Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết căn cứ vào định hướng Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị và từ thực tiễn tổng kết thi hành Luật Thủ đô, TP Hà Nội đề xuất việc sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô. Việc này nhằm giải quyết những hạn chế, bất cập, tháo gỡ các điểm nghẽn đưa Thủ đô phát triển hiện đại, văn minh và năng động hơn…
Theo đó, Hà Nội đề xuất chín nhóm chính sách lớn gồm: Tổ chức chính quyền theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thu hút, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao; nâng cao năng lực tài chính - ngân sách và huy động nguồn lực cho phát triển.
Tập trung phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông; xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; tập trung phát triển văn hóa và giáo dục; huy động, sử dụng, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Phát triển hệ thống y tế hiện đại và hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bao trùm và bền vững; liên kết, phát triển vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế - xã hội, xanh, văn minh, năng động, trở thành khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước.
Theo ông Sơn, một trong những định hướng lớn trong xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) của TP là xây dựng một bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu quả.
“Thành phố sẽ đẩy mạnh phân quyền, phân cấp tạo sự chủ động, sáng tạo, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cấp. Đồng thời có cơ chế kiểm soát quyền lực, thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình”, ông Sơn nói.
Hà Nội cũng đề xuất lựa chọn các cơ chế, chính sách mới, có tính chất đặc thù, vượt trội, phù hợp với điều kiện của thành phố… nhằm hướng tới xây dựng Thủ đô phát triển nhanh và bền vững, trở thành động lực phát triển của Vùng Thủ đô và cả nước.
9 nhóm chính sách lớn mà Hà Nội đề xuất trong xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ là động lực cho Hà Nội phát triển trong giai đoạn 10 năm tới.