Bộ KH&ĐT và các bộ ngành liên quan vừa thẩm định xong báo cáo tiền khả thi dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 của UBND TP Hà Nội. Bộ tán thành với mục tiêu xây dựng công trình nhằm hoàn thiện toàn bộ đường vành đai 2 và tăng cường kết nối 2 bên bờ sông Hồng, tạo tiền đề hình thành chuỗi đô thị phía bắc Hà Nội.
Như vậy, Hà Nội sẽ chính thức chi hơn 2.500 tỷ đồng thi công cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2. Việc lựa chọn nhà thầu sẽ được thực hiện trong thời gian tới để dự án kịp hoàn thành vào cuối năm 2022.
Dự án được đầu tư toàn bộ bằng vốn ngân sách thành phố với tổng mức đầu tư 2.561 tỷ đồng, trong đó dự kiến bắt đầu cấp vốn từ năm 2020 với khoảng 300 tỷ đồng. Hơn 2.200 tỷ còn lại sẽ được lấy từ nguồn tăng thu kết dư ngân sách giai đoạn 2016-2020 hoặc từ nguồn vay ngân quỹ nhàn rỗi, phát hành trái phiếu nếu cần thiết.
Cầu Vĩnh Tuy mới rộng 38m, dài 5,8km. Trong đó phần vượt sông dài 3,7km, đường dẫn hai đầu 1,68km, tuy nhiên, do thiếu vốn nên năm 2009 Hà Nội mới khánh thành giai đoạn 1 với mặt cầu rộng 19m với kinh phí gần 3.600 tỉ đồng. Như vậy, việc xây dựng cầu mới chỉ là hoàn thiện cầu Vĩnh Tuy theo đúng thiết kế quy hoạch trước đó.
Cầu Vĩnh Tuy là cây cầu huyết mạch nằm trên trục vành đai 2, nối trung tâm thủ đô với quận Long Biên, huyện Gia Lâm và QL5 đi các tỉnh phía Bắc nên việc tổ chức giao thông rất được quan tâm.
Theo đề xuất, cầu Vĩnh Tuy mới sẽ đảm nhiệm chiều đường từ bờ nam (quận Hai Bà Trưng) sang bờ bắc (quận Long Biên) với 4 làn xe, gồm 2 làn xe cơ giới, 1 làn xe buýt, một làn hỗn hợp và dải đi bộ. Như vậy, toàn bộ phần cầu cũ sẽ chuyển thành đường 1 chiều từ Long Biên vào trung tâm thành phố.
UBND TP Hà Nội cho biết 2 bên bờ sông đều có sẵn phần đường dẫn nối lên cầu (xây chờ từ giai đoạn 1) nên dự án không cần giải phóng mặt bằng.