Tổng số vốn đầu tư dự án lên đến hơn 1.700 tỷ đồng với thời gian hoạt động 50 năm; dự kiến hoàn thành vào quý IV/2020.
Diện tích của bãi đỗ xe ngầm kết hợp dịch vụ thương mại trong Công viên Thủ Lệ là hơn 16.100 m2; Diện tích xây dựng có chức năng dịch vụ phụ trợ kết nối không gian ngầm và mặt bằng cảnh quan trên mặt bằng khoảng 638 m2; Diện tích bãi đỗ xe chuyên dụng của vườn thú trên mặt bằng khoảng hơn 2.000 m2. Tổng diện tích xây dựng phần ngầm khoảng hơn 72.000 m2 với 5 tầng hầm và tầng kỹ thuật.
Sau khi xây dựng xong, Công ty TNHH Nhà nước MTV vườn thú Hà Nội được sử dụng chung diện tích đất trên bề mặt cùng với CTCP đầu tư HimLamBC.
Theo UBND TP. Hà Nội, việc đầu tư xây dựng mới bãi đỗ xe ngầm kết hợp dịch vụ thương mại trong Công viên Thủ Lệ với công nghệ hiện đại, đồng bộ nhằm đáp ứng nhu cầu về bãi đỗ xe ngày càng gia tăng; góp phần giảm tải cho hệ thống hạ tầng giao thông của Thủ đô.
Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, hiện nay, thành phố có gần 6,5 triệu phương tiện các loại, chưa kể các loại xe chuyên dùng và lượng xe ở ngoại tỉnh đổ về Hà Nội.
Trong khi đó, diện tích đất dành cho giao thông tĩnh và các điểm, bãi đỗ xe công cộng mới chỉ đáp ứng được khoảng 8 - 10% nhu cầu đỗ xe của tổng số phương tiện hiện có. Còn lại khoảng 90 - 92% số phương tiện có nhu cầu đỗ hiện nay đang đỗ tại các điểm đỗ xe của chung cư, khu đô thị, sân cơ quan, công sở, lòng đường, vỉa hè, ngõ cụt, sân trường, bệnh viện, các khu đất trống của các dự án...
Tại các quận nội thành Hà Nội có khoảng 590 điểm đỗ xe, bãi đỗ xe tập trung với diện tích khoảng 37,88ha; Cùng đó, hiện cũng có khoảng 562 điểm trông giữ xe trên hè phố, lòng đường với tổng diện tích khoảng 17,06ha.
Theo chủ trương của TP. Hà Nội, doanh nghiệp tham gia sẽ được xem xét cho phép bán một số chỗ đỗ xe ngầm sau khi đầu tư xong; ưu đãi về vay vốn, tiếp cận nguồn vốn; ưu đãi về thuê đất, giao đất; ưu đãi trong việc sử dụng, áp dụng các công nghệ khoa học hiện đại tiên tiến cho dự án..
Cơ chế thông thoáng, tuy nhiên, trong 10 năm qua, Hà Nội triển khai 7 dự án bãi đỗ xe ngầm tại các địa điểm gồm Công viên Thống nhất (295 Lê Duẩn), Khu thể thao Quần Ngựa, Công viên Thủ Lệ, Cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô, quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội, quảng trường Ngân hàng Nhà nước, Công viên Tuổi trẻ nhưng tất cả đều đắp chiếu, trở thành bãi đất hoang, hoặc chỉ nằm trên giấy.
Việc tiếp tục triển khai xây dựng bãi đỗ xe ngầm trong khi các dự án cũ đang chết yểu không tạo được niềm tin trong quần chúng nhân dân.
>>Doanh nghiệp đề xuất xén đất Công viên Cầu Giấy để kinh doanh dịch vụ