Trong những năm gần đây, Việt Nam đang lồng ghép những chỉ tiêu bền vững vào tất cả các chiến lược phục hồi và thúc đẩy kinh tế - xã hội của của từng ngành. Cụ thể, Chính phủ và Bộ Tài chính đã thiết lập nhiều quy định dành cho doanh nghiệp về việc công bố đánh giá tác động môi trường, xã hội và quản trị (ESG) trong báo cáo thường niên. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đặt ra nhiều tiêu chí về nguyên vật liệu xây dựng, khuyến khích các công trình sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên môi trường.
Lợi ích của nhà đầu tư
Theo thống kê của Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), tính đến quý III/2021, số lượng tòa nhà sở hữu chứng nhận xanh tại Việt Nam là 201. Đây chưa phải là một con số lớn trong thị trường. Bởi vậy, nếu chủ đầu tư nắm bắt được khoảng trống này và xây dựng các dự án theo chuẩn bền vững, họ sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh và có khả năng sinh lời cao hơn so với mặt bằng chung của thị trường.
Những tiêu chuẩn xanh này sẽ góp phần thúc đẩy quá trình thu hút khách thuê, đặc biệt các doanh nghiệp quốc tế. Nghiên cứu của Green Street Advisors năm 2020 chỉ ra rằng, những tòa nhà xanh sở hữu tỷ lệ lấp đầy tốt hơn so với các dự án kém bền vững. Mặc dù chi phí xây dựng và vận hành theo tiêu chuẩn xanh thường cao hơn, có thể thấy rằng, khách thuê vẫn sẵn sàng chi trả cho một không gian làm việc thoải mái, nhân văn và bền vững. Đặc biệt trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế hiện nay, tòa nhà xanh là sự đầu tư mang tính chiến lược và đem lại nhiều lợi ích về kinh tế và xã hội cho nhà kinh doanh bất động sản.
Giải pháp đưa phát thải ròng về “0”
Theo chuyên gia Savills, phát triển bền vững là một mục tiêu lâu dài, đòi hỏi quá trình nghiên cứu và xây dựng kế hoạch cụ thể cho những công đoạn khác nhau của dự án. Do đó, sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ đầu tư, nhà phát triển, đội ngũ quản lý cũng như khách thuê đóng vai trò cốt yếu trong nỗ lực hạn chế phát thải ròng của ngành bất động sản.
Đầu tiên, đối với các dự án chưa thi công, nhà phát triển cần có những tính toán cẩn thận ngay từ giai đoạn tìm kiếm và lựa chọn nguyên vật liệu. Theo Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc, hai vật liệu công nghiệp phổ biến nhất trên thị trường, thép và xi măng, thực chất là các tác nhân thải ra lượng khí CO2 lớn nhất toàn cầu trong năm 2021, chiếm thị phần 14-16%.
Thay vào đó, nhà phát triển có thể cân nhắc các lựa chọn thay thế an toàn và thân thiện với môi trường hơn, như vật liệu sinh học. Do được sản xuất từ chất thải tái chế kết hợp với khuẩn vi sinh có lợi, các dòng vật liệu sinh học này sẽ không chỉ tiết kiệm năng lượng trong quá trình sản xuất, mà còn hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực ra ngoài môi trường.
Mặt khác, chủ đầu tư cần phối hợp chặt chẽ với đơn vị quản lý dự án để cùng đưa ra những giải pháp bền vững kịp thời một khi tòa nhà đi vào hoạt động. Thống kê của Liên Hợp Quốc cho biết, lượng khí CO2 từ các tòa nhà chiếm 38% lượng khí phát thải trên toàn thế giới trong năm 2020. Trong đó, công tác vận hành chiếm tỷ trọng cao nhất.
Hoặc như sử dụng hệ thống chiếu sáng, ban quản lý nên chuyển sang các bóng đèn phản quang, đèn halogen với cường độ sáng không vượt quá ngưỡng 20 watts/m2. Bên cạnh đó, hệ thống cài đặt giờ cũng nên được thiết lập với bóng đèn tại các khu vực chung như sảnh chính, hành lang hay thang máy.
Do khách thuê là nhóm chủ yếu sử dụng dịch vụ tiện ích và tiêu thụ năng lượng chính tại các tòa nhà, chủ đầu tư cũng cần khuyến khích đối tượng này tham gia vào chiến lược xanh dài hạn.
Bà Vũ Kiều Hạnh, Giám đốc Bộ phận Quản lý Bất động sản, Savills Hà Nội chia sẻ, Savills nhận thấy khách thuê đang dành nhiều sự quan tâm hơn đến việc kiến tạo không gian sống xanh. Trong chiến dịch Giờ Trái Đất 2022, chúng tôi đồng hành cùng Tổ chức Quốc tế bảo tồn Thiên nhiên (WWF) để truyền thông qua bảng tin, biểu ngữ điện tử và phần mềm quản lý Property Cube. Chương trình đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ khách thuê và cư dân.
Phát triển theo hướng bền vững là một bước chuyển lớn đối với ngành bất động sản. Hành trình này yêu cầu sự tham gia từ nhiều phía và đòi hỏi chiến lược đầu tư bài bản kéo dài. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu chung về biến đổi khí hậu và bắt kịp xu hướng toàn cầu, các nhà phát triển, chủ đầu tư, đơn vị quản lý, và người sử dụng cần hành động “xanh hóa” không gian ngay từ bây giờ.