VNG lên tiếng về việc cảnh sát xuất hiện ở trụ sở, khẳng định vẫn hoạt động bình thường

Cho tới thời điểm hiện tại, các hoạt động kinh doanh và vận hành của VNG vẫn đang diễn ra bình thường. Công ty vẫn đang tích cực hợp tác và tuân thủ mọi yêu cầu từ cơ quan chức năng...

VNG lên tiếng về việc cảnh sát xuất hiện ở trụ sở, khẳng định vẫn hoạt động bình thường

Liên quan tới các thông tin về việc lực lượng công an đến trụ sở Công ty Cổ phần VNG (mã chứng khoán: VNZ) để thanh tra đột xuất vào sáng 6/9, phía công ty đã có thông tin cập nhật sự việc. VNG cho biết công ty cam kết sẽ nỗ lực tối đa để đảm bảo ổn định mọi hoạt động kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tác, cổ đông và các bên liên quan.

"Cho tới thời điểm hiện tại, các hoạt động kinh doanh và vận hành của VNG vẫn đang diễn ra bình thường. Công ty vẫn đang tích cực hợp tác và tuân thủ mọi yêu cầu từ cơ quan chức năng", VNG khẳng định.

Đại diện VNG cho biết sẽ tiếp tục cập nhật tới báo chí các thông tin tiếp theo.

Ảnh chụp Màn hình 2024-09-06 lúc 16.00.56.png
Diễn biến cổ phiếu VNZ trong thời gian qua

Thông tin về cuộc thanh tra đã tác động mạnh mẽ đến giá cổ phiếu VNZ trên sàn UPCoM. Có thời điểm trong phiên, cổ phiếu VNZ giảm sàn về 437.800 đồng/cổ phiếu nhưng nhanh chóng thoát sàn và đóng cửa tại 480.000 đồng/cổ phiếu, giảm 6,8%.

Trong dòng chảy thông tin liên quan, VNG mới đây đã phát đi thông tin về việc thay đổi nhân sự cấp cao. Theo đó, ông Kelly Wong, Phó Tổng Giám đốc VNG sẽ đảm nhiệm vị trí quyền Tổng Giám đốc VNG.

Ban giám đốc VNG khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ ông Kelly Wong trên cương vị mới, đảm bảo các hoạt động của công ty tiếp tục vận hành ổn định và hiệu quả.

Theo giới thiệu, ông Kelly Wong là Phó Tổng Giám đốc Khối trò chơi trực tuyến tại VNG. Ông có gần 20 năm kinh nghiệm làm việc ở nhiều mảng kinh doanh khác nhau tại Việt Nam, từng giữ vị trí Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Kido, Chủ tịch điều hành Red Wok Investment (RWI), Giám đốc điều hành khối tư vấn tài chính doanh nghiệp Công ty Cổ phần Chứng khoán TP.HCM (mã chứng khoán: HSC).

Bên cạnh đó, ông Kelly còn được biết đến với vai trò là thành viên Hội đồng Quản trị của tổ chức phi lợi nhuận SEO Việt Nam và Chủ tịch Phòng Thương mại Canada.

Ông Kelly từng theo học tại Đại học British Columbia ở Vancouver (Canada), và đã nhận bằng Quản lý châu Á - Thái Bình Dương của Học viện Quản lý McRae tại Đại học Capilano (Canada).

Trước đó, báo cáo quản trị bán niên năm 2024 của VNG cho biết Tổng Giám đốc VNG là ông Lê Hồng Minh. Hồi đầu năm 2023, ông Lê Hồng Minh đã rời chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị VNG.

Ông Lê Hồng Minh, sinh năm 1977 tại Hà Nội. Ông từng theo học chuyên ngành tài chính ngân hàng tại Đại học Monash (Australia). Năm 2001, ông Lê Hồng Minh quyết định trở về Việt Nam xây dựng sự nghiệp với công việc đầu tiên là nhân viên tín dụng tại Công ty Vina Capital.

Năm 2003, ông Minh cùng một vài người bạn quyết định thành lập một quán game với một vài dịch vụ đi kèm. Năm 2004, ông Lê Hồng Minh và cộng sự thành lập nên Công ty Cổ phần Vinagame và đến năm 2009 đổi tên Vinagame thành Công ty Cổ phần VNG như hiện tại.

VNG được biết đến là một "kỳ lân công nghệ" của Việt Nam và là một trong những nhà phát hành sản phẩm công nghệ trực tuyến hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Các sản phẩm, dịch vụ của hãng có thể chia thành 4 mảng chính gồm Trò chơi trực tuyến (game), Zalo và AI (trí tuệ nhân tạo), Tài chính và Thanh toán, Chuyển đổi số. Trong đó, game và Zalo là 2 sản phẩm được biết đến rộng rãi nhất, với số lượng người dùng đông đảo hàng đầu.

Tiền thân là một công ty game nên mảng kinh doanh trò chơi trực tuyến vẫn luôn là một trong những chủ lực của VNG tới nay. Hãng cung cấp game ở 2 nền tảng chính là di động và PC, trong đó những cái tên nổi tiếng có thể kể đến như IP game Võ Lâm Truyền Kỳ, Kiếm Thế, các trò chơi thuộc chủ đề tiên hiệp, kiếm hiệp. Bên cạnh việc mua lại bản quyền và Việt hóa, phát hành tại Việt Nam, công ty cũng có đội ngũ phát triển game.

Mảng này còn có ZingPlay - cổng game giải trí đa nền tảng đầu tiên tại Việt Nam, tập hợp các các game tự phát triển bởi đội ngũ kỹ sư VNG để phục vụ khách hàng trên nhiều thị trường khác nhau.

Về hệ sinh thái Zalo bao gồm các nền tảng di động và ứng dụng phục vụ người dùng trong hoạt động hằng ngày như liên lạc (Zalo), tin tức (Bao Moi), nghe nhạc (Zing MP3), giải trí (Zing TV), tiếp thị di động (Adtima) và Trợ lý tiếng Việt (Kiki).

Zalo là ứng dụng được biết đến nhiều hơn cả, hiện đứng số 1 về thị phần ứng dụng liên lạc trực tuyến tại Việt Nam, vượt qua những "tên tuổi" ngoại như Messenger, WhatsApp (cùng thuộc Meta), Viber, Telegram... Cùng với Zalo, dịch vụ như Bao Moi (Báo Mới), Zing MP3, Zing TV đều nổi tiếng ở lĩnh vực của mình, được lòng phần đông người dùng và có thể cạnh tranh ngang ngửa với dịch vụ trực tuyến của nước ngoài.

Xem thêm

“Kỳ lân công nghệ” VNG báo lỗ gần 500 tỷ đồng trong quý 2

“Kỳ lân công nghệ” VNG báo lỗ gần 500 tỷ đồng trong quý 2

Tính từ đầu năm 2022 đến nay, VNG đã trải qua 10 quý kinh doanh. Trong đó có 9 quý thua lỗ, công ty chỉ báo lãi duy nhất tại quý 2/2023. Kết quả kinh doanh với những lần thua lỗ liên tiếp đã kéo lùi thị giá của VNZ, hiện ghi nhận ở mức 512.000 đồng/cổ phiếu...

Có thể bạn quan tâm