Đa phần là lỗ
Theo số liệu của Ngân Hàng Nhà nước, khoảng 32% dự án BOT đã đi vào khai thác bị hụt thu, với tổng mức dư nợ cho vay lên tới 43 nghìn tỷ đồng, điều này khiến áp lực nợ xấu đè nặng lên vai các ngân hàng cho vay.
Vấn đề BOT có thể vỡ phương án tài chính từ lâu đã được dự báo từ vài năm nay, khi nhiều dự án BOT thậm chí xảy ra tình trạng hụt thu lớn, không đủ trả phí duy tu công trình. Ví dụ có thể kể đến là tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới có doanh thu giảm 88%, tuyến BOT cầu Hạc Trì giảm 57%, Quốc lộ 2 đoạn tránh thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc giảm 48%...
Một ví dụ tiêu biểu là BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ nằm ngay cửa ngõ phía Nam Hà Nội. Năm 2014, 3 nhà thầu chỉ định là Công ty cổ phần đầu tư phát triển xây dựng Minh Phát, Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành cùng Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 đã thành lập doanh nghiệp dự án lấy tên Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ để thực hiện dự án với tổng mức vốn 6.731,78 tỷ đồng, 100% vốn tư nhân, lộ trình tăng phí 3 năm/ lần, mỗi lần 18%; thời gian thu phí dự kiến 17 năm 2 tháng 18 ngày.
Chỉ một năm sau khi thu phí, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1) bất ngờ tố Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ gian lận thu phí, khiến dư luận dấy lên câu hỏi về sự minh bạch, buộc kiểm toán nhà nước vào cuộc. Kết quả kiểm toán chỉ ra mức thu bình quân 1,97 tỷ đồng/ ngày qua báo cáo của chủ đầu tư giảm xuống chỉ còn 582 triệu đồng/ ngày, tức chưa đầy 30% so với thực tế. Cienco1 sau đó phải chuyển nhượng toàn bộ 18% cổ phần dự án cho Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành, rút chân khỏi dự án.
Cơ chế thu phí hoàn vốn còn bất cập; giá thu phí cao, điều chỉnh không hợp lý; dự án chưa hoàn thành (giá trị đầu tư mới thực hiện 30%) nhưng giá thu phí tương đương dự án đầu tư mới (Dự án Dự án nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ). Kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rõ.
Sau 4 năm thu phí, BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ vẫn chưa xóa sạch tai tiếng. Tháng 6/2019, dự án này thậm chí bị Tổng cục Đường bộ Việt Nam “tuýt còi”, yêu cầu tạm dừng hoạt động thu phí do chưa sao lưu, truyền dữ liệu giám sát theo quy định.
Vấn đề của BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ là một câu chuyện điển hình về những bất cập đa phần các dự án BOT trên cả nước đang gặp phải.
Dấu hỏi năng lực
Phần lớn các dự án đầu tư theo hình thức BOT là cải tạo nâng cấp tuyến đường cũ nên càng tăng tình trạng dồn tích phương tiện giao thông ở những khu vực vốn đã đông đúc, không hướng đến việc mở rộng mạng lưới và phân làn giao thông hợp lý. Một số dự án như: Đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình, Dự án Đường Thái Nguyên - Chợ Mới, Dự án nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ đã quyết định quy mô cấp đường đầu tư chưa phù hợp quy hoạch đã được phê duyệt. Thông báo kết luận thanh tra số 2222/TB-TTCP của Thanh Tra Chính phủ cho biết.
Việc dự án BOT hụt thu không chỉ làm cho doanh nghiệp đầu tư lao đao, mà kéo theo đó là cả ngân hàng cho vay gặp áp lực lớn về khả năng thu hồi vốn khi thực tế, đa phần phần vốn làm dự án BOT đều được vay từ các ngân hàng.
Như trường hợp chủ đầu tư dự án thực hiện nâng cấp đường Pháp Vân – Cầu Giẽ doanh nghiệp liên kết giữa 3 nhà đầu tư. Với tổng số vồn 6.731 tỷ đồng thực hiện dự án, nhưng 3 nhà đầu tư này chỉ góp có khoảng 12%, tương đương 800 tỷ đồng để thực hiện dự án, số còn lại là đi vay ngân hàng và được trả dần qua thu phí phương tiện.
Được biết, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) chính là ngân hàng rót trên 5.900 tỷ đồng vào Dự án BOT Đầu tư, nâng cấp đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ (tương đương 84% tổng mức đầu tư dự án). Ngoài ra, Vietinbank cũng đã rót 6.397 tỷ đồng cho Dự án Đầu tư xây dựng cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến nối Hải Phòng - Quảng Ninh (hơn 84% tổng mức đầu tư); 5.372 tỷ đồng cho 2 giai đoạn của Dự án Đầu tư xây dựng Hạng mục mở rộng hầm đường bộ qua Đèo Hải Vân; dự kiến khoảng 4.000 tỷ đồng cho Dự án BOT Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn;…
Có lẽ cũng chính vì lo ngại việc vỡ phương án tài chính ở các dự án BOT khi vốn chủ yếu đi vay ngân hàng, nên mới đây, nhà nước đã có điều chỉnh tăng tỷ lệ sở hữu vốn chủ đầu tư lên gấp đôi và có động thái xiết dòng vốn từ các ngân hàng đổ vào dự án PPP.
Cụ thể, tại Nghị định 63/2018/NĐ-CP của Chính phủ về Đầu tư theo hình thức Đối tác Công tư nêu rõ: “Tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được xác định theo nguyên tắc: Đối với dự án có tổng vốn đầu tư đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 20% tổng vốn đầu tư; Đối với dự án có tổng vốn đầu tư trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được xác định theo nguyên tắc: Đối với phần vốn đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 20%; đối với phần vốn từ trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 10%”.
Trước đó Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về hình thức đầu tư đối tác công tư quy định: “Tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư. Đối với dự án có tổng vốn đầu tư trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu được xác định theo nguyên tắc lũy tiến từng phần như sau: Đối với phần vốn đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 15% của phần vốn này; Đối với phần vốn trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 10% của phần vốn này”.
Việc nâng tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư dự án hình thức Đối tác Công tư là cần thiết, bởi đây là một khía cạnh lớn để đánh giá năng lực thật sự của nhà đầu tư, và việc vốn vay ít đi cũng một phần giảm giá thành, thời gian thu phí, áp lực trả nợ cho doanh nghiệp đầu tư, cũng như giảm rủi ro nợ xấu cho ngân hàng…
Thanh Bút - Thùy Nguyễn