Hà Nội kỷ niệm 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính

Sáng nay 28/7, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Hà Nội long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội khóa XII về điều chỉnh địa giới hành chí
Hà Nội kỷ niệm 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trần Đại Quang; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải... cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo đại diện các thành phố trực thuộc Trung ương, các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng Thủ đô đã đến dự lễ kỷ niệm.

Lễ kỷ niệm còn có sự tham dự của đại diện cán bộ lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Công dân Thủ đô ưu tú; đại diện các đoàn thể chính trị-xã hội, các sở, ban, ngành của TP.Hà Nội... với tổng số đại biểu dự lễ kỷ niệm khoảng 2.500 người.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ kỷ niệm 10 năm mở rộng Hà Nội

Mở đầu diễn văn khai mạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải thay mặt Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hà Nội, nhiệt liệt chào mừng đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Uỷ ban MTTQ Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh và thành phố; các bậc lão thành cách mạng, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động; toàn thể các quý vị khách quý trong nước và quốc tế; toàn thể quân và nhân dân Thủ đô.

Bí thư Thành uỷ Hoàng Trung Hải nêu rõ: Theo chính sử nước ta, năm 1010, Vua Lý Thái Tổ quyết định dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Đại La, đổi tên kinh thành là Thăng Long, thể hiện mong muốn kinh thành của đất nước ta ngày càng mở rộng, phát triển như thế rồng bay. Do có nhiều lợi thế về: địa chính trị, địa kinh tế và địa phòng thủ nên kinh thành Thăng Long đã được nhiều triều đại nối tiếp nhau xây dựng và phát triển. Nhờ vậy, dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử nhưng cùng với sự phát triển đi lên của dân tộc Việt Nam, Thăng Long - Hà Nội đã không ngừng lớn mạnh cả về quy mô và vị thế. 

Sau lễ Tuyên ngôn độc lập (2-9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn và được Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa quyết định thành phố Hà Nội là Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong nhiều năm qua, trên con đường phát triển của mình, Thủ đô Hà Nội đã tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ to lớn của Trung ương Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; các ban, bộ ngành Trung ương, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. 

“Một trong những dấu ấn thể hiện sự chăm lo đặc biệt của Trung ương và cả nước cho sự nghiệp phát triển Thủ đô trong thời kỳ đổi mới là ngày 28-1-2008, Trung ương đã có Kết luận số 19 và sau đó ngày 29-5-2008 Quốc hội khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 15 “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan”. Nghị quyết có hiệu lực chính thức từ ngày 1-8-2008. Tính đến nay, Đảng bộ, Chính quyền, quân và các tầng lớp nhân dân Thủ đô đã thực hiện Nghị quyết trên được tròn 10 năm”, Bí thư Thành uỷ Hà Nội nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải khẳng định, việc Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm sự kiện lịch sử trọng đại này là một dịp quan trọng không chỉ để cả hệ thống chính trị của Thành phố cùng nhau nghiêm túc tổng kết toàn diện, sâu sắc những thành tựu to lớn mà nhờ sự nỗ lực, cống hiến không mệt mỏi của các thế hệ nhân dân Thủ đô đã đạt được trên mọi mặt, khẳng định tính đúng đắn, giá trị lịch sử to lớn của các quyết sách chiến lược nói trên của Trung ương mà còn là cơ hội đánh giá cả những hạn chế, tồn tại, các nguyên nhân, các bài học kinh nghiệm cần rút ra trên chặng đường 10 năm qua, để từ đó có giải pháp khắc phục, hướng tới tương lai xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp - văn minh - hiện đại.

Trong diễn văn kỷ niệm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định: Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, diện mạo Thủ đô bước đầu có nhiều thay đổi mạnh mẽ, Thành phố đã đạt được những kết quả đáng tự hào, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước. 

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu trong lễ kỷ niệm

Kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng nhanh, đạt trung bình 7,41%/năm, là một trong hai đầu tàu kinh tế của cả nước. Quy mô GRDP năm 2017 gấp 1,9 lần so với năm 2008. Thu nhập bình quân đầu người tăng lên, năm 2017 đạt 3.910 USD/người, gấp 2,3 lần so với năm 2008. Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch được đầu tư phát triển mạnh mẽ. Lượng khách du lịch tăng trưởng 12%/năm. Khách quốc tế từ 1,3 triệu lượt năm 2008 tăng lên 4,95 triệu lượt năm 2017 (tăng gần 4 lần).

Môi trường đầu tư, kinh doanh từng bước được cải thiện. Niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước được nâng lên. Hà Nội được xếp trong top 10 thành phố năng động nhất thế giới.

Đồng chí Bùi Duy Nhâm - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tây, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội nhớ lại thời điểm cách đây 10 năm với nhiều khó khăn cùng với những băn khoăn, trăn trở khi Đảng bộ, chính quyền Thủ đô Hà Nội đón nhận, thực hiện nhiệm vụ trọng đại mà Đảng và Quốc hội giao cho với khối lượng công việc sau hợp nhất rất lớn, trong đó có những việc rất khó khăn và chưa có tiền lệ.

Diện tích Hà Nội mở rộng gấp hơn 3 lần, dân số gấp gần 2 lần. Cơ chế chính sách của các địa phương không đồng nhất. Tỷ trọng nông nghiệp còn lớn; kinh tế - xã hội và đời sống của một bộ phận nhân dân vùng xa trung tâm, vùng miền núi còn khó khăn; thu nhập bình quân đầu người thấp... Thành phố còn gặp tác động khách quan như: Trận úng lụt trên diện rộng năm 2008; suy giảm kinh tế toàn cầu bắt đầu từ năm 2008 ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu và đầu tư; dân số cơ học tăng nhanh, hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu, chưa đồng bộ, nguồn lực đầu tư hạn hẹp… 

Với trách nhiệm của những người đứng đầu Thành phố lúc bấy giờ, tập thể lãnh đạo đã xác định đây là nhiệm vụ rất quan trọng nhưng rất vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội được Đảng, Nhà nước, Quốc hội giao cho. Các lãnh đạo thành phố đã gạt bỏ những băn khoăn, cùng nhau quyết tâm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội với phương châm "Đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm", tất cả vì công việc chung, vì sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô. 

Đồng chí Bùi Duy Nhâm - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tây, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội phát biểu tại Lễ kỷ niệm.

Ngay trong năm đầu tiên, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Hà Nội đã hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn, nhất là việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy và cán bộ trong hệ thống chính trị, bảo đảm bộ máy mới của thành phố Hà Nội được vận hành thông suốt, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo và quản lý xã hội, phục vụ người dân trên địa bàn.

Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Bùi Duy Nhâm đánh giá, 10 năm qua là khoảng thời gian không dài nhưng Thủ đô Hà Nội đã có sự phát triển vượt bậc cả về quy mô lẫn chất lượng, diện mạo, tầm vóc, vị thế được nâng cao. Hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở được củng cố, kiện toàn; hạ tầng đô thị, giao thông từng bước được đầu tư xây dựng và nâng cấp hiện đại; kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng; đời sống nhân dân từng bước được cải thiện… 

Theo đồng chí Bùi Duy Nhâm, tuy vẫn còn một số hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện, nhưng có thể khẳng định sau 10 năm hợp nhất, Thủ đô Hà Nội đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, tạo sự chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội, góp phần rất quan trọng vào thành tựu chung của vùng và cả nước. Điều đó khẳng định tính đúng đắn, giá trị lịch sử, ý nghĩa thực tiễn lâu dài của chủ trương mở rộng địa giới hành chính đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô, đồng thời khẳng định mạnh mẽ những nỗ lực vượt bậc, tinh thần đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm, chủ động, sáng tạo của Đảng bộ, Chính quyền, sự nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhân dân trong quá trình xây dựng và phát triển của Thủ đô. 

Có thể bạn quan tâm