 năm nay, một thuật ngữ tiếng Trung khác đã xuất hiện trên mạng. Phản ánh một thái độ đối với cuộc sống, thuật ngữ “bai lan” được dịch ra là “hãy để nó thối rữa.” Các bài đăng liên quan đến chủ đề này đã thu hút hơn 91 triệu lượt xem trên mạng xã hội khổng lồ Weibo của Trung Quốc tính đến 15/9.
“Bai lan là khi những người trẻ tuổi từ chối nỗ lực hơn nữa trong cuộc sống bởi vì họ không thấy bất kỳ hy vọng nào khi làm như vậy,” bà Miao nói thêm.
Thuật ngữ này lần đầu tiên trở nên phổ biến đối với những người chơi trên các trò chơi điện tử như “Liên minh huyền thoại”. Ban đầu nó được dùng để mô tả những người chơi rút lui hoặc bỏ cuộc trong một trận chiến khó khăn để thay vào đó nhận những "nhiệm vụ dễ dàng hơn". "Nhóm người này là những người sử dụng Internet tích cực, vì vậy từ này trở nên phổ biến sau đó ngay cả với những người không chơi game.“
Trong khi tâm lý chống hối hả của “tang ping” (nằm phẳng) dường như có một số điểm tương đồng với cái gọi là phong trào từ bỏ trong im lặng đã trở nên phổ biến trên TikTok vào tháng trước, “bai lan” (hãy để nó thối rữa) dường như là một thuật ngữ tiêu cực hơn, bà Miao chỉ ra, nói rằng nó đề cập đến một trạng thái xấu đi nơi "người ta từ bỏ bất kỳ khả năng hy vọng nào."
Đâu là nguồn gốc của sự vỡ mộng này trong giới trẻ Trung Quốc?
Thất nghiệp và những điều không chắc chắn
Miao cho biết cả hai từ thông dụng, "tang ping" và "bai lan", đều phản ánh sự cạnh tranh gay gắt mà giới trẻ Trung Quốc phải đối mặt.
“Trong khi sự cạnh tranh là việc rõ ràng trong xã hội, những khi điều này còn cộng thêm cả sự không chắc chắn do đại dịch gây ra và… những người trẻ tuổi tìm kiếm việc làm trong 2 năm qua đã gặp phải khó khăn hơn nhiều”.
Theo Cục Thống kê Quốc gia, tỷ lệ thất nghiệp của những người trong độ tuổi từ 16 đến 24 là gần 20% trong tháng Bảy, cao hơn nhiều so với tỷ lệ thất nghiệp ở các đô thị toàn quốc là 5,6%.
Tỷ lệ thất nghiệp của nhóm tuổi đó là 16,2% trong một năm trước.
Trung Quốc đang phải đối mặt với sự suy thoái lớn và nhiều nhà kinh tế đã đặt ra nghi ngờ về việc liệu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm khoảng 5,5% hay không. Nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 0,4% trong quý thứ hai, do chính sách zero Covid nghiêm ngặt của quốc gia này.
Chia sẻ với CNBC, Crystal Guo nói rằng cô ấy đã bị cho nghỉ việc đến hai lần trong vòng chưa đầy một năm, điều mà cô mô tả là “khá đáng ngờ”. Lần đầu tiên Gou bị cho nghỉ việc vào tháng 7 năm ngoái, khi đang làm việc tại một công ty tư nhân cung cấp dịch vụ giáo dục sau giờ học. Guo đã bị sa thải khi Trung Quốc “đàn áp” hệ thống dạy học thêm và thực hiện chính sách "giảm kép", nhằm giảm bớt gánh nặng của việc học thêm ngoài trường cho học sinh. Sau nửa năm đi du lịch vòng quanh Trung Quốc bằng gói trợ cấp thôi việc, Guo trở về nhà ở Thâm Quyến và tìm việc tại một công ty bất động sản vào tháng 2 năm nay. Và quá bất ngờ, toàn bộ bộ phận của cô ấy đã bị cho nghỉ việc ngay sau đó. “Tình hình thị trường việc làm năm nay khá tồi tệ. Khi tôi cố gắng tìm một công việc khác, thì đó là thời điểm ngành công nghệ cũng đang báo cáo về việc cắt giảm nhân sự”, Guo nói. “Tôi nỗ lực tìm kiếm một công việc, nhưng không thể tìm thấy một việc phù hợp.” Gou tâm sự, “nằm phẳng” đang trở thành một hình thức “trốn tránh thực tế” đối với bản thân cô. Sau khi không đảm bảo được một công việc khác, Gou đã sử dụng thời gian rảnh để đi làm thêm, trang trải chi phí hàng ngày hoặc theo đuổi những sở thích khác. “Tôi thừa nhận, đó có thể là cách để tôi thoát khỏi thực tế phải đi tìm một việc làm ổn định.”
Những khát vọng xa vời
“Tang ping" và “bai lan” là phản nghĩa của định nghĩa thành công ở Trung Quốc - có thể được hiểu bằng thành ngữ “cheng jia li ye,” giáo sư Jia Miao nói. “Thành ngữ đó được hiểu là có thể mua một căn hộ, có một gia đình, một sự nghiệp và tiền bạc đàng hoàng."
Tuy nhiên, không chỉ vấn đề thị trường việc làm lung lay mới khiến những nguyện vọng này ngày càng xa tầm tay với một số người, bất kể họ làm việc chăm chỉ đến đâu. Ví dụ, việc mua nhà ở các thành phố lớn như Thượng Hải và Bắc Kinh đã trở nên “gần như không thể” đối với những người trẻ có thu nhập trung bình ở Trung Quốc. Theo Zhuge, một viện nghiên cứu và giám sát thị trường bất động sản ở quốc gia tỷ dân, tỷ lệ giá nhà trên thu nhập của quốc gia này “cao hơn nhiều” so với mức trung bình quốc tế từ 3 đến 6 lần.
Vào năm 2021, giá nhà ở trung bình cao hơn 12 lần so với thu nhập trung bình, dữ liệu từ Zhuge cho thấy.
“Sự thiếu hụt về tính linh động trong xã hội cùng với chi phí sinh hoạt ngày càng cao đang khiến những người trẻ vỡ mộng và bắt đầu quay lưng lại với những kỳ vọng như vậy,” bà Miao nhận xét. “Vì vậy, nhiều người đang chọn cách tránh nghĩ về nó. Họ từ chối tham gia vào cuộc cạnh tranh về tiền bạc, nhà cửa hoặc hôn nhân,…”
Đó cũng là suy nghĩ của Qiu Xiaotian, 31 tuổi, người cho biết anh tự liên hệ bản thân ý tưởng “nằm phẳng”. Anh định nghĩa về việc đó là chỉ làm những gì cần thiết để tồn tại và "không phải phấn đấu cho tất cả mọi thứ", theo bản dịch của CNBC về các bình luận bằng tiếng Trung. “Tôi từ chối công nhận những kỳ vọng của xã hội. Ví dụ, những ngôi nhà quá đắt đỏ, không có gì phải suy nghĩ về nó vì nó sẽ chỉ khiến tôi căng thẳng thêm,” Qiu, người đang làm việc như một nhà quay phim, cho biết. “Mặc dù tôi đã kết hôn nhưng tôi cũng không muốn có con. Tại sao tôi phải làm như vậy khi chất lượng cuộc sống đang giảm sút nghiêm trọng? Khi mà tôi không thể cho con tôi một cuộc sống tốt đẹp. "
"Chống hối hả"
Đối với cô Crystal Guo, năm nay đã bước sang tuổi 30, kỳ vọng của xã hội rằng một người trưởng thành sẽ có khả năng sở hữu một ngôi nhà, tự hào về một công việc và gia đình tốt, được cảm nhận rõ nhất khi cô so sánh bản thân mình với các đồng nghiệp. Nhưng nay, trong cách tiếp cận mới với cuộc sống, Guo đã có thêm thời gian để suy nghĩ về những gì cô coi trọng trong cuộc sống, Guo chia sẻ. “Khi tôi 22 tuổi, tôi lo lắng không biết mình sẽ đạt được gì ở tuổi 30. Nhưng bây giờ ở tuổi 30, tôi chấp nhận là một người bình thường. Tôi nghĩ giàu có hay có khả năng mua một ngôi nhà không còn quá quan trọng như vậy nữa”.
“Khi tôi bị chôn vùi trong công việc, cuộc sống sẽ chỉ xoay quanh nó và tôi cảm thấy như mình đã bỏ lỡ thời gian cho chính mình”.
Phản ứng và chỉ trích
Nhưng cũng giống như việc im lặng bỏ việc, thì “nằm phẳng” cũng hứng chịu những lời chỉ trích và phản ứng dữ dội. Ví dụ, một báo cáo truyền thông địa phương đã cảnh báo về xu hướng này và viết rằng thanh niên nên “sẵn sàng để làm việc chăm chỉ”. Một số công ty ở Trung Quốc thực hành văn hóa làm việc “996” cực đoan, nơi nhân viên làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, trong sáu ngày một tuần.
Tuy nhiên, Crystal Guo khẳng định rằng chọn “nằm phẳng” không có nghĩa là cô ấy từ bỏ bản thân. “Mặc dù có vẻ như tôi không làm gì trong 6 tháng, nhưng tôi vẫn đang nỗ lực cho bản thân mình. ‘Tang ping’ cho tôi không gian thở để suy ngẫm về sự nghiệp và tương lai, đó không hẳn là một điều xấu.”
Khoảng thời gian xa nơi làm việc cũng đã thôi thúc cô theo đuổi bằng Thạc sĩ tâm lý học. “Tôi đã đặt mục tiêu cho bản thân khi không làm việc, vì vậy khoảng thời gian ‘tang ping’ thực sự không cảm thấy bị lãng phí”.
Mặc cho sự phổ biến của các từ thông dụng như “tang ping” và “bai lan”, Crystal Guo cho biết nó không nhất thiết sẽ chuyển thành sự bị động hoàn toàn trong giới trẻ.
Tương tự, “từ bỏ trong im lặng” không có nghĩa là bạn sẽ nghỉ việc- đối với một số người, điều đó có nghĩa là thiết lập ranh giới và không nhận thêm việc ngoài giờ; đối với những người khác, nó chỉ có nghĩa là không ép mình phải dốc hết sức lực cho một mục tiêu nào đó.
“Một số người trẻ có nói đến điều đó, nhưng không có nghĩa là họ sẽ thực hiện như vậy. Ví dụ: họ sẽ nói, "Hôm nay là ngày thứ tư 'bai lan’ thứ tư của tôi, nhưng từ ngày mai trở đi, tôi phải bắt đầu cho luận án của mình."
Anh Qiu Xiaotian đồng ý với ý trên, nói rằng “ping tang” không phải là một vấn đề lớn. “Những người ‘nằm phẳng’ như tôi, không phải là không có đóng góp gì cho công ty, mà chỉ đơn giản là thiếu đi động lực để cung cấp thêm giá trị hơn nữa.”