Go-Viet vừa ra mắt sản phẩm dịch vụ đầu tiên là Go-Bike (dịch vụ gọi xe ôm công nghệ tương tự GrabBike của Grab) vỏn vẹn 3 tháng tại TP.HCM và 5 tháng trước Hà Nội. Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn, hãng xe ôm công nghệ này đã tạo được tiếng vang lớn, lôi kéo lượng tài xế và khách hàng không hề nhỏ.
Về con số cụ thể, đại diện Go-Jek cho hay: "Chỉ sau 6 tuần ra mắt tại TP.HCM, Go-Viet đã có 1,5 triệu lượt tải. Hiện nay cũng đã đạt 35% thị phần tại TP.HCM sau 2 tháng đi vào hoạt động".
Đặc biệt, chương trình khuyến mãi “khủng” như ưu đãi đồng giá 10.000 đồng cho những chuyến xe dưới 6km, đã đánh trúng tâm lý khách hàng nhất là trong thời điểm nhiều khách hàng đã có những phản ứng tiêu cực đối với dịch vụ của Grab như: Thái độ phục vụ đi xuống, cước đắt hơn, ít khuyến mãi…
Không chỉ với khách hàng mà ngay cả tài xế cũng chán nản với phí dịch vụ tăng phi mã của Grab, không ít tài xế trong số đó đã chuyển sang đăng ký làm đối tác cho Go-Viet.
Có thể khẳng định, Go-Viet đã nhảy vào đúng thời điểm kéo về lượng khách hàng cũng như tài xế lớn (đa phần là tài xế Grab chuyển sang) đã phả sức nóng vào ông lớn Grab, bắt buộc gã xe ôm công nghệ này phải có động thái cần thiết nếu không muốn mất vị thế “độc tôn”.
Và hành động cụ thể, Grab đã ra chương trình khuyến mại đồng giá 2.000 đồng cho 9 trường Đại học bắt đầu từ 13/11, nhằm cạnh tranh với Go-Viet cũng như các hãng xe khác.
Chương trình khuyến mại trên nắm bắt được nhu cầu đi lại bằng xe hai bánh của sinh viên, và số đông thường di chuyển bằng xe bus và xe ôm. Ưu đãi áp dụng từ 13/11 đến 20/11 cho các dịch vụ GrabBike có điểm đón hoặc điểm đến là 9 trường đại học tại TP HCM và Hà Nội.
Đây là một chương trình ưu đãi có phần "khôn ngoan" của Grab khi đánh vào một bộ phận khách hàng rất lớn đang sử dụng chương trình đồng giá 10.000 đồng cho những chuyến xe dưới 6 km của đối thủ cạnh tranh trực tiếp đó là Go-Viet.
Tung ra mức giá chưa bằng một cốc trà đá và không giới hạn km là một động thái có phần “phá giá” thị trường của Grab, xét mặt tổng quan thì chương trình ưu đãi này sẽ đè bẹp chương trình đồng giá 10.000 đồng cho những chuyến xe dưới 6km của Go-Viet.
Đây không phải chiêu bài mới của GrabBike khi trước đó nhằm cạnh tranh với Uber, GrabBike đã tung ra hàng loạt khuyến mại khủng lôi tài xế lẫn khách hàng dần bóp nghẹt rồi đánh bật Uber không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn Đông Nam Á. Và rồi sau đó, khi Uber rời khỏi, chính tài xế và khách hàng đã phải nếm trải mùi vị không hề dễ chịu khi phải sử dụng dịch vụ độc quyền.
Nếu Go-Viet có thể bám trụ và phát triển người tiêu dùng mới mong được lợi, còn trong trường hợp Go-Viet phải rút khỏi Việt Nam hay “bán mình” như Uber thì bài học lịch sử cho khách hàng và chính tài xế là đã quá rõ ràng.