Doanh nghiệp do nữ làm chủ cần chủ động trước xu thế xanh

Các doanh nghiệp do nữ làm chủ cần chủ động tìm hiểu về các thoả thuận xanh, cập nhật các chính sách xanh liên quan tới sản phẩm xuất khẩu và chuẩn bị cho sự chuyển đổi xanh...

cd-xanh.jpg
Sản xuất xanh đã trở thành xu hướng toàn cầu và lựa chọn tất yếu, nhất là khi Việt Nam đã và đang tham gia ngày càng sâu và rộng vào các Hiệp định thương mại song phương và đa phương

Sản xuất xanh đã trở thành xu hướng toàn cầu và là lựa chọn tất yếu. Do đó không chỉ Chính phủ và các cơ quan Nhà nước cần cung cấp, cập nhật thông tin kịp thời và ban hành hướng dẫn thực hiện... mà bản thân doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp do nữ làm chủ cần có sự chủ động trước xu hướng xanh này.

7 NHÓM HÀNG CHỊU TÁC ĐỘNG BỞI THOẢ THUẬN XANH CHÂU ÂU

Chia sẻ tại hội thảo “Thúc đẩy quan hệ hợp tác hướng tới tăng trưởng xanh và nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ” do Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI phối hợp với Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) tổ chức, với sự đồng hành của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) và Ngân hàng thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tổ chức vào ngày 11/12, bà Mai Thị Diệu Huyền, Phó Chủ tịch phụ trách điều hành Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, VCCI chia sẻ: “Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số đang là xu hướng của thời đại. Thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo với các bên trong bối cảnh tăng trưởng xanh là chìa khóa góp phần kiến tạo môi trường kinh doanh nơi phụ nữ có thể phát huy tiềm năng và đóng góp tích cực cho sự phát triển ngày càng “xanh” của doanh nghiệp và toàn xã hội”.

anh-chup-man-hinh-2024-12-11-luc-70822-ch.png
Bà Mai Thị Diệu Huyền, Phó Chủ tịch phụ trách điều hành Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam - VCCI

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban, Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng khẳng định, sản xuất xanh đã trở thành xu hướng toàn cầu và lựa chọn tất yếu. Nhất là khi Việt Nam đã và đang tham gia ngày càng sâu và rộng vào các Hiệp định thương mại song phương và đa phương.

Chính phủ cũng đã cam kết quyết liệt hành động vì mục tiêu đạt Net Zero vào năm 2050 sau ký kết tại Hội nghị COP26, COP28; cũng như chấp thuận các yêu cầu từ những đối tác về Thỏa thuận Xanh châu Âu.... Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật cũng đã thể chế hóa nhiều quy định như Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định về trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì của các tổ chức, cá nhân sản xuất và nhà nhập khẩu.

Theo bà Thảo, tới đây, sẽ có 7 nhóm sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam dự báo sẽ chịu tác động bởi thỏa thuận xanh châu Âu gồm điện, điện tử, công nghệ thông tin, máy móc thiết bị, linh kiện; nông sản, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ; thực phẩm các loại đặc biệt là thực phẩm hữu cơ; dệt may, giày dép; hóa chất như phân bón, pin, ắc quy; sắt thép, nhôm và xi măng; bao bì thực phẩm, hóa chất...

Đây không chỉ là cơ hội giúp thúc đẩy, khích lệ các công ty, nhà sản xuất sử dụng công nghệ sạch, mở rộng thị trường và tăng cường khả năng tích hợp công nghệ sạch mà còn kèm theo nhiều thách thức như chính sách xanh sẽ nhiều về số lượng, phức tạp về tính chất, và liên tục phát triển theo thời gian; không có một bộ các tiêu chuẩn xanh chung, không có lộ trình chuyển đổi xanh thống nhất cho tất cả các loại hàng hóa xuất khẩu; năng lực chuyển đổi: công nghệ, kiểm soát chuỗi cung ứng, kỹ năng của lao động, năng lực giải trình, khai báo, lưu trữ thông tin nên đòi hỏi nâng cao nhận thức, đầu tư vốn, năng lực quản trị.

DOANH NGHIỆP CẦN CHỦ ĐỘNG TÌM HIỂU VỀ "XANH"

Trước xu hướng không còn sự lựa chọn nào khác khiến doanh nghiệp phải chuyển đổi xanh, TS. Nguyễn Minh Thảo khuyến nghị, Chính phủ và các cơ quan Nhà nước cần cung cấp, cập nhật thông tin kịp thời và ban hành hướng dẫn thực hiện để triển khai tới các địa phương, dễ dàng cho các doanh nghiệp thực hiện; đồng thời, phối hợp, đàm phán, đối thoại với các đối tác thương mại để trao đổi cách thức thực thi.

Bên cạnh đó, vẫn cần phải hoàn thiện khung chính sách về khử carbon như loại bỏ dần điện than, thúc đẩy năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng...; xây dựng quy định về định giá carbon; hoàn thiện cơ sở pháp lý về phân loại xanh (“Green taxonomy”); phát triển hệ thống tài chính xanh; đồng thời, thiết kế và thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện sản xuất xanh và tăng cường truyền thông mạnh mẽ hơn tới cộng đồng doanh nghiệp.

z6120468265506-aeaa6867475c2fb336c906fa1753bc4b.jpg
Toàn cảnh hội thảo

Bà Thảo cũng khuyến cáo các doanh nghiệp cần có sự chủ động tìm hiểu về các thoả thuận xanh, thường xuyên cập nhật các chính sách xanh liên quan tới sản phẩm xuất khẩu, nên có sự chuẩn bị và hành động từ sớm và tích cực tăng cường năng lực: vốn, công nghệ, kỹ thuật, nhân lực, quản trị,… Doanh nghiệp nên chủ động kiểm soát lượng phát thải trong toàn bộ chuỗi sản xuất, giảm phát thải trong từng công đoạn sản xuất; đồng thời, hạn chế sử dụng các sản phẩm không thân thiện môi trường...

Để hỗ trợ doanh nghiệp do nữ làm chủ tiếp cận tài chính cho chuyển đổi xanh, Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam đang thực hiện dự án “Empower: Nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ thông qua chuyển đổi xanh”. Dự án được thực hiện với sự hỗ trợ của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) từ tháng 1/2024 nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, hướng tới phát triển bền vững và hỗ trợ các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo tăng khả năng thích ứng trước tác động của biến đổi khí hậu; nâng cao kiến thức về các mô hình kinh doanh giảm phát thải các-bon và sử dụng năng lượng tái tạo; tăng cường cơ hội tiếp cận tài chính, kết nối các nhà đầu tư và thúc đẩy nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ.

Giới thiệu thêm về dự án này, Chuyên gia môi trường, Văn phòng điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc Nguyễn Thanh Phương cho biết, dự án EmPower đã thiết lập được rất nhiều mô hình kinh doanh do phụ nữ làm chủ áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo cho các hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng này mang lại những kết quả rất rõ ràng về kinh tế và thúc đẩy việc phát triển kinh tế của doanh nghiệp, mang lại lợi ích cho nhiều bên cũng như góp phần vào việc giảm phát thải và việc mở rộng áp dụng các giải pháp về tiết kiệm năng lượng.

Cũng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp do nữ làm chủ tiếp cận tín dụng, ông Đào Gia Hưng, Phó Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank) cho biết, ngân hàng đã triển khai Chương trình Tài chính xanh và hỗ trợ doanh nghiệp nữ có thể dễ dàng tiếp cận các giải pháp tài chính như giảm lãi suất 1,2% đối với các khoản vay có liên quan tới tín dụng xanh…

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Quỹ đầu tư 22.000 tỷ đồng "đặt cược" lớn vào MIG: Kỳ vọng tăng trưởng thị trường bảo hiểm

Quỹ đầu tư 22.000 tỷ đồng "đặt cược" lớn vào MIG: Kỳ vọng tăng trưởng thị trường bảo hiểm

Quỹ đầu tư Pyn Elite Fund, một trong những quỹ ngoại hàng đầu trên thị trường chứng khoán Việt Nam với tổng tài sản quản lý lên đến 815 triệu EUR (khoảng 22.000 tỷ đồng), vừa thông báo kế hoạch mua thêm gần 2,6 triệu cổ phiếu MIG của Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC).