Góp vốn hợp tác kinh doanh, nhà đầu tư có nguy cơ mất cả "chì lẫn chài"

Rất nhiều nhà đầu tư đã cầm cố sổ đỏ, bán vàng, bán nhà đất... lấy tiền để cùng doanh nghiệp hợp tác kinh doanh. Nhưng, một thời gian sau nhà đầu tư đứng không vững, ngồi không yên vì có nguy cơ mất trắng cả tiền vốn và tiền hoa hồng...

Mới đây, Thuong Gia nhận được phản ánh của hàng chục nhà đầu tư từ nhiều địa phương khác nhau, về việc số tiền hàng tỷ đồng của họ khi góp vốn hợp tác kinh doanh vào Công ty Cổ phần Tập đoàn Ntea Việt Nam đang “nằm chết” trong tài khoản của doanh nghiệp này mà chưa có cách nào lấy lại được.

Những chiêu thức "dụ" hợp tác kinh doanh của Tập đoàn Ntea và Vũ Media

Trong quá trình thu thập thông tin về sự việc, chúng tôi được các nhà đầu tư cho biết thông qua những mối quan hệ giới thiệu, qua một vài lần tiếp xúc trực tiếp với lãnh đạo công ty cũng như tham gia các buổi gặp mặt nhà đầu tư, các hội nghị của Công ty Cổ phần Tập đoàn Ntea Việt Nam họ đã được một số thành viên trong ban lãnh đạo công ty dẫn dụ, mời chào ký hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Các nhà đầu tư đi đòi lại tiền từ Công ty Cổ phần Tập đoàn Ntea Việt Nam khi hợp đồng hợp tác kinh doanh đã hết hạn
Các nhà đầu tư đi đòi lại tiền từ Công ty Cổ phần Tập đoàn Ntea Việt Nam khi hợp đồng hợp tác kinh doanh đã hết hạn

Để dụ được “con mồi” cắn câu, Công ty Cổ phần Tập đoàn Ntea Việt Nam chỉ tư vấn cho các nhà đầu tư về những lợi ích và lợi nhuận nếu hợp tác kinh doanh, chứ không tư vấn về những rủi ro nếu có. Cụ thể, trong quá trình tiếp xúc nhà đầu tư Công ty Cổ phần Tập đoàn Ntea Việt Nam luôn luôn khoe những chương trình hợp tác của công ty với các đối tác có tầm cỡ, hay chỉ nói về việc công ty hiện đang hoạt động tốt và có định hướng phát triển nên cần huy động thêm vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh. Những động thái của Công ty Cổ phần Tập đoàn Ntea Việt Nam chỉ nhằm mục đích tạo niềm tin và lôi kéo các nhà đầu tư ký hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Sau khi được tư vấn bằng những lời có cánh, nhiều nhà đầu tư đã cầm cố sổ đỏ, bán vàng, bán nhà đất, rút sổ tiết kiệm... để lấy tiền ký kết hợp tác kinh doanh với Công ty Cổ phần Tập đoàn Ntea Việt Nam.

Theo các nhà đầu tư, nội dung của hợp đồng hợp tác kinh doanh nêu rõ: “hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất  - kinh doanh các sản phẩm từ trà hữu cơ, phân bón, máy móc thiết bị của Tập đoàn”. Trong đó, bên A (tức Công ty Cổ phần Tập đoàn Ntea Việt Nam) thực hiện hợp đồng bằng cách dùng toàn bộ cơ sở vật chất, nhân lực và vốn sẵn có của mình để phục vụ cho quá trình sản xuất - kinh doanh các sản phẩm từ trà hữu cơ, phân bón, máy móc thiết bị của Tập đoàn, còn bên B (tức nhà đầu tư) có trách nhiệm góp vốn. Về lợi nhuận, bên A cam kết bên B được hưởng 18% lợi nhuận, ngoài quyền lợi đó bên B được bên A tặng thêm bằng sản phẩm, hàng hóa là 3% tổng giá trị góp vốn.

Các nhà đầu tư khẳng định, họ - mỗi người ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Cổ phần Tập đoàn Ntea Việt Nam vào mỗi thời điểm khác nhau. Có người ký hợp đồng từ 2020, 2021, có người ký từ 2022 và có người góp 100.000.000đ, có người góp 200.000.000đ, có người góp hàng tỷ đồng. Và, ngay sau khi ký hợp đồng họ đã chuyển toàn bộ phần vốn đã cam kết góp cho công ty theo đúng thời hạn. Nghĩa là họ đã thực hiện đúng và đầy đủ các nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận.

Với những lời tư vấn như rót mật vào tai, cùng những lời hứa hẹn của ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Tập đoàn Ntea Việt Nam, khi đặt bút ký hợp đồng hợp tác kinh doanh các nhà đầu tư rất hy vọng số tiền mình bỏ ra đầu tư sẽ được sinh lời. Nhưng, sau một thời gian hợp tác đầu tư các nhà đầu tư đi từ thất vọng này đến những thất vọng khác. Một thời gian đầu, có nhà đầu tư được công ty trả % lợi nhuận rất đoàng hoàng, nhưng bên cạnh đó có những nhà đầu tư đến thời điểm này (dù hợp đồng hợp tác đã hết hạn từ lâu) không những phần lợi nhuận không thấy đâu mà toàn bộ phần vốn góp vào đầu tư cũng đang nằm "đâu đó" trong tài khoản của công ty, muốn rút ra cũng không rút được.

Mới đây, để đòi tiền của mình, nhiều nhà đầu tư đã cùng nhau kéo đến văn phòng tạm của công ty trên tầng 2 của một căn nhà có diện tích rất nhỏ trong khu đô thị Trung Văn để nói chuyện đúng – sai với ông Nguyễn Kim Cường – Tổng Giám đốc công ty. Song, sau nhiều ngày đối thoại trực tiếp với ông Cường, các nhà đầu tư “ngã ngửa” khi biết công ty đang rơi vào khó khăn, tiền không còn, nhân viên nghỉ việc vì không có tiền trả lương.

Trong một thông tin liên quan, trước đây Thuonggiaonline cũng đã phản ánh về việc lợi dụng niềm tin của nhiều nhà đầu tư ông Lê Tuấn Vũ cùng Ban Giám đốc Công ty CP truyền thông Vumedia Việt Nam (trụ sở tại tầng 6, tòa nhà CTM số 139 Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã có hành vi gian dối, lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.

Theo các nhà đầu tư, thời điểm giữa năm 2021, nhân viên Công ty CP truyền thông Vumedia Việt Nam và ông Lê Tuấn Vũ đã chào mời, kêu gọi các nhà đầu tư tham gia góp vốn đầu tư vào công ty với cam kết lợi nhuận trên 5%/tháng. Theo giới thiệu từ Giám đốc cũng như nhân viên của công ty, nhà đầu tư có thể chọn sản phẩm để đầu tư như Máy rửa tay khử khuẩn, Máy bán cafe tự động, Đệm mát-xa trên ô tô. Nếu tham gia đầu tư, doanh thu được từ việc quảng cáo và bán sản phẩm Công ty CP truyền thông Vumedia Việt Nam sẽ thanh toán lại cho các nhà đầu tư hàng tháng.

Với những lời mời chào “ngon ngọt”, cộng thêm việc thời điểm đó vì dịch Covid 19 phải ở nhà không có việc làm nên nhiều nhà đầu tư đã ký hợp đồng mua bán có kỳ hạn và ủy thác kinh doanh với Công ty CP truyền thông Vumedia Việt Nam.

Thời gian đầu Công ty CP truyền thông Vumedia Việt Nam thanh toán lợi nhuận cho nhà đầu tư đúng như cam kết trong hợp đồng. Nhưng sau đó thì công ty im bặt. Đến thời điểm này, công ty đã đóng cửa, Giám đốc công ty thì lặn không thấy "tăm hơi" đâu. Hàng trăm tỷ đồng của các nhà đầu tư trên khắp mọi miền tổ quốc đầu tư vào công ty này giờ xác định coi như mất trắng.

Các nhà đầu tư đến trụ sở tạm của Công ty Cổ phần Tập đoàn Ntea Việt Nam đòi quyền lợi
Các nhà đầu tư đến trụ sở tạm của Công ty Cổ phần Tập đoàn Ntea Việt Nam đòi quyền lợi

Quay trở lại với sự việc liên quan đến Công ty Cổ phần Tập đoàn Ntea Việt Nam, các nhà đầu tư cho biết sau khi ký hợp đồng hợp tác kinh doanh họ chỉ nhận được một bản của hợp đồng, còn những tài liệu liên quan đến sản xuất, kinh doanh công ty không cung cấp cho họ.

Hơn nữa, khi hết hạn hợp đồng công ty không thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho nhà đầu tư theo thỏa thuận đã ký kết. Không những vậy, có những thời điểm Ban lãnh đạo công ty này còn trốn tránh trách nhiệm bằng hành động không nghe điện thoại của nhà đầu tư, nhà đầu tư nhắn tin không trả lời...

Khi đã nghi ngờ và mất niềm tin với Công ty Cổ phần Tập đoàn Ntea Việt Nam, các nhà đầu tư yêu cầu Ban lãnh đạo công ty cung cấp báo cáo việc sử dụng tiền của các nhà đầu tư, báo cáo luân chuyển tiền tệ, những hợp đồng xuất khẩu sản phẩm... để các nhà đầu tư biết xem công ty có sử dụng tiền của họ vào đúng mục đích hay không, nhưng Ban lãnh đạo công ty vẫn không cung cấp.

Từ những dấu hiệu nêu trên, các nhà đầu tư đưa ra quan điểm rằng Ban lãnh đạo công ty này có dấu hiệu “lừa đảo”, chiếm đoạt vốn của họ. Họ cho rằng nếu công ty làm ăn chân chính, không có lý do gì mà không cung cấp các yêu cầu của họ.

Trong khi đó, đối với Công ty CP truyền thông Vumedia Việt Nam, vì thời điểm này công ty đã đóng cửa, Giám đốc công ty ôm hàng trăm tỷ của nhà đầu tư đi đâu chẳng ai biết thì có thể khẳng định là “chiếm đoạt tài sản” rõ ràng.

Từ những “tai nạn” trên, người dân cần làm gì?

Khi phân tích tính pháp lý của hình thức hợp tác kinh doanh, một số chuyên gia về luật cho rằng, hiện nay, nắm bắt được nhu cầu mong muốn đầu tư, kinh doanh của người dân, nhiều đối tượng đã xây dựng, biến tướng việc hợp tác đầu tư thành các chiêu trò, thủ đoạn, mánh khóe để lừa đảo tài sản. Các đối tượng lựa chọn hình thức ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư nhằm mục đích né tránh các trách nhiệm hình sự, dựa vào lý do các bên tự nguyện thỏa thuận, cùng làm ăn, đầu tư chung trên nguyên tắc lời ăn, lỗ chịu. Vì thế, khi thất thoát, thua lỗ thì cùng chịu chung cứ không thể quy trách nhiệm cho phía công ty.

Cụ thể hơn, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng Luật sư Kết Nối cho biết: "Các hành vi, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo vẫn có rất nhiều dấu hiệu hình sự rất rõ ràng. Cụ thể, thông tin về dự án hợp tác đầu tư là gian dối. Nhiều trường hợp ký kết hợp đồng nội dung không rõ ràng, không có thông tin gì về dự án như vị trí, tổng mức đầu tư, chi phí đầu tư, thời hạn triển khai và không có các giấy tờ pháp lý gì liên quan dự án. Thực tế thông tin là ảo, không có thật. Thậm chí rằng dự án đầu tư vốn rất thấp, nhưng cố tình lợi dụng để vẽ vời dự án, huy động vốn lên gấp cả trăm, nghìn lần. Các đối tượng cố tình lập lờ, không rõ ràng về thông tin dự án, hợp tác đầu tư. Chính vì thế, các đối tượng không hề có việc ghi chép, báo cáo thuế gì về hoạt động kinh doanh cả”.

Ông Nguyễn Kim Cường Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Ntea Việt Nam
Ông Nguyễn Kim Cường (đứng) Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Ntea Việt Nam

Luật sư Hùng phân tích thêm, một dấu hiệu khác là họ thường vẽ vời, cam kết lợi nhuận rất lớn. Về nguyên tắc lợi nhuận chỉ được tính khi lấy tổng doanh thu trừ đi các chi phí giá vốn, quản lý, lãi ngân hàng, chi phí vận hành. Như vậy, lợi nhuận chỉ biết được sau một chu kỳ kinh doanh (có thể tính theo năm tài chính hoặc một chu kỳ vận hành của dự án). Từ cơ sở này có thể khẳng định rằng các bên cam kết về lợi nhuận tối thiểu, cam kết về lãi suất đều không có căn cứ, gian dối, không có cơ sở thực hiện. Thậm chí nhiều đối tượng cam kết lợi nhuận không tưởng từ 20-30% hoặc có những trường hợp lên đến 50-70%/năm. Đây là những chiêu trò khá phổ biến để các đối tượng khiến cho người dân tin tưởng, nhằm mục đích lôi kéo người dân ký kết hợp đồng. Các cam kết này chỉ là "hứa hẹn" không hề có bất cứ biện pháp đảm bảo thực hiện như thế chấp tài sản, bảo lãnh ngân hàng.

Vẫn theo Luật sư Hùng, một chiêu trò nữa là nộp tiền vào tài khoản cá nhân của các cổ đông/người đại diện của công ty hoặc nộp bằng tiền mặt (ghi nhận bằng phiếu thu tiền). Với hình thức này thì thực tế tiền không được đưa vào các tài khoản ngân hàng công ty. Các đối tượng dễ dàng sử dụng, chuyển tiền và sử dụng trái mục đích. Vì vậy, nhiều vụ vỡ lở chúng ta thấy số tiền thiệt hại lên đến cả trăm, nghìn tỉ đồng.

Thêm nữa, với những dự án lừa đảo thường không có bộ máy kiểm soát, vận hành liên quan dự án. Vì thế không có bất cứ thông tin gì về việc triển khai hoạt động kinh doanh của công ty. Những người góp vốn mù tịt thông tin, thậm chí không biết gì về hoạt động kinh doanh thực tế. Một dấu hiệu khác là không có sổ sách, kế toán, ghi chép gì về việc kinh doanh, đầu tư, nguồn tiền, chi phí... hoặc ghi chép không rõ ràng, không theo luật kế toán. Vì thế, không biết nguồn tiền thu được chi phí mục đích gì, Luật sư Hùng nói.

Đặc biệt, theo Luật sư Hùng, còn có tình trạng sử dụng sai mục đích dòng tiền thu được; chủ yếu dùng trả nợ, trả lãi cho người trước, sử dụng vào tiêu dùng cá nhân dẫn đến thất thoát, mất khả năng thanh khoản, không còn khả năng trả nợ. Với các dấu hiệu như trên, rõ ràng vẫn có đủ căn cứ chứng minh các dấu hiệu "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" bằng các hình thức hợp đồng góp vốn, hợp tác đầu tư.

Từ những phân tích của các chuyên gia pháp lý, cùng những “tai nạn” từ thực tế của các nhà đầu tư như đã nêu ở trên, người dân nên lấy đó là bài học cho chính mình.

Và để mình không rơi vào "bẫy", người dân cần phải hiểu biết cơ bản về lĩnh vực kinh doanh đầu tư mà mình góp vốn; tìm hiểu về dự án đầu tư đã được cấp phép chưa; nghiên cứu kỹ tính pháp lý hợp đồng góp vốn, nhất là quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên liên quan; cần đọc và cân nhắn thật kỹ trước khi ký kết hợp đồng góp vốn, tránh ký kết những điều khoản bất lợi như giao toàn quyền kinh doanh, quản lý vốn cho đối tác.

Khi không tự tin để tự mình giao kết nhất thiết phải tham khảo ý kiến người có kiến thức chuyên môn hỗ trợ. Nếu hoài nghi về hiệu quả của việc góp vốn nhiều rủi ro và đó là đầu tư kinh doanh mạo hiểm thì dứt khoát từ chối góp vốn, tránh ký hợp đồng với những điều khoản bất lợi.

Có thể bạn quan tâm