Hàng loạt vụ mua bán hoá đơn “khống” bị xử lý

Bằng các lập nhiều công ty “ma” để mua bán hoá đơn, thu gom hoá đơn “trôi nổi”, làm giả hoá đơn… các đối tượng đã thu lợi bất chính, gây thất thu lớn cho ngân sách Nhà nước.
Hàng loạt vụ mua bán hoá đơn “khống” bị xử lý

Các đối tượng đã lập ra hàng chục công ty ma để mua bán hoá đơn, trục lợi phi pháp 

Cơ quan thuế đã phối hợp với cơ quan công an để xử lý, triệt phá các đường dây buôn hoá đơn tinh vi, có giá trị gian lận tiền thuế rất lớn.

Theo Cục thuế TP Hà Nội, lợi dụng sự thông thoáng của chính sách, một số doanh nghiệp đã gian lận chứng từ hoá đơn giá trị gia tăng (VAT) nhằm trục lợi bất chính, như: trốn thuế, gian lận thuế, thành lập doanh nghiệp “ma” để thực hiện mua bán hoá đơn bất hợp pháp… nhằm hợp thức hoá chi phí đầu vào. Điều này đã gây thất thu ngân sách, tạo sự bất bình đẳng và bức xúc trong cộng đồng doanh nghiệp, người nộp thuế.

Lập 16 công ty “ma”

Thời gian qua, tình trạng gian lận hoá đơn của doanh nghiệp ngày càng diễn biến phức tạp, với thủ đoạn tinh vi, giá trị gian lận hoá đơn ngày càng lớn hơn… Cục thuế TP Hà Nội đã kiểm soát, cung cấp thông tin và phối hợp với cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP Hà Nội đấu tranh, khởi tố, xử lý nhiều vụ mua bán hoá đơn bất hợp pháp. Trong đó, đã phát hiện những ổ nhóm chuyên thành lập doanh nghiệp để bán hoá đơn trái phép (được gọi là công ty “ma”).

Kết quả là, hàng loạt đường dây bán hoá đơn bị phanh phui, như: vụ Nguyễn Trường cầm đầu đường dây mua bán hoá đơn thông qua việc thành lập 16 doanh nghiệp; vụ Đinh Thị Văn thành lập 6 doanh nghiệp, vụ Lê Văn La và Nguyễn Thị Dậu thành lập 8 công ty để mua bán hóa đơn trái phép.

Ngày 17/6/2015, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố hai bị can Trịnh Thị Lợi và Phạm Thị Phượng (ở Đông Anh, Hà Nội) về hành vi mua bán trái phép hóa đơn. Hay Trần Văn Toàn và đồng bọn (ở Tây Hồ) bị cơ quan công an khởi tố về hành vi “trốn thuế”. Cơ quan điều tra còn khởi tố vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần công nghệ Việt Hoá (chủ doanh nghiệp là Nguyễn Văn Cử, ở Hoàng Mai, Hà Nội) vì sử dụng 51 số hoá đơn trái phép.

Cơ quan thuế và công an đã điều tra, đủ căn cứ khởi tố vụ án tại Trung tâm truyền thông hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ (chủ doanh nghiệp là Nguyễn Mạnh Tuấn) ở Ba Đình, Hà Nội vì sử dụng 11 số hoá đơn trái phép để khấu trừ thuế GTGT và hạch toán chi phí… Hay Công ty TNHH thương mại và dịch vụ nhà hàng vườn nướng hải sản (ở Đống Đa, Hà Nội) bị phát hiện bá hoá đơn bất hợp pháp.

Ngoài ra, đường dây buôn bán hoá đơn gây “rúng động” nhất là vụ án bị Công an TP Hà Nội triệt phá hồi tháng 8/2016. Các đối tượng đã thành lập, sử dụng 33 doanh nghiệp “ma” để xuất bán 3.150 hoá đơn cho hơn 500 công ty, dù thực tế các doanh nghiệp không hề có bất kỳ một hoạt động sản xuất, kinh doanh gì. Tổng giá trị xuất hoá đơn của đường dây này lên đến khoảng 780 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Nhà nước 78 tỷ đồng tiền thuế VAT.

Ba bị can chính của vụ án đã bị khởi tố, bắt giam, gồm: Hoàng Lệ Hằng (45 tuổi), Vũ Kim Oanh (60 tuổi), Nguyễn Anh Tuấn (48 tuổi) đều trú tại Hà Nội. Các đối tượng này đã thực hiện in ấn, phát hành, mua bán trái phép hoá đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước… nhằm trục lợi rất lớn. 

“Chế biến” khoản chi nghìn tỷ đồng

Từ các vụ mua bán hoá đơn phi pháp mà cơ quan thuế phát hiện, xử lý, có thể thấy, hoạt động gian lận, trốn thuế ngày càng diễn biến tinh vi, quy mô số tiền thuế vi phạm lớn hơn. Trong đó, bằng cách thành lập công ty “ma” để mua bán hoá đơn VAT, câu kết với kế toán để sử dụng hoá đơn, ăn chênh lệch “phí” viết hoá đơn… các đối tượng nêu trên đã trục lợi phi pháp số tiền rất lớn.

Ở đầu người mua - nhiều doanh nghiệp mua hoá đơn “khống” đã “tiết kiệm” được chi phí thuế VAT, hạch toán chi phí đầu ra để giảm doanh thu, giảm thuế TNDN phải nộp. Nói cách khác, việc mua bán hoá đơn “khống” đã giúp doanh nghiệp “chế biến” sổ sách tài chính, hợp thức hoá những khoản chi tiêu phi pháp… Còn ngân sách Nhà nước bị thiệt hại, thất thu thuế có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Hàng loạt vụ mua bán hoá đơn “khống” bị xử lý ảnh 1

Thí điểm cho doanh nghiệp sử dụng hoá đơn điện tử để kiểm soát, ngăn chặn gian lận thuế

Trước tình hình vi phạm, gian lận hoá đơn nhức nhối, Cục Thuế TP Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để siết chặt quản lý hoá đơn và xử lý vi phạm. Cụ thể, thành lập Tổ chống hành vi vi phạm hóa đơn nhằm nghiên cứu các hành vi vi phạm và giải pháp quản lý; tăng cường kiểm soát phát hiện sớm vi phạm, siết chặt quy trình xử lý hóa đơn…

Cán bộ thuế tăng cường kiểm tra, ứng dụng “đối chiếu chéo hoá đơn”, sàng lọc, kiểm tra chéo dữ liệu doanh nghiệp, nhất là hoá đơn của các đơn vị bỏ địa chỉ kinh doanh. Vì đây là một trong những nguồn cung cấp hoá đơn cho các đối tượng phạm tội.

Theo báo cáo của Cục thuế TP Hà Nội, đến nay, đã phát hiện và thông tin cảnh báo đến khoảng 23.000 nghìn lượt doanh nghiệp với hàng trăm nghìn số hóa hơn được xác định là “có dấu hiệu bất hợp pháp”.

Bên cạnh đó, với nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và quản lý hoá đơn, ngành thuế đang thí điểm thực hiện sử dụng hoá đơn điện tử với nhiều ưu điểm, như: giảm chi phí in, gửi, bảo quản, lưu trữ… chỉ bằng 1/3 chi phí dùng hoá đơn giấy. Hiện, Cục Thuế TP Hà Nội đã cấp mã xác thực cho hơn 100 doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử. Việc quản lý hoá đơn điện tử, hạch toán kế toán, đối chiếu dữ liệu, quản trị kinh doanh và tra soát thuế cũng thuận tiện, đơn giản hơn.

Thu Hằng

Có thể bạn quan tâm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

230 sản phẩm bị “tước quyền” công bố mỹ phẩm, bị tạm ngừng xem xét và tiếp nhận hồ sơ công bố mỹ phẩm trong 6 tháng, bị xử phạt hành chính 120 triệu đồng, kéo theo chuỗi cung ứng hàng bị đứt gãy… sự việc đang diễn ra tại Cty Kein, đơn vị quản lý vận hành chuỗi cửa hàng Nhật nội địa KeinShoku Gyomu.

Giá xăng tuần này không có nhiều biến động

Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều

Thị trường xăng dầu đang chứng kiến những biến động khó lường. Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều trong kỳ điều hành mới nhất của liên Bộ Công Thương - Tài chính...