Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều DNNN thuộc diện Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối vẫn không bán được cổ phần, việc thu hút nhà đầu tư chiến lược từ nước ngoài tham gia mua cổ phần lần đầu của các DN CPH chưa đạt được kết quả tích cực.
Nhiều nguyên nhân làm chậm cổ phần hóa DNNN
Theo TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính thuộc Học viện Tài chính, CPH các DNNN là một trong những trọng tâm của quá trình chuyển đổi nền kinh tế sang cơ chế thị trường. Tuy nhiên, trong suốt 3 thập kỷ cải cách mở cửa (kể từ năm 1986 đến nay), quá trình CPH các DNNN tại Việt Nam lại diễn ra tương đối chậm chạp.
Việc chậm trễ CPH được cho là một trong những nguyên nhân cốt lõi dẫn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế nhà nước thấp trong những năm gần đây, từ đó kéo tăng trưởng của nền kinh tế xuống thấp hơn mức trung bình của giai đoạn trước.
Thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính từ năm 2005 đến nay, tốc độ tăng trưởng trung bình của khu vực kinh tế nhà nước chỉ đạt mức 5,2%, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, thậm chí cả khu vực kinh tế cá thể.
Theo TS. Nguyễn Đức Độ, nguyên nhân chậm trễ CPH tại Việt Nam là do tư duy, quan niệm về vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế; lợi ích của bản thân các DNNN trong nền kinh tế thị trường hiện nay; thiếu các chế tài để bảo đảm kế hoạch CPH diễn ra theo tiến độ.
Đặc biệt, cơ chế, chính sách thiếu đồng bộ đã khiến các DNNN có đủ lý do để trì hoãn việc thực hiện nhiệm vụ CPH… Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính chia sẻ, sau CPH, nhiều DNNN thuộc diện Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối nhưng không bán được cổ phần. Do vậy, tỷ lệ vốn nhà nước cao, dẫn đến mục tiêu đổi mới quản trị và thu hút vốn từ bên ngoài cho phát triển DN không đạt được.
Ngay cả việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua cổ phần lần đầu của các DN CPH cũng chưa được nhiều. Qua rà soát 426 DN đã triển khai bán cổ phần lần đầu trong giai đoạn 2011 - 2015, có 70 DN mà Nhà nước nắm giữ trên 90% vốn điều lệ; 82 DN Nhà nước nắm giữ trên 65% vốn điều lệ; 96 DN Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; 156 DN Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ.
Ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nêu thực tế, nhiều DN không thực hiện bán hết được số lượng cổ phần chào bán; tỷ lệ số cổ phần chào bán so với tổng số cổ phần của DN và tỷ lệ tổng số cổ phần chào bán được so với tổng số cổ phần của DN còn thấp, cá biệt có DN tỷ lệ dưới 5%, khiến cho việc thay đổi bản chất hoạt động của DN sau CPH còn chậm.
Tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài còn rất thấp và đặc biệt chỉ tập trung vào một số DN có quy mô vốn lớn như các tổng công ty, tập đoàn. Bên cạnh đó, nhiều DN sau CPH không niêm yết/đăng ký giao dịch cổ phiếu trên TTCK dẫn đến hạn chế tính công khai, minh bạch và đổi mới quản trị...
Tính chung trong giai đoạn 2011 - 2015 đã có 488 doanh nghiệp nhà nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị thực tế là 758.013 tỷ đồng và giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 187.418 tỷ đồng.