Da giày Việt Nam "thăng hoa", xuất khẩu trên 26 tỷ USD trong năm 2024

Tận dụng tốt các chính sách thương mại tự do và sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành da giày…

Ngành da giày ghi nhận tốc độ tăng trưởng khả quan trong năm 2024
Ngành da giày ghi nhận tốc độ tăng trưởng khả quan trong năm 2024

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho hay, năm 2024, xuất khẩu của ngành da giày đạt trên 26 tỷ USD, tăng trưởng khoảng 10% so với năm 2023.

Đồng thời, trong chuỗi cung ứng da giày thị trường thế giới, Việt Nam đang đứng thứ 3 về sản xuất với 1,4 tỷ đôi/năm, sau Trung Quốc và Ấn Độ; đứng thứ 2 về xuất khẩu với 1,3 tỷ đôi/năm, chỉ sau Trung Quốc.

Năm 2024 được đánh giá là khoảng thời gian các doanh nghiệp da giày gặp nhiều khó khăn như đơn giá thấp, thậm chí bị ép giảm giá. Các đơn hàng đều đang có xu hướng yêu cầu chất lượng và đáp ứng các tiêu chí về phát triển bền vững cao hơn, tạo thêm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Chi phí đầu vào tăng cao, nguồn lao động khan hiếm...

Tuy nhiên, vào thời điểm cuối năm, các đơn hàng đã ổn định hơn khi các thị trường đều tăng trưởng. Một số thị trường lớn như Mỹ, EU giữ được mức tăng trên 10%. Năm nay Trung Quốc tiếp tục được xếp vào nhóm thị trường xuất khẩu tỷ USD của ngành, chỉ xếp sau Mỹ, EU và chiếm 9% tỷ trọng. Tuy nhiên, một số thị trường xuất khẩu khác vẫn có sự sụt giảm, thậm chí không thể xuất khẩu được do chịu tác động của xung đột như Nga, Uzbekistan.

Đáng chú ý, năm 2024 ngành da giày Việt Nam đã mở rộng xuất khẩu sang một số thị trường ở khu vực Nam Mỹ và Trung Đông. Thị trường Trung Đông được đánh giá là thị trường rất tiềm năng khi có nhu cầu tiêu dùng lớn và đa dạng.

Trong đó, giày thể thao - mặt hàng thế mạnh của Việt Nam chiếm ưu thế, mặt hàng này cũng có thể giúp xuất khẩu của ngành tăng trưởng nhanh và mạnh sang Trung Đông trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, thị trường này còn tiêu dùng mặt hàng dép tuy nhiên số lượng không lớn.

Cũng theo bà Xuân, bối cảnh thị trường năm 2025 không có nhiều thay đổi so với năm 2024. Đơn hàng không quá khó khăn nhưng doanh nghiệp phải đối mặt với chi phí tăng cao. “Năm 2025 ngành da giày vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% so với năm 2024, đạt kim ngạch khoảng 29 tỷ USD”, lãnh đạo Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam thông tin thêm.

Bên cạnh những kết quả khả quan của năm 2024, Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cũng nhận định năm 2025, ngành sẽ đối diện với không ít thách thức như: Đầu tiên, những thị trường xuất khẩu lớn của ngành như Mỹ, EU, Nhật Bản đang đặt ra yêu cầu rất cao về phát triển bền vững, trong đó, có chuyển đổi xanh, ứng dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; thứ hai liên quan đến chi phí, trong đó, chi phí tuân thủ các tiêu chuẩn xanh đã là một nguồn lực khổng lồ, hầu như quá sức với các doanh nghiệp vừa và nhỏ;

Cùng với đó, nguồn lao động đang trở nên ngày càng khan hiếm, đặc biệt là lao động ở khu vực thành phố hầu như không tuyển dụng được. Doanh nghiệp phải di chuyển về vùng xa để tận dụng nguồn lao động sẵn có; tình trạng thiếu hụt nguyên phụ liệu cũng rất khó khăn, khi nguồn cung trong nước mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu; cuối cùng là thách thức ứng dụng khoa học - công nghệ và nghiên cứu phát triển trong doanh nghiệp da giày.

Đối diện với những thách thức và thời cơ, để đạt mục tiêu này, ngành da giày còn phụ thuộc vào yếu tố nhu cầu tiêu dùng và khả năng tuân thủ tiêu chuẩn xanh từ các thị trường nhập khẩu. Do đó, doanh nghiệp ngành da giày mong muốn nhận được sự hỗ trợ tích cực hơn nữa từ cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức quốc tế để đáp ứng các yêu cầu. Trong đó, các cơ quan chức năng phối hợp với tổ chức quốc tế nghiên cứu đưa ra được 'tiêu chuẩn xanh' thống nhất và có chính sách hỗ trợ hài hòa để doanh nghiệp có thể tận dụng.

Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cũng đưa ra định hướng đến các doanh nghiệp bản thân doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực nội tại. Sau khi đưa ra được các tiêu chuẩn thống nhất, Hiệp hội Da giày - túi xách cũng mong muốn các cơ quan chức năng hỗ trợ đào tạo, huấn luyện để áp dụng tiêu chuẩn, giúp doanh nghiệp có thể đạt các chứng chỉ, đủ điều kiện để triển khai đơn hàng.

Bên cạnh đó, nguồn lực giúp doanh nghiệp đổi mới khoa học công nghệ cũng rất cần thiết. Doanh nghiệp mong muốn Bộ Công Thương tham mưu, đề xuất với Chính phủ xây dựng các quỹ thúc đẩy phát triển xanh, tạo điều kiện để giảm lãi suất vay giúp doanh nghiệp có cơ hội áp dụng công nghệ mới, công nghệ xanh trong sản xuất.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Giá xăng tuần này không có nhiều biến động

Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều

Thị trường xăng dầu đang chứng kiến những biến động khó lường. Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều trong kỳ điều hành mới nhất của liên Bộ Công Thương - Tài chính...

Giá vàng thế giới và trong nước cùng nhau đi lùi

Giá vàng thế giới và trong nước cùng nhau đi lùi

Giá vàng thế giới tuột dốc khi thị trường chờ đón một dữ liệu quan trọng có thể ảnh hưởng đến quyết định lãi suất của Fed. Trong nước, cả vàng miếng và vàng nhẫn đều trượt giảm theo giá thế giới…