Hà Nội chấp thuận đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ

Mới đây, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội về đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố.
Hà Nội chấp thuận đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ

Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đồng ý về chủ trương đối với nội dung đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội theo đề xuất của Ban Cán sự đảng UBND thành phố.

Ban Cán sự đảng UBND thành phố có nhiệm vụ chỉ đạo rà soát lại kết cấu bảo đảm sự phù hợp giữa tên gọi và nội dung trong từng chương cũng như tính thống nhất, đồng bộ, logic với quy định của Luật Nhà ở, Nghị định số 69/2001/NĐ-CP ngày 15/72021 của Chính phủ để hoàn thiện báo cáo, dự thảo đề án trình kỳ họp thứ hai, HĐND thành phố khóa XVI xem xét, quyết nghị theo quy định.

Nghị quyết cũng lưu ý cần đẩy nhanh tiến độ rà soát, kiểm định, đánh giá toàn diện hiện trạng các khu chung cư cũ trên địa bàn thành phố, đặc biệt là các khu chung cư cũ đã xuống cấp, quá niên hạn sử dụng.

Việc này nhằm bảo đảm các số liệu được nêu trong đề án có tính chính xác, phản ánh đúng thực tế chất lượng của các khu chung cư cũ, đồng thời để làm cơ sở tổng hợp đầy đủ các chung cư cũ vào trong các kế hoạch triển khai cụ thể.

Nghị quyết 06 cũng nêu rõ: "Xây dựng lộ trình, kế hoạch triển khai cụ thể để tổ chức thực hiện đề án bảo đảm khoa học, hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tiễn, nhất là đối với 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: rà soát, khảo sát, kiểm định chung cư cũ; lập quy hoạch chi tiết chung cư cũ; triển khai cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố.

Đặc biệt, cần quan tâm nghiên cứu giải quyết tháo gỡ vướng mắc về quy hoạch; các chính sách về giải phóng mặt bằng, bố trí nhà tạm cư (hoặc nhà ở tạm thời) và bồi thường, hỗ trợ tái định cư, nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người dân".

Bên cạnh đó, Ban Cán sự đảng UBND thành phố phải tập trung huy động nguồn lực xây dựng lại các khu chung cư cũ có nhà nguy hiểm cấp D trên địa bàn thành phố và một số khu chung cư được lựa chọn triển khai ban đầu có tính khả thi như: Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân... để đẩy mạnh chỉnh trang đô thị, tạo tác động lan tỏa trong toàn thành phố.

Ngoài ra, Ban Cán sự đảng UBND thành phố cũng phải có phương án, kế hoạch cụ thể đối với việc thực hiện cải tạo, xây dựng lại khu chung cư cũ Nguyễn Công Trứ hiện thực hiện dở dang theo chủ trương thí điểm trước đây.

Đồng thời, nghiên cứu, bổ sung giải pháp rút ngắn thời gian thực hiện các quy trình, thủ tục hành chính đối với các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, cá thể hóa trách nhiệm gắn với kiểm tra, giám sát.

Được biết, theo thống kê của Hà Nội, đến năm 2020, thành phố có khoảng 1.579 chung cư cũ; 401 chung cư được kiểm định, trong đó 8 nhà chung cư cũ nguy hiểm cấp độ D (đã xây dựng lại được 2 nhà là C1 Thành Công và D6 Giảng Võ).

Hà Nội dự kiến bố trí vốn ngân sách khoảng 500 tỷ đồng trong giai đoạn 2021 - 2025 để thực hiện tổng kiểm tra, rà soát, kiểm định, đánh giá chất lượng toàn bộ các chung cư cũ.

Đối với các chung cư cũ đã có kết quả kiểm định, sẽ lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, dự án đầu tư ngay trong giai đoạn 2021 - 2025.

Có thể bạn quan tâm