Hàng loạt doanh nghiệp chậm thoái vốn, “siêu Ủy ban” nói gì?

Liên quan đến vấn đề thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp gần đây đã có báo cáo riêng gửi Bộ Tài chính.
Hàng loạt doanh nghiệp chậm thoái vốn, “siêu Ủy ban” nói gì?

Báo cáo cho hay, theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020, trong số 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban, có 1 tập đoàn và 2 tổng công ty thuộc diện phải thực hiện thoái vốn là: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, thoái 24,86% năm 2018), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV, thoái 35,16% năm 2019) và Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, thoái 20% năm 2018 và 10,4% năm 2020) với tổng giá trị Nhà nước thu về dự kiến khoảng 140.000 tỷ đồng. Đến nay, các doanh nghiệp này chưa hoàn thành việc thoái vốn.

Ủy ban cho biết, đối với ACV, qua theo dõi tình hình hoạt động sau khi cổ phần hóa, Ủy ban nhận thấy ACV hiện đang quản lý các cảng hàng không, sân bay có vị trí, vai trò rất quan trọng về kinh tế, an ninh, quốc phòng trong cả nước.

"Sau khi cổ phần hóa đã xuất hiện những khó khăn, vướng mắc, như cơ chế quản lý, khai thác, vận hành khu bay hiện vẫn lúng túng khi giải quyết. Do đó, việc tiếp tục giảm tỷ lệ vốn nhà nước tại ACV là chưa phù hợp", "siêu ủy ban" nhấn mạnh.

Đối với Vietnam Airlines, Ủy ban thông tin rằng Nhà nước sẽ thực hiện thoái 15% vốn đang nắm giữ để giảm tỷ lệ sở hữu tại Vietnam Airlines xuống còn 71,16% trong giai đoạn 2019 - 2020; đồng thời thực hiện phát hành cổ phiếu tăng vốn trong giai đoạn 2019 - 2025 để giảm tỷ lệ vốn nhà nước xuống 51% để đảm bảo quy mô vốn điều lệ tương xứng, đáp ứng nhu cầu kinh doanh, tăng cường năng lực tài chính cho Vietnam Airlines.

Đối với công ty con, công ty liên kết của các tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban (trừ SCIC), theo kế hoạch, giai đoạn 2017 - 2020, các tập đoàn, tổng công ty thực hiện thoái vốn tại 81 doanh nghiệp, đến nay đã thoái vốn tại 14 doanh nghiệp. Như vậy, giai đoạn 2019-2020, cần thực hiện thoái vốn tại 69 doanh nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp do SCIC làm đại diện chủ sở hữu, theo Quyết định số 1001/QĐ-TTg ngày 10/7/2017, giai đoạn 2017 - 2020, SCIC phải thực hiện thoái vốn tại 132 doanh nghiệp.

Ủy ban cho hay cơ chế, chính sách thoái vốn hiện còn một số khó khăn, vướng mắc cần giải quyết.

Cụ thể, các quy định về thoái vốn mặc dù cũng đã được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, tuy nhiên còn có nội dung chưa rõ ràng dẫn đến doanh nghiệp phải xin hướng dẫn từ Bộ Tài chính nên thời gian xây dựng và phê duyệt phương án thoái vốn bị chậm.

Bên cạnh đó, một số trường hợp các doanh nghiệp đang trong quá trình xây dựng và triển khai phương án thoái vốn theo quy định tại Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp thì Chính phủ ban hành Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP; do vậy, phải dùng thực hiện phương án thoái vốn cũ để xây dựng lại phương án thoái vốn mới theo quy định tại Nghị định số 32/2018/NĐ-CP.

Cùng với đó, quy định về giá cổ phần mà nhà đầu tư phải thanh toán cho doanh nghiệp nhà nước khi giao dịch ngoài sàn còn chưa hợp lý.

Cụ thể, Nghị định 32/2018/NĐ-CP quy định: trường hợp trong ngày mở cuộc đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh, ký hợp đồng chuyển nhượng vốn (đối với phương thức thỏa thuận) mà giá giao dịch cổ phiếu trên thị trường tính theo giá sàn cao hơn giá thanh toán được xác định phù hợp với từng phương thức chuyển nhượng thì nhà đầu tư phải thanh toán theo giá giao dịch là giá sản.

Theo "siêu ủy ban", Nghị định chưa hướng dẫn cụ thể phương thức xử lý trong trường hợp nhà đầu tư từ chối không mua theo giá sàn tại ngày giao dịch nếu giá nhà đầu tư đặt mua cao hơn giá khởi điểm nhưng lại thấp hơn giá sản của cổ phiếu giao dịch trên thị trường tại ngày giao dịch.

Có thể bạn quan tâm