Hai mô hình mới kiến tạo các dự án bất động sản

Trong khi “Khu phố 15 phút” là mô hình đô thị được quy hoạch sao cho người dân có thể tiếp cận được các tiện ích chính chỉ với 15 phút đi bộ hoặc đi xe đạp thì mô hình “placemaking” tập trung phát triển dự án theo định hướng lấy con người làm trung tâm trong mọi khía cạnh…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Việc phát triển các tòa nhà xanh và thân thiện với môi trường mang lại nhiều lợi thế cho chủ đầu tư
Việc phát triển các tòa nhà xanh và thân thiện với môi trường mang lại nhiều lợi thế cho chủ đầu tư

Cushman & Wakefield vừa phát hành báo cáo với chủ đề “Chinh phục thành phố đang lên” tại TP.HCM, trong đó nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của quy hoạch đô thị trong việc tạo ra môi trường thân thiện với người dân và bền vững về mặt kinh tế, đồng thời thúc đẩy hình thành khái niệm “Khu phố 15 phút” và mô hình kiến tạo không gian “Placemaking” cho các dự án bất động sản được phát triển trong tương lai.

Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam nhận định: “Bất động sản là mạch xương sống của một nền kinh tế, góp công lớn trong việc thay đổi diện mạo đô thị. Sự phát triển của thị trường bất động sản có khả năng tạo ra sức lan toả đến nhiều ngành nghề kinh doanh khác, đặc biệt là những ngành có mối liên hệ trực tiếp như xây dựng, dịch vụ lưu trú và ăn uống, du lịch, tài chính ngân hàng và công nghiệp chế biến chế tạo”.

Theo đánh giá của Cushman & Wakefield, ở khu vực phía Nam, thị trường bất động sản tại TP.HCM đã có mười năm (2012 – 2022) phát triển với nhiều biến động và cung bậc. Thị trường bất động sản đã có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô, số lượng, cơ cấu sản phẩm, nguồn vốn đầu tư và các chủ thể tham gia thị trường.

Mặc dù thị trường bất động sản thời gian qua có những khó khăn nhưng xu hướng phát triển là tất yếu và tiềm năng còn nhiều để tiếp tục phát triển, bất động sản vẫn là kênh đầu tư hiệu quả tại Việt Nam.

“Nhìn vào tháp nhu cầu bất động sản, chúng ta có thể thấy các nhu cầu từ cơ bản đến nâng cao của con người đều phải gắn liền với bất động sản”, bà Trang Bùi nhấn mạnh và cho biết: Khi thị trường cư dân phát triển sẽ kéo theo sự phát triển tất yếu của bất động sản thương mại.

Đây chính là lý do mà Cushman & Wakefield nhấn mạnh đến vai trò của mô hình “Khu phố 15 phút và mô hình kiến tạo không gian “Placemaking” để giúp các nhà phát triển bất động sản chinh phục một thành phố đang lên.

Cụ thể, “Khu phố 15 phút” là mô hình đô thị được quy hoạch sao cho người dân sinh sống trong khu vực có thể tiếp cận được các tiện ích chính trong khoảng cách từ 15 phút đi bộ hoặc đi xe đạp.

Đây là mô hình dự án sở hữu không gian công cộng cân bằng, phát triển theo định hướng kết nối giao thông công cộng, áp dụng các giải pháp sinh thái, tòa nhà net-zero và các phương pháp tiếp cận quy hoạch khác nhằm tạo ra môi trường đô thị bền vững. Với mô hình này, một thành phố có rất nhiều khu dân cư có thể đi bộ hoặc đạp xe, từ đó giảm sử dụng ô tô cá nhân.

Theo Cushman & Wakefield, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng có thể coi là một ví dụ cho việc quy hoạch mô hình “Khu phố 15 phút”. Trung tâm đô thị này rộng 409ha, được quy hoạch bài bản với nhiều mảng xanh, nhiều sắc trải dài xuyên suốt từ bên trong các khu dân cư đến các công viên, khu đi bộ, kênh đào và sông rạch.

Phú Mỹ Hưng sở hữu mật độ không gian xanh đáng nể với tỷ lệ diện tích cây xanh bình quân trên mỗi đầu người lên đến 8,9m2. Khoảng cách hợp lý giữa các mảng xanh và tiện ích công cộng như trạm xe buýt, trường học, siêu thị tạo ra không gian sống hài hòa, hạ tầng được kết nối đầy đủ tiện ích, đáp ứng được nhu cầu sinh sống của người dân.

Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam

Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam

Trong khi đó, mô hình kiến tạo không gian “Placemaking” tập trung phát triển dự án theo định hướng lấy con người làm trung tâm trong mọi khía cạnh. Trong những thập kỷ qua, bất động sản có phần tách biệt giữa sống, làm việc và vui chơi thì giờ đây các dự án cần phải hợp nhất cả ba, tạo ra nhiều không gian bán công cộng và chất lượng cao cho các cuộc hội họp, giải trí, sự kiện và tương tác xã hội.

Quan trọng nhất, đó là việc phát triển các không gian thân thiện, dễ dàng tiếp cận nhất cho mọi lứa tuổi, giới tính và những người khiếm khuyết vì thực tế, nhiều nhóm cộng đồng khác nhau phải chịu sự loại trừ và cô lập xã hội dựa trên thiết kế ban đầu.

Chính vì vậy, “Placemaking” là một nỗ lực liên tục đòi hỏi nhà phát triển phải lập trình, phản hồi và thích ứng. Ngoài định hướng phát triển bất động sản thông minh và xanh, “Placemaking” thiết lập và xây dựng ý thức cộng đồng dẫn đến sự gắn kết, sức khỏe và cộng tác…

“Trải nghiệm càng đa dạng thì cư dân càng có nhiều khả năng tương tác với không gian. Vì vậy, sẽ không có gì ngạc nhiên khi mô hình placemaking đặt ưu tiên cho các địa điểm sử dụng hỗn hợp mang lại tiềm năng to lớn cho trải nghiệm tích hợp làm việc, sinh sống và vui chơi tại một địa điểm duy nhất”, bà Trang Bùi nhấn mạnh.

Đại diện Cushman & Wakefield khuyến cáo: Các nhà đầu tư, nhà phát triển và chủ sở hữu bất động sản ở Việt Nam giờ đây phải hiểu thực tế rằng theo thời gian, các nguyên tắc đầu tư có trách nhiệm và đầu tư ESG (viết tắt của Environmental, Social, and Governance, tức là Môi trường, Xã hội và Quản trị) ngày càng trở nên phổ biến hơn đối với thị trường vốn, và điều này đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư cần ưu tiên chuyển sang phát triển dự án bền vững.

Chính vì vậy, trong chừng mực nhất định, có thể nói rằng, việc phát triển các dự án xanh dựa trên mô hình “Placemaking” và “Khu phố 15 phút” sẽ là một phần không thể thiếu trong bất kỳ chiến lược bất động sản nào trong tương lai.

Việc lựa chọn 2 mô hình này để phát triển các dự án bất động sản cũng sẽ mang lại những lợi thế. "Các tòa nhà xanh và thân thiện với môi trường thường sẽ có giá bán hoặc thuê cao hơn và giá trị thị trường cũng tăng. Các dự án này cũng có khả năng phục hồi tốt hơn trước bất kỳ sự suy thoái nào của thị trường”, bà Trang Bùi nhận định.

Có thể bạn quan tâm