Giữa "bão lùm xùm", ông Lê Hồng Minh xuất hiện với bài viết trên VNG

Nhà sáng lập VNG Lê Hồng Minh chia sẻ về những thành công và thất bại của VNG sau quá trình “lớn nhanh như thổi”, đồng thời nhắc tới Zalo và "game crypto lùa gà"...

Nhà sáng lập VNG Lê Hồng Minh
Nhà sáng lập VNG Lê Hồng Minh

Sáng nay (9/9), Công ty Cổ phần VNG (mã chứng khoán: VNZ) chính thức chạm mốc 20 tuổi. Nhân dịp này, bộ phận truyền thông của VNG vừa chia sẻ bài viết “Chúng tôi làm công nghệ và trưởng thành” của ông Lê Hồng Minh - nhà sáng lập VNG. Đây là phần tiếp nối của bài viết “Tôi chơi và làm game” đã được ông viết vào 18 năm trước.

TỪ VÕ LÂM TRUYỀN KỲ ĐẾN GIẤC MƠ AI

Theo chia sẻ của ông Lê Hồng Minh, sau thành công của game Võ Lâm Truyền Kỳ thời VinaGame (tiền thân của VNG), họ bắt đầu với nhiều sản phẩm web - tin tức, blog, mạng xã hội, forum, chat, email, search, nhạc, video...

Ra mắt vào thời điểm tháng 8/2007, portal Zing.vn đã vượt qua Yahoo trở thành website có lượt truy cập lớn nhất Việt Nam chỉ sau 4 tháng ra mắt. Cuối 2010, Zing me - mạng xã hội kết hợp ’chơi game’ đạt gần 10 triệu MAU, vượt Facebook trở thành mạng xã hội lớn nhất Việt Nam với những tựa game đình đám như Nông trại vui vẻ, Khu vườn trên mây và Gunny Web.

Từ năm 2009, VNG gần như là công ty công nghệ duy nhất ở Việt Nam hoàn toàn sở hữu và làm chủ toàn bộ các sản phẩm của mình mà không phụ thuộc bất kỳ đối tác nào. Từ Zalo, ZingPlay đến các mảng kinh doanh mới như Zalopay, Cloud và AI.

“Bài học đầu tiên mà tôi rút ra được ở cột mốc này là phải xây dựng sản phẩm và làm chủ công nghệ bằng chính năng lực cốt lõi của mình. Do thành công quá nhanh và quá lớn của game Võ Lâm Truyền Kỳ, VNG cũng bắt đầu xây dựng Web business bằng việc kết hợp với nhiều đối tác đưa các sản phẩm Web về vận hành tại thị trường Việt Nam. Nhưng chỉ sau 1 thời gian ngắn triển khai, chúng ta nhận ra rằng không thể thành công lâu dài bằng cách này. Trên hành trình trở thành công ty công nghệ thực thụ, chúng ta cần phải tự học cách xây dựng sản phẩm, dù quá trình này vốn nhiều khó khăn, rủi ro, và rất tốn kém”, ông Lê Hồng Minh chia sẻ.

Cột mốc thứ hai là của năm 2012 - thời kỳ đỉnh cao của tất cả sản phẩm trên nền tảng máy tính cá nhân (PC) và chuẩn bị bước vào kỷ nguyên nền tảng thiết bị di động (Mobile Internet).

Nhận thấy tiềm năng to lớn của thị trường ứng dụng di động, VNG đã quyết định từ bỏ mảng kinh doanh béo bở VAS (Value Added Services) để tập trung phát triển các sản phẩm như Zalo, Báo Mới và Zing MP3 cũng như bắt đầu ra mắt các Mobile Games.

Thế nhưng, doanh thu của tất cả sản phẩm PC liên tục đi xuống trong khi VNG chưa thu được lợi nhuận từ ứng dụng di động (Mobile Apps), cùng với đó là các khoản chi phí đầu tư cực lớn đã khiến công ty này gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2014 là năm đánh dấu kỷ niệm 10 năm, cũng là năm đầu tiên doanh thu của VNG giảm kể từ khi thành lập (gần 1.800 tỷ). Chỉ đến giai đoạn năm 2016 - 2017, khi mảng Mobile Games bắt đầu bùng nổ doanh thu thì VNG mới bắt đầu tự tin về mặt tài chính.

Đến năm 2019, doanh thu mảng Mobile chiếm hơn 90% tổng doanh thu (so với 0% vào năm 2013). Cột mốc này đánh dấu sự chuyển mình thành công của VNG từ công ty chuyên về PC sang một công ty Mobile Internet - vốn là điều mà rất ít công ty công nghệ trên thế giới làm được. Trong khi đó, Yahoo - tượng đài Internet một thời và là mục tiêu của VNG, đã không còn vào thời điểm 2019.

“Bài học quan trọng thứ hai là khi nhìn thấy một làn sóng công nghệ mới, chúng ta cần tập trung toàn lực với một niềm tin dài hạn, dù rủi ro rất cao và doanh thu có thể không đến trong ngắn hạn. Nhìn lại hành trình đã qua, tôi vẫn tin tưởng rằng Mobile Internet là cơ hội vô cùng hiếm hoi và chúng ta rất may mắn khi được trải qua làn sóng bùng nổ này từ những ngày đầu tiên. Hiện tại, chúng ta đã mường tượng nhìn thấy làn sóng AI đang hình thành và sẽ tiếp tục thay đổi thế giới một cách toàn diện hơn nữa. Tôi tin chắc rằng, ở kỳ sinh nhật lần thứ 30, VNG sẽ trở thành một công ty AI”, nhà sáng lập VNG chia sẻ.

Cột mốc thứ ba là vào năm 2022, khi VNG vừa có một giai đoạn phát triển liên tục cả về người dùng và doanh thu, đặc biệt là trong dịch Covid-19.

Từ năm 2019, VNG đẩy mạnh nghiên cứu để đặt nền móng cho các mảng kinh doanh mới như thanh toán tài chính, điện toán đám mây; đầu tư vào các công ty game và công nghệ trên toàn cầu; liên tục tăng trưởng về số lượng nhân sự và chiêu mộ những chuyên gia lão làng từ thị trường quốc tế. Tập thể VNG bị cuốn theo ‘cơn sốt công nghệ’ giai đoạn ấy và đặt niềm tin rằng tất cả những khoản đầu tư của mình sẽ thành công.

“Dù vậy, chúng ta vẫn phải đối diện với sự thật rằng phần lớn các khoản đầu tư sẽ không dễ dàng tăng trưởng như kỳ vọng. Đầu năm 2023, VNG đã phải cắt giảm hàng loạt nhân sự, rất nhiều dự án thử nghiệm và ‘thắt lưng buộc bụng’ trước tất cả khoản chi phí phát sinh. Tổng kết lại, VNG đã mất một khoản tiền lớn đầu tư không hiệu quả trong 5 năm trước đó, và để lại nhiều kinh nghiệm thương đau”, CEO VNG Lê Hồng Minh bày tỏ.

Bài học thứ ba sau những gì đã trải qua, theo nhà sáng lập VNG, đó là luôn giữ vững sự kiên định, thái độ khiêm tốn và những giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Theo ông Minh, các công ty công nghệ lớn thành công thường bị cuốn theo sự hào nhoáng của các nhà đầu tư và những con số tăng trưởng ấn tượng. Họ quên mất những nguyên tắc kinh doanh cơ bản, chỉ tập trung vào việc mở rộng quy mô thật nhanh và thu hút khách hàng bằng mọi giá. Kết quả là nhiều công ty phải gánh chịu hậu quả nặng nề và buộc phải thay đổi hoàn toàn hướng đi.

ZALO KHÔNG BỊ ÁP LỰC KIẾM TIỀN

Bước vào tuổi 20, ông Lê Hồng Minh nhấn mạnh VNG không còn là một công ty start-up non trẻ mà đã là một công ty công nghệ lớn, doanh thu gần mức 10.000 tỷ (gấp 5 lần so với 2014) với hơn 4.000 Starter làm việc ở 14 văn phòng trên thế giới. Các mảng kinh doanh chủ lực - Game, Zalo, Fintech, Digital Business đang phục vụ hơn 100 triệu người dùng cá nhân và hàng chục ngàn khách hàng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo ông Minh, sự trưởng thành của VNG đến từ nhiều khía cạnh khác nhau và không thể đo đếm được bằng con số. Nhà sáng lập VNG kể lại thời điểm năm 2018 khi Data Center của VNG bị ’sập nguồn’. Đội ngũ VNG đã nỗ lực để hồi phục toàn bộ hoạt động chỉ sau 12 tiếng. Sau sự cố đó, VNG đã quyết tâm đầu tư vào Data Center Tân Thuận, hiện nay là một trong những Data Center hiện đại nhất Việt Nam.

“Chúng ta còn nhớ giai đoạn 2019 khi Zalo đứng trước rất nhiều áp lực và nghi ngờ từ các cơ quan quản lý. Chúng ta đã kiên trì làm việc và minh bạch hoá toàn bộ source code và hệ thống vận hành để khẳng định Zalo là sản phẩm của người Việt. Sau đó, Zalo tiếp tục phát triển mạnh mẽ trở thành nền tảng liên lạc lớn nhất cho tất cả người Việt Nam, vượt xa các đối thủ nước ngoài lớn”, nhà sáng lập VNG cho hay.

Hay như giai đoạn Covid-19, khi VNG vừa phải sắp xếp cho 4.000 người làm việc từ xa, vừa phải bảo đảm tất cả hệ thống sản phẩm vận hành ổn định, phục vụ nhu cầu tăng cao của người dùng, tiếp tục mở rộng các thị trường nước ngoài.

VNG cũng đã tin rằng các game crypto không tạo ra giá trị thực sự cho người dùng, trừ việc đầu cơ, và vì vậy đã kiên quyết nói không với làn sóng game ‘crypto lùa gà’.

“Chúng ta tin rằng Zalo trở thành ứng dụng tin nhắn số 1 Việt Nam vì Zalo kiên trì tập trung vào giá trị cốt lõi sản phẩm - nhanh, ổn định, an toàn, tiện dụng - và không bị áp lực kiếm tiền”, ông Lê Hồng Minh chia sẻ.

Nhà sáng lập VNG Lê Hồng Minh

Nhà sáng lập VNG Lê Hồng Minh

Nhà sáng lập VNG nhấn mạnh công ty sẽ vẫn tiếp tục với những giấc mơ lãng mạn mới: VNGGames sẽ trở thành một công ty game toàn cầu, phục vụ cho hàng trăm triệu người dùng; mơ ước Zalo sẽ tiếp tục thay đổi toàn diện cuộc sống của hơn 100 triệu người Việt Nam; mơ ước Zalopay sẽ hiện thực hóa mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt; mơ Digital Business sẽ phục vụ hàng trăm ngàn doanh nghiệp Việt Nam và trên thế giới, dùng AI và Cloud để giúp các doanh nghiệp có thể cạnh tranh trên thị trường toàn cầu; mơ VNG sẽ trở thành một doanh nghiệp công nghệ được ngưỡng mộ và tạo ra ảnh hưởng tích cực lớn nhất ở Việt Nam và khu vực trong việc liên tục thay đổi, sáng tạo những sản phẩm mới.

KHẲNG ĐỊNH VẪN HOẠT ĐỘNG BÌNH THƯỜNG

Trên dòng chảy thông tin, liên quan tới việc lực lượng công an đến trụ sở Công ty Cổ phần VNG để thanh tra đột xuất vào sáng 6/9, phía công ty đã có thông tin cập nhật sự việc. VNG cho biết công ty cam kết sẽ nỗ lực tối đa để đảm bảo ổn định mọi hoạt động kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tác, cổ đông và các bên liên quan.

"Cho tới thời điểm hiện tại, các hoạt động kinh doanh và vận hành của VNG vẫn đang diễn ra bình thường. Công ty vẫn đang tích cực hợp tác và tuân thủ mọi yêu cầu từ cơ quan chức năng", VNG khẳng định. Đại diện VNG cũng cho biết sẽ tiếp tục cập nhật tới báo chí các thông tin tiếp theo.

Ngoài ra, VNG đã phát đi thông tin về việc thay đổi nhân sự cấp cao. Theo đó, ông Kelly Wong, Phó Tổng Giám đốc VNG sẽ đảm nhiệm vị trí quyền Tổng Giám đốc VNG.

Hiện, chưa rõ ông Lê Hồng Minh đang ở đâu và giữ chức vụ gì tại VNG sau nhiều năm giữ chức Tổng Giám đốc và là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của công ty.

Ông Kelly có 17 năm kinh nghiệm làm việc ở nhiều mảng kinh doanh khác nhau ở Việt Nam, với các vị trí cấp cao: Phó Tổng Giám đốc của tập đoàn KIDO, Chủ tịch điều hành của Red Wok Investment (RWI), Giám đốc điều hành Công ty Chứng khoán Hồ Chí Minh (HSC).

Screen Shot 2024-09-09 at 11.07.02.png
Diễn biến cổ phiếu VNZ liên tục giảm sâu sau thông tin lực lượng công an đến trụ sở VND để thanh tra đột xuất

Thông tin về cuộc thanh tra đã tác động mạnh mẽ đến giá cổ phiếu VNZ trên sàn UPCoM. Tại phiên giao dịch sáng 9/9, cổ phiếu này tiếp tục giảm sâu gần 15%, về mức 395.000 đồng/cổ phiếu.

Xem thêm

“Kỳ lân công nghệ” VNG báo lỗ gần 500 tỷ đồng trong quý 2

“Kỳ lân công nghệ” VNG báo lỗ gần 500 tỷ đồng trong quý 2

Tính từ đầu năm 2022 đến nay, VNG đã trải qua 10 quý kinh doanh. Trong đó có 9 quý thua lỗ, công ty chỉ báo lãi duy nhất tại quý 2/2023. Kết quả kinh doanh với những lần thua lỗ liên tiếp đã kéo lùi thị giá của VNZ, hiện ghi nhận ở mức 512.000 đồng/cổ phiếu...

Có thể bạn quan tâm

Chứng khoán Mỹ tiếp đà tăng, giá dầu nhảy vọt 2%

Chứng khoán Mỹ tiếp đà tăng, giá dầu nhảy vọt 2%

Phố Wall chốt phiên 12/9 với mức tăng ổn định sau khi dữ liệu lạm phát mới củng cố kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp ngày 18/9 tới...

La Nina "thắp sáng" cổ phiếu ngành điện

La Nina "thắp sáng" cổ phiếu ngành điện

Hiện tượng La Nina đang tạo đà cho cổ phiếu ngành điện tăng trưởng mạnh mẽ. Sản lượng tiêu thụ điện tăng cao nhờ sự tăng trưởng của hoạt động sản xuất công nghiệp và nhu cầu điện lớn, mở ra triển vọng tích cực cho các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt là thủy điện...

Siêu bão Yagi “nhấn chìm” cổ phiếu bảo hiểm

Siêu bão Yagi “nhấn chìm” cổ phiếu bảo hiểm

Diễn biến tiêu cực của nhóm ngành bảo hiểm diễn ra trong bối cảnh các doanh nghiệp liên tiếp công bố các số liệu về thiệt hại và bồi thường cho khách hàng sau tổn thất từ cơn bão số 3 – bão Yagi...

Áp lực bán vẫn chi phối, thị trường chứng khoán tiếp tục đối mặt với nguy cơ điều chỉnh sâu

Áp lực bán vẫn chi phối, thị trường chứng khoán tiếp tục đối mặt với nguy cơ điều chỉnh sâu

Áp lực bán vẫn chi phối và thị trường tiếp tục đối mặt với nguy cơ điều chỉnh sâu hơn nếu không có sự cải thiện rõ rệt về dòng tiền. Nhà đầu tư tiếp tục giữ tỷ trọng trung bình, tập trung vào nhóm cổ phiếu có lợi thế cạnh tranh dài hạn và chờ đợi tín hiệu xác nhận từ xu hướng...