Hải Dương nhìn từ tâm dịch (Phần III): Trông chờ cháy bỏng giải toả hàng

Hải Dương liên tục có các ca mắc mới, liên tục tìm thấy ổ dịch trong ổ dịch. Và Hải Dương vẫn tiếp tục phải đối mặt với những diễn biến khó lường của đại dịch...

Ngày thứ tám trong vòng giãn cách.

Chúng tôi biết rằng, khả năng lớn, thời gian giãn cách Hải Dương sẽ kéo dài thêm. Tất cả mọi tình huống, mọi khả năng đều đã được chúng tôi tính đến. Kể cả việc làm thế nào để phiếu đi chợ phát cho từng hộ gia đình không cần phải sử dụng.

Không chỉ là muốn giữ làm kỉ niệm cái dấu ấn thời bao cấp (phiếu đem đi, vào chợ, phải nộp lại chứ không được cầm về) mà là vì tính đến khả năng chắt chiu những đồng tiền cuối cùng, không thể tiêu bừa vào những gì không cần thiết. Tất cả thực phẩm còn lại sau tết phải sử dụng dè sẻn, sử dụng cho đến hết, không thể thấy thích thì ăn, không thích bỏ như những ngày đồng đất còn bình yên.

Bữa ăn trở về với những gì bạn bè tôi nhanh tay cứu trợ từ trước tết. Mắm ruốc, cá khô, lạc, và nước mắm. Chỉ có rau củ là nhiều. Rau củ cứ ngợp lên bốn bề. Trong sân mỗi nhà, trên cả bàn làm việc, trong sân chùa, ở các chốt trạm kiểm soát, trên bờ ruộng, và trên khắp cánh đồng. 

Thông thương lên đầu cầu Hà Nội đã nhúc nhắc, đã có nhiều chuyến xe đi. Nhưng, như tôi đã nói, nông sản Hải Dương phần lớn là xuất khẩu. Vậy ùn ứ là điều tất yếu sẽ xảy ra. Mỗi một ngày qua trong vòng giãn cách, người Hải Dương thêm một đau lòng.

Người nhịn đói vài ngày không chết nhưng bao nhiêu trang trại gà, vịt, lợn… bỏ đói vài ngày thì sẽ không đủ đất chôn. Người nuôi không còn tiền mua cám. Cám không có đường vào. Ở trong không có đường ra. Thử hỏi người Hải Dương nào yên lòng không khi bao nhiêu đồng bào mình đang khóc vì tài sản (phần lớn vay mượn ngân hàng) và công sức, mồ hôi nước mắt hàng năm trời giờ tan vào với đất, với gió trời?

Có bạn nói qua hoạn nạn mới thấy dân Hải Dương đoàn kết, rất mực yêu thương nhau và đồng lòng ủng hộ lãnh đạo của mình. Bạn nói đúng, “Hải Dương – quê hương anh dũng kiên cường. Quê hương của đường Năm chiến đấu và dựng xây… đang kiên cường đánh giặc.

Và muốn thắng, tất nhiên phải đồng lòng. Nhưng chúng tôi muốn nói lời từ gan ruột: Chưa có nghiên cứu nào khẳng định Covid-19 lây từ hàng hóa, rau củ quả, lương thực… (có nghĩa là vật trung gian) sang người. Vậy nếu làm tốt quá trình khử khuẩn ở đầu ra và đầu nhận, nếu lái xe luân phiên chuyển giao các đầu cầu thì Hải Dương mong các cấp chính quyền cho đường thông thương nông sản rộng hơn nữa.

Giải cứu nông sản phải có thời điểm. Chỉ quá một vài ngày thì có muốn, chúng tôi cũng không thể chuyển hàng đi vì tất cả đã quá lứa hết rồi!

Ngày thứ tám trong vòng giãn cách. Rất nhiều người vẫn đang gọi tôi, nói họ cần bán đủ thứ. Từ rau, quả, trứng, gà… Tôi thấy mình lực bất tòng tâm!

Hiện, tại xã Gia Lương, Gia Lộc vẫn còn khoảng 200 tấn gà lai chọi, giá 60k/1kg (sản phẩm OCOP) và hơn 200 tấn bắp cải cần tiêu thụ. Có lẽ Hải Dương đang cần nhiều hơn những sự giúp đỡ vào ngay thời điểm này.

Thông tin liên hệ:

Ông Giỏi (GĐ): 038 2777511

Ông Thịnh PGĐ: 038 7170570

Ông Thai GĐ HTX gà: 098 2925143

Cần cấp thủ tục ra vào các chốt của huyện liên hệ Chiến trưởng CAX: 091 2481102.

Liên hệ trực tiếp người bán: Tân 098 6257739

Nhà văn Nguyễn Hải Yến

Gửi từ tâm dịch Hải Dương

Xem thêm

Hải Dương nhìn từ tâm dịch

Hải Dương nhìn từ tâm dịch

Đến tận bây giờ, chúng tôi - những người dân sống giữa tâm dịch vẫn khẳng định rằng, chính quyền và người dân Hải Dương đã tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp chống dịch của Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo Trung ương. Đó sự chỉ đạo thống nhất từ trên xuống dưới!
Hải Dương không cô đơn!

Hải Dương không cô đơn!

4.087 ha rau vụ Đông, 55.902 tấn hành, 26.766 tấn cà rốt, rồi bắp cải, su hào, súp lơ, rau ăn lá các loại. Tổng cộng đến cả trăm ngàn tấn. Thế mà bị ồn ứ, không tiêu thụ được bởi Hải Dương đang là tâm dịch.

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...