Bản tin sáng 12/4 của Bộ Y tế cho biết có thêm 3 ca mắc COVID-19 ghi nhận tại Hà Nội và Thái Nguyên. Đây là các ca bệnh nhập cảnh được cách ly ngay. Việt Nam hiện có 2.696 bệnh nhân. Đến sáng nay, thế giới đã có trên 136,6 triệu ca mắc COVID-19.
Thông tin ca mắc mới: 03 ca mắc mới (BN2694-2696) được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội (2) và Thái Nguyên (1). Cụ thể:
- CA BỆNH 2694 (BN2694) ghi nhận tại Thành phố Hà Nội: Bệnh nhân nam, 32 tuổi, công dân Việt Nam, địa chỉ tại huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ.
- CA BỆNH 2695 (BN2695) ghi nhận tại Thành phố Hà Nội: Bệnh nhân nam, 23 tuổi, công dân Việt Nam, địa chỉ tại huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên.
Ngày 09/4/2021, BN2694-2695 từ Nhật Bản nhập cảnh Sân bay Nội Bài và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Thành phố Hà Nội.
Kết quả xét nghiệm ngày 11/4/2021 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.
- CA BỆNH 2696 (BN2696) ghi nhận tại tỉnh Thái Nguyên: Bệnh nhân nữ, 23 tuổi, công dân Việt Nam, địa chỉ tại huyện Sóc Sơn, Thành phố Hà Nội.
Ngày 09/4/2021, bệnh nhân từ Nhật Bản nhập cảnh Sân bay Nội Bài và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Thái Nguyên.
Kết quả xét nghiệm ngày 11/4/2021 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.
Tính đến 16 giờ ngày 11/04/2021, tổng cộng đã thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại 19 tỉnh/TP cho 58.418 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các địa phương.
Riêng trong tuần qua, từ ngày 5-11/4, có thêm 6.005 người được tiêm chủng vắc xin COVID-19. Chi tiết 6.005 người được tiêm tại 9 tỉnh/TP trong các ngày 5-11/04/2021 như sau: Hà Nội: 739 người 2)Quảng Ninh: 97 người; Hải Phòng: 491 người; Bắc Ninh: 612 người; Hòa Bình: 43 người; Hà Giang: 72 người; TP. Hồ Chí Minh: 3600 người; Bà Rịa - Vũng Tàu: 151 người; Gia Lai: 200 người.
Ngay sau khi được cấp phép kiểm định, toàn bộ số vắc xin phòng COVID-19 đợt 2 được Dự án Tiêm chủng mở rộng vận chuyển đến các địa phương trên cả nước.
Trong tuần tới, tất cả các địa phương sẽ nhận những liều vắc xin COVID-19 đầu tiên do COVAX viện trợ.
Liên quan đến công tác tiêm chủng, trong quá trình triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 do AstraZeneca sản xuất tại Việt Nam, hệ thống giám sát tiêm chủng đã ghi nhận khoảng 33% các trường hợp phản ứng nhẹ thông thường như đau, đỏ tại chỗ tiêm, mệt mỏi, sốt nhẹ, đau đầu, buồn nôn; các dấu hiệu này tự khỏi trong 1-2 ngày sau tiêm và người được tiêm không cần điều trị gì, đây là dấu hiệu bình thường gặp phải không chỉ ở vắc xin phòng COVID-19, mà còn ở các loại vắc xin phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm khắc như sởi, ho gà, uốn ván…
Hệ thống giám sát cũng ghi nhận có khoảng 1‰ (một phần nghìn) trường hợp có phản ứng quá mẫn sau tiêm, được xử trí đúng theo quy định, sức khỏe của những người này đều đã ổn định, trở lại đi làm sau 1-2 ngày theo dõi, điều trị tại cơ sở y tế.
Những số liệu ghi nhận phản ứng sau tiêm vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca tại Việt Nam trong 1 tháng qua thấp tương đương so với những số liệu do nhà sản xuất cung cấp. Đặc biệt, đến nay Việt Nam chưa ghi nhận bất cứ trường hợp nào bị đông máu và huyết khối xảy ra sau khi tiêm chủng.
Theo Bộ Y tế, với phương châm “Tiêm đến đâu an toàn đến đó”, quy trình tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại Việt Nam được triển khai bài bản và có sự khác biệt so với các nước khác trên thế giới, kể cả các nước tiên tiến. Đó là công tác bảo đảm an toàn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại Việt Nam luôn đặt lên hàng đầu; tuân thủ chặt chẽ từng khâu, từng bước tại tất cả các cơ sở tiêm chủng.
Cơ sở tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 phải bảo đảm về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; thực hiện khám sàng lọc và tư vấn trước tiêm chủng, tổ chức buổi tiêm chủng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế; người đi tiêm vắc xin phải ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút sau khi tiêm để theo dõi tình hình sức khoẻ; được hướng dẫn tiếp tục theo dõi ở nhà ít nhất 24 giờ sau khi tiêm; công tác cấp cứu đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm chủng luôn sẵn sàng nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm chủng.
Đồng thời với quá trình tiêm chủng, thông tin tiêm chủng của người đi tiêm được cập nhật, lưu trữ đầy đủ, hệ thống trong phần mềm Hồ sơ sức khỏe điện tử, tiến tới quản lý và cấp chứng nhận điện tử tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại Việt Nam, kết nối với thế giới...