Hệ sinh thái Lã Vọng và những thăng trầm xoay quanh ông chủ Lê Văn Vọng

Nhắc đến "hệ sinh thái Lã Vọng" là người ta nghĩ ngay đến đại gia Lê Văn Vọng - "ông trùm" của chuỗi nhà hàng nổi tiếng và thâu tóm loạt “đất vàng” tại Hà Nội, nhưng cũng đầy tai tiếng...

Ham-La-Vong.jpeg

Giai đoạn 2015- 2018 được biết đến là thời kỳ vàng son của vị đại gia này...

ĐẠI GIA LÊ LÃ VỌNG LÀ AI?

Ông Lê Văn Vọng (sinh năm 1977) được biết đến là người quê gốc tại huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Sau khi tốt nghiệp tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) thì học tiếp và lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Preston (Hoa Kỳ).

Ông bắt đầu nổi tiếng khi là chủ của chuỗi nhà hàng mang thương hiệu Lã Vọng nổi danh khắp Hà Nội như: Nhà hàng Buffet hải sản Lã Vọng và nhà hàng Sashimi BBQ Garden; nhà hàng Hầm Lã Vọng; nhà hàng Lã Vọng – Thế giới Bia; nhà hàng hải sản Lã Vọng - Bán đảo Hoàng Cầu hay Nhà hàng Lã Vọng – Lẩu Cua Đồng.

ông Lê Văn Vọng.jpeg
Ông Lê Văn Vọng - người đứng giữa, cầm micro

Đồng thời, ông Vọng còn ôm một loạt quỹ "đất vàng" ở Hà Nội như: Dự án Ngôi nhà mới (Quốc Oai), với quy mô 27,5ha; khu đô thị Louis City Đại Mỗ (phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm) có diện tích lên tới 30,5 ha; dự án chung cư New House Xa La (Hà Đông) với quy mô 9,6 ha; dự án bất động sản tại các ô đất DX1, DX2, DX3, DX4 và CX2 khu đô thị Đông Nam đường Trần Duy Hưng.

Cùng với đó, vị đại gia này còn liên quan tới 2 dự án BT gồm: Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Ba La – Xuân Mai (thành phố Hà Nội) có tổng mức đầu tư ban đầu lên tới 8.800 tỷ đồng; dự án vành đai 2,5 đoạn từ Trung Kính đến cuối đường Trần Duy Hưng (thành phố Hà Nội, dài 580m).

Ngoài ra, ông Vọng còn được biết đến là một "tay chơi" khi sở hữu một trong những chiếc Rolls-Royce ở Việt Nam mang biển số 15555.

VÀ NHỮNG BƯỚC THĂNG TRẦM TRONG CON ĐƯỜNG SỰ NGHIỆP

Theo tìm hiểu của Thương gia, tên tuổi ông Lê Văn Vọng gắn liền với "hệ sinh thái Lã Vọng" nổi đình đám tại Hà Nội. Trước khi hình thành nên hệ sinh thái này, ông Vọng đã khởi nghiệp bằng việc thành lập Công ty Cổ phần thương mại Ngôi nhà mới và chuỗi hệ thống các nhà hàng Lã Vọng, các quán cafe dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân do ông Lê Văn Vọng làm Giám đốc. Đây được coi là doanh nghiệp quan trọng nhất nằm trong "hệ sinh thái Lã Vọng" sau này.

Sau 5 năm phát triển, nắm bắt được cơ hội đầu tư với định hướng phát triển theo cơ chế thị trường cùng với tư duy nhanh nhạy về kinh doanh đầu tư, vị đại gia này đã quyết định thành lập thêm Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển dịch vụ Anh Cường (năm 2008, sau đó đổi tên thành Công ty Cổ phần thương mại và Dịch vụ Lã Vọng), Công ty Cổ phần thương mại Tập đoàn ẩm thực Lã Vọng (năm 2013), Công ty cổ phần đầu tư và thương mại Louis (năm 2016), Công ty Cổ phần Lã Vọng Group (năm 2016), Công ty Cổ phần Đầu tư Louis Group (năm 2017) và Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Tài chính Việt Nam (năm 2018).

Bên cạnh đó, mỗi khi thực hiện một dự án mới, Lã Vọng sẽ góp vốn với các pháp nhân khác lập nên một công ty mới, điển hình như: Công ty Cổ phần đầu tư Địa ốc Louis Land, Công ty cổ phần đầu tư phát triển đô thị Hoàng Mai, Công ty Cổ phần Đầu tư Louis Group,...

Bộ máy nhân sự lúc ban đầu của hệ sinh thái này cũng chỉ từ vài người đã tăng lên hơn 1000 người, đánh dấu sự phát triển phát triển vượt bậc về quy mô nhân sự và tham vọng của ông Vọng trong việc bành trướng thị trường. Cũng từ đây, cái tên Lã Vọng cũng dần xuất hiện ngày một nhiều trên nhiều tỉnh thành trên cả nước, với bước đầu là thâu tóm hàng loạt "đất vàng" tại Hà Nội.

du-an-ngoi-nha-moi.jpeg
Dự án Ngôi nhà mới là dự án đầu tay của ông Lê Văn Vọng

Đáng chú ý, đầu tháng 6/2018, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo giao Thanh tra Chính phủ thanh tra toàn diện các dự án của Cổ phần thương mại và Dịch vụ Lã Vọng và đơn vị thành viên trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Trùng hợp là, trước đó chỉ mấy tháng, ông Lê Văn Vọng và các cổ đông đã thoái hết vốn với tư cách cá nhân ra khỏi các công ty đã thành lập, hoàn toàn không liên quan gì tới các doanh nghiệp bị thanh tra.

Sau khi rút vốn, ông Lê Văn Vọng đã thành lập lên một công ty mới, lấy tên là Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Tài chính Việt Nam. Doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 3/2018 và trụ sở tại khu đô thị Đông Nam Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, với vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng.

Tại đây, ông Vọng làm tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật với tỷ lệ sở hữu 100% (tính đến hết năm 2019).

Sau khi thành lập được pháp nhân mới, ông Vọng cùng hai người em của mình là ông Lê Văn Vân và ông Lê Văn Hải tiếp tục đi trinh phục những vùng đất mới, đấu giá thành công nhiều dự án có giá trị lên tới hàng nghìn tỷ đồng khác.

Điều đáng chú ý, mới đây, Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế Havana - doanh nghiệp liên quan tới "đế chế" Lã Vọng đã trúng dự án khu đô thị Mông Hoá gần 2.300 tỷ ở thành phố Hoà Bình. Đồng thời, hình bóng Lã Vọng cũng xuất hiện trong các doanh nghiệp đăng ký dự án 3.300 tỷ đồng ở Hà Nam.

LIÊN QUAN TỚI LOẠT SAI PHẠM ĐẦY TAI TIẾNG

Về lĩnh vực bất động sản, Tập đoàn Lã Vọng hay ông Lê Lã Vọng đang nắm trong tay hàng loạt dự án “đất vàng” tại Hà Nội, tuy nhiên nhiều dự án bị vướng lùm xùm trong việc giao và sử dụng đất, chậm tiến độ hoặc đắp chiếu.

Cụ thể, tháng 6/2018, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo việc thanh tra các dự án ở Hà Nội của Tập đoàn Lã Vọng và các đơn vị thành viên. Theo đó, doanh nghiệp của ông Vọng đã được ưu ái giao nhiều khu "đất vàng" để thực hiện dự án bất động sản, giao thông theo hình thức hợp đồng BT, nhưng có một số dự án không qua đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định và ý kiến của các cơ quan liên quan.

Điển hình như, dự án Ngôi nhà mới (Quốc Oai, thành phố Hà Nội). Theo kế hoạch, dự án này khởi công năm 2009, quy mô 27,5ha, với tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, nằm tại Km17 thuộc địa bàn huyện Quốc Oai. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm triển khai, dự án vẫn rất ngổn ngang và nhiều hạng mục chính đều chưa hoàn thiện.

Hay như khu đô thị Louis City Đại Mỗ (phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội) có diện tích lên tới 30,5 ha. Đây là dự án mà Lã Vọng được thực hiện thông qua việc thực hiện hợp đồng dự án BT dưới dạng chỉ định thầu, bằng việc cải tạo hồ Đầu Băng và hồ Tư Đình ở quận Long Biên, thành phố Hà Nội.

khu đô thị Louis City Đại Mỗ 1.jpeg
Dự án khu đô thị Louis City Đại Mỗ (phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội) có diện tích lên tới 30,5 ha

Tiếp đến là dự án New House Xa La (Hà Đông, thành phố Hà Nội) có diện tích hơn 10 ha. Đây là dự án kết hợp giữa Công ty cổ phần thương mại Ngôi Nhà Mới và Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Sông Nhuệ (một doanh nghiệp nhà nước có nhiệm vụ về thủy lợi).

Điều đáng nói, khi rà soát các doanh nghiệp nhà nước thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất, Bộ Tài chính từng đánh giá việc sắp xếp lại cơ sở, nhà đất của doanh nghiệp nhà nước tại dự án này không thực hiện đấu giá theo quy định tại Luật Đất đai 2013.

Năm 2021, UBND thành phố Hà Nội cũng đã có quyết định tạm dừng việc triển khai đối với 82 dự án đầu tư theo hình thức BT. Trong đó, có 2 dự án liên quan đến Công ty Cổ phần Thương mại Ngôi nhà mới.

Đầu tiên là dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Ba La – Xuân Mai đầy tai tiếng. Được biết, vào ngày 23/5/2012 UBND thành phố Hà Nội đã ký Quyết định 3859 phê duyệt chủ trương đầu tư dự án này. Tuy nhiên, chỉ sau đó 1 năm, ngày 2/12/2013, UBND thành phố lại có Thông báo số 166 về việc dừng triển khai dự án Ba La – Xuân Mai theo hình thức hợp đồng BT. Nguyên nhân được nêu ra là do khó khăn vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án.

Đến tháng 9/2016, thành phố lại tiếp tục đề xuất với Chính phủ và Bộ Giao thông và Vận tải cho thực hiện đoạn tuyến từ Xuân Mai - Chúc Sơn (15,78km) theo hình thức BOT, theo đó, giao cho nhà đầu tư BOT QL6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình tiếp tục triển khai. Tuy nhiên, lúc này, cả Bộ Giao thông và Vận tải lẫn nhà đầu tư đều từ chối nhận dự án.

Sau nhiều lần thay đổi, cuối cùng, vào ngày 24/6/2017, UBND thành phố Hà Nội đã có Báo cáo số 177 gửi Thủ tướng nhằm kiến nghị cho phép tiếp tục áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án Ba La – Xuân Mai. Theo đó, nhà đầu tư được chọn là liên danh Công ty Cổ phần Sông Đà - Tổng công ty phát triển hạ tầng đô thị (UDIC), Công ty Cổ phần thương mại Ngôi nhà mới và Công ty Đại An. Liên danh này đã thành lập Công ty Cổ phần đầu tư Louis Group để thực hiện dự án trên.

Theo tìm hiểu của Thương gia, dự án BT Ba La – Xuân Mai có tổng mức đầu tư ban đầu là 8.800 tỷ đồng với mục tiêu là cải tạo, nâng cấp 20,9 km quốc lộ 6 đoạn từ Ba La – Xuân Mai (từ 4 – 6 làn xe). Đổi lại, Louis Group sẽ được nhận 41 ô đất với tổng diện tích khoảng 441,26 ha trên địa bàn các quận/huyện tại thành phố Hà Nội là: Hà Đông, Chương Mỹ, Cầu Giấy, Tây Hồ, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Đông Anh, Ba Vì, Mê Linh.

Tuy nhiên, sau đó đúng 1 năm, thành phố Hà Nội bất ngờ có một sự thay đổi bước ngoặt tại dự án này, khi giảm tổng mức đầu tư xuống còn khoảng 8.713 tỷ đồng và đổi sang hình thức đấu thầu tìm chủ đầu tư cho dự án, thay vì chỉ định thầu như trước. Như vậy, dự án BT Ba La – Xuân Mai đã tuột khỏi tầm tay của Lã Vọng.

Ngoài dự án trên, Công ty Cổ phần thương mại Ngôi nhà mới còn có tên trong liên danh đầu tư dự án vành đai 2,5 đoạn từ Trung Kính đến cuối đường Trần Duy Hưng, thành phố Hà Nội (dài 580m) theo hình thức BT.

Liên danh gồm Công ty Cổ phần thương mại Ngôi nhà mới, Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Mekong E&C và Công ty Cổ phần đầu tư phát triển đô thị Đại Việt. Được biết, dự án đường vành đai 2,5 nằm trong danh mục các nhóm công trình giao thông quan trọng triển khai trong giai đoạn 2021-2025.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Giá thuê trung bình tăng tới 16,2% tại Hà Nội và 15,4% tại TP.HCM, khẳng định sức hút ngày càng lớn của trung tâm thương mại đối với các nhà đầu tư và thương hiệu…