Quy hoạch chi tiết khu vực Hồ Gươm và phụ cận do Bộ Xây dựng ban hành quy định chiều cao, mật độ xây dựng...mà thiếu một số chỉ số mềm.
Xem xét kỹ về khối tích, hình thức công trình
Liên quan đến công trình khách sạn tại số 22-32 Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), KTS Ngô Doãn Đức, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, Hồ Gươm là di sản cấp quốc gia đặc biệt, do đó việc xây dựng các công trình xung quanh khu vực này cần xem xét kỹ càng về khối tích, hình thức và giảm thiểu tác động đến thiên nhiên về phía bên hồ.
Trong khi đó, chuyên gia về quản lý đô thị - TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM cũng lưu ý rằng, cái khó nhất của công trình ở xung quanh Hồ Gươm là kiến trúc phải phù hợp với không gian, cảnh quan của khu vực. Chính vì thế, trước khi xây dựng, cần tham khảo rộng rãi ý kiến của các kiến trúc sư, những nhà chuyên mô về kiến trúc.
"Người ta vẫn có thể đột phá, không nhất thiết kiến trúc cứ phải làm theo quy mô nho nhỏ, thâm thấp, cổ kính mà với cảnh quan đó, nếu khéo léo, nhà xây dựng vẫn có thể đưa vào đó những kiến trúc hiện đại mà không phá vỡ không gian chung.
Không nhất thiết phải chạy theo kiến trúc Pháp hay phố cổ
Trong văn bản gửi UBND TP Hà Nội góp ý về công trình khách sạn và dịch vụ tại số 22-32 Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm hồi tháng 3/2016, Hội Kiến trúc sư Việt Nam nêu rõ: nhịp điệu mặt đứng kiến trúc mới không hòa nhập với đặc trưng kiến trúc đô thị và cảnh quan của khu vực.
Do mặt đứng mới là một khối đồng nhất kéo dài liên tục không chú ý đến nhịp điệu mặt phố cũ nhờ sự giãn cách của ba khối kiến trúc Pháp vốn trở thành hình ảnh quen thuộc có giá trị văn hóa kiến trúc Hồ Gươm; tổ hợp kiến trúc mặt đứng về tỉ lệ giữa các phần cột, cổng, cửa chưa chuẩn mực, đặc biệt là các chi tiết kiến trúc và màu sắc. Cầu kỳ nhưng đơn điệu và tạo nên ấn tượng xa lạ.
Vì vậy, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề nghị UBND TP Hà Nội đặc biệt quan tâm đến các ý kiến trên để bảo tồn và phát huy hiệu quả nhất những giá trị của không gian kiến trúc và cảnh quan khu vực Hồ Gươm, di sản quốc gia đặc biệt.
Riêng cá nhân ông, vị chuyên gia lưu ý một số vấn đề: "Nếu xây dựng khách sạn thì tương lai sau này, khi các tuyến phố xung quanh Hồ Gươm trở thành tuyến phố đi bộ, việc giải quyết nút giao thông ra sao? Mặt khác, đừng biến kiến trúc ở đây thành bức tường, dù thấp nhưng dài. Do đó, cần phải xử lý kiến trúc công trình cho tốt".Trao đổi với PV ngày 12/7, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho biết, quan điểm của Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã rất rõ, đó là phải làm sao kiến trúc công trình phải hài hòa với cảnh quan xung quanh Hồ Gươm.
Cũng theo KTS Phạm Thanh Tùng, khu vực Hồ Gươm là di sản sống, không phải chúng ta có gì cũng bảo tồn mà nó còn phải là nơi phát triển. Vì thế, không gian Hồ Gươm cần được giữ gìn nhưng kiến trúc Hồ Gươm không nhất thiết phải chạy theo kiến trúc Pháp, kiến trúc phố cổ...
"Chúng ta giữ gìn đền Ngọc Sơn, Tháp Rùa, Tháp Bút, Đài Nghiên, đền Bà Kiệu... nhưng cũng phải tạo dựng cho khu vực Hồ Gươm một loạt kiến trúc mang tính chất dịch vụ.
Các tuyến phố quanh Hồ Gươm sau này là phố đi bộ thì chúng sẽ trở thành một khu không gian công cộng thân thiện để đón khách. Chẳng hạn, có thể xây dựng các kiot bán hàng lưu niệm, bán sách, thậm chí có thể khôi phục lại những kiot bán hoa để người đi chơi có thể chơi hoa tặng nhau. Hay phải để những khoảng trống để người dân có thể ngồi uống cà phê, ngắm nhìn các hoạt động ở Hồ Gươm... Đến dịp lễ hội đã có cả không gian quảng trường xung quanh Hồ Gươm cùng quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, tượng vua Lê...
Rất nhiều kiến trúc còn tồn tại ở đó, hài hòa với nhau và trở nên thân thiện, cộng thêm với việc Hà Nội quyết tâm làm nghệ thuật chiếu sáng, Hồ Gươm sẽ trở thành một lẵng hoa lung linh và dưới ánh sáng huyền ảo đó có những buổi biểu diễn đường phố... Ở đây, văn hóa có sự kết nối giữa truyền thuyết của Hồ Gươm với hơi thở của thời đại, của cái mới do những người trẻ xây dựng nên", KTS Phạm Thanh Tùng đề xuất.
Ông cho rằng, suy cho cùng, kiến trúc là thời trang, do đó đối với kiến trúc quanh Hồ Gươm, chúng ta giữ lại những công trình có giá trị, còn lại phải thổi vào đó kiến trúc mới nhưng không phải khô cứng bằng bê tông và kính mà phải là kiến trúc dung dị, hài hòa với cảnh quan chung. Đó là cái tài của các kiến trúc sư và cũng là cái tài, tư duy và cái tâm của những nhà quản lý.
Quy định có nhưng thiếu
Trong khi đó, đặt câu hỏi với PGS.TS.KTS Phạm Hùng Cường, Đại học Xây dựng Hà Nội về việc những công trình kiến trúc xây dựng từ thời Pháp thuộc đều đặt Hồ Gươm làm điểm nhấn, các công trình đều có độ lùi khá xa, tuy nhiên dường như ngày nay người Hà Nội không tôn trọng cảnh quan Hồ Gươm của chính mình?, ông cho biết, Quy hoạch chi tiết khu vực Hồ Gươm và phụ cận đã được Bộ Xây dựng ban hành từ năm 1996 và đến nay các dự án ở khu vực Hồ Gươm vẫn phải tuân theo quy định này.
"Trong quy chế có quy định chiều cao công trình, khoảng lùi, mật độ xây dựng..., tuy nhiên còn những chỉ số mềm mà có thể người ta không kiểm soát kỹ. Thông thường, chúng sẽ được đề cập trong các dự án cụ thể hoặc thiết kế đô thị cụ thể sau này. Ví dụ, khi sửa chữa cải tạo công trình có thể lưu ý đến việc giữ lại những công trình cũ mang dấu ấn lịch sử, hoặc khi xây dựng mới có thể không vi phạm về tầng cao nhưng phong cách kiến trúc cũng nên hài hòa với cảnh quan hiện có.
Đoàn Dự (t/h)