Chúng ta chỉ là du khách mãi thôi! Đường lên Tây Bắc xa xôi mà in trong tâm trí bao người yêu phong cảnh thiên nhiên và đặc biệt là phong cảnh Tây Bắc rồi ta tìm về mỗi mùa xuân...
Sống nương vào thiên nhiên, đất trời ưu đãi nhưng vẻ đẹp Tây Bắc và ấm no của đồng bào dựa trên sức người là chủ yếu.
Dưới xuôi có câu: "Tháng giêng là tháng ăn chơi, tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè" thì ta thấy xuân miền xuôi sao mà linh đình, rộn rã nghe như có trống dong cờ mở. Ở nơi đây sau Tết người Mông và lễ hội của các dân tộc trước dưới xuôi cỡ một tháng thì là dịp thời tiết thuận hòa cho vụ ngô xuân.
Mưa xuân và mây mù bao phủ núi đồi làng bản, tiết xuân Tây Bắc trên nương không có sự rực rỡ hoa đào, mận mơ như ở bản. Theo bà con lên nương mới thấy thực sự yêu những con người nơi đây - Những con người làm nên mùa xuân Tây Bắc. Trùm phóng sự ảnh LÊN NƯƠNG NGÔ, NƯƠNG RAU với bà con của Tạp chí Thương Gia chia sẻ những hình ảnh đời thường ngoài nương.
Sau vụ rau cải suốt đông thì đến ruộng cải để giống ra hoa vàng rực núi đồi nương bản. Bây giờ bà con còn trồng Tam Giác Mạch, chỗ cho đẹp cảnh quan thu tiền từ khách du lịch, chỗ lấy hạt làm bánh, lấy thân cho gia súc và làm phân xanh thì đến mùa đất nghỉ cho vụ ngô xuân và phơi hạt cải.
Ở Lao Xa - Phố Cáo - Sủng Là tận Đồng Văn và hàng trăm bản nhỏ hẻo lánh, heo hút khác giờ đây thường cày bằng bò và đôi khi có máy cày cầm tay nhỏ (khá hiếm) và rất nhiều nương bà con cuốc tay lật đất cũng vì một phần nương nằm trong các khe đá, khó cày máy, cày bò.
Khắp các nương ngô sau mưa xuân đất mềm đã được cày cuốc xới lên thành hàng, thành luống rất đều đẹp là đến việc chở phân ra nương bằng mọi phương tiện rồi đến đầu bờ thì đổ xuống và xúc vào gùi. Những cô bé cậu bé rất nhỏ, chưa cả đến tuổi teen đã cùng cha mẹ, ông bà gùi phân, dải phân ra nương. Cảnh cả nhà lên nương thật nhịp nhàng! Sau lưỡi cày lật hay lưỡi cuốc xẻ rãnh là một người theo sau bốc phân bỏ xuống rãnh cày.
Nắm phân chồng cỡ bằng quả bưởi, tơi xốp và được ủ hoai hoàn toàn màu nâu đen nằm đều trên rãnh luống ngô. Người trỉa hạt thường là những bà mế già, công việc có lẽ nhẹ nhất mà lại cần kinh nghiệm nhất!
Mỗi hố phân chừng 5-7 hạt. Bao đời nay ngô vẫn là nguồn lương thực chính của bà con vùng cao và để chăn nuôi gia súc, nấu rượu, làm bánh…. Không như nương lúa phải đợi sau cả tháng có nước nguồn tích tụ sau mưa mù mùa xuân – mùa nước đổ - nương ngô sau giao hạt thì mưa xuân nuôi dưỡng, khí trời mù sương cấp ẩm hàng ngày. Sống nương vào thiên nhiên bao đời nay vẫn vậy!
Nghe không vất vả mấy nhưng mà bà con việc luôn tay từ sang tới chiều, dạy sớm cơm nước cho cả ngày nếu nương ở xa, mang theo đồ ăn và nhiều hơn hết là băm rau, nấu cám lợn, cho lợn gà, bò trâu… gia súc ăn. Rảnh tay lên núi kiếm củi, kiếm rau cho bò, ra nương lấy rau cho lợn…cuộc sống xoay vần với những đứa trẻ trên lưng và bám gấu váy mẹ mọi nẻo đường.
Cuộc sống của đồng bào đã khá lên, đỡ vất vả hơn nhiều nhờ có điện, đường, trường, trạm, TV, điện thoại, internet… và phương tiện đi lại bằng xe máy, xe đạp nhưng cách cấy trồng và nương vào thiên nhiên thì vẫn vậy.
Trong phóng sự này, Thương Gia một lần nữa giới thiệu về vẻ đẹp phong cảnh, bản làng Tây Bắc mùa xuân và những câu chuyện nhỏ đáng yêu từ miền đất xinh đẹp, giàu tiềm năng du lịch của đất nước, những đổi thay và được mất của đổi mới và phát triển...
Bài và ảnh: Nguyễn Thúy Vân