Tại phiên giải trình của Bộ Xây dựng trước Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về thực hiện các quy định pháp luật liên quan tới quản lý, sử dụng phí bảo trì nhà chung cư hiện nay, HoREA một lần nữa đã gửi đến cơ quan chức năng một số kiến giải.
Hiệp hội kiến nghị xem xét hai phương án quản lý quỹ. HoREA tiếp tục đề xuất mua nhà đóng kinh phí bảo trì 2% tại thời điểm Hội nghị nhà chung cư đã bầu Ban Quản trị, kinh phí bảo trì 2% được chia đều trong 60 tháng, nộp vào tài khoản tiền gửi ngân hàng của Ban Quản trị chung cư.
Đáng chú ý, phương án thứ 2 HoREA đặt vấn đề quỹ bảo trì sẽ do Công ty Dịch vụ Công ích thu, quản lý, sử dụng để bảo trì chung cư trên địa bàn, với sự giám sát của ban quản trị chung cư.
“Phương án này có nhược điểm do cơ chế vận hành của doanh nghiệp nhà nước, nhưng có ưu điểm là chung cư sẽ được bảo trì suốt vòng đời. Bởi lẽ, sau khi đã sử dụng hết số phí bảo trì ban đầu, nếu không thể huy động thêm thì Nhà nước vẫn chịu trách nhiệm bảo trì chung cư như đang làm hiện nay”, chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu giải thích.
Về Phương thức quản lý kinh phí bảo trì trước khi thành lập Ban Quản trị nhà chung cư, Hiệp hội kiến nghị người mua nhà bắt đầu đóng kinh phí bảo trì khi đã có Ban Quản trị nhà chung cư (hoặc Công ty Dịch vụ Công ích thu, quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư trên địa bàn).
Trong trường hợp Luật Nhà ở vẫn quy định đóng kinh phí bảo trì 2% khi nhận nhà như hiện nay, thì Hiệp hội nhất trí với phương án của Bộ Xây dựng đề nghị giao cho cơ quan nhà nước tạm thời quản lý, sau khi thành lập Ban Quản trị nhà chung cư, cơ quan nhà nước sẽ bàn giao lại cho Ban Quản trị.
HoREA cũng cho rằng cần bổ sung Thông tư 02/2016/TT-BXD theo hướng tăng cường vai trò của các cơ quan chức năng trên địa bàn, trước hết là UBND cấp phường, quận và Sở Xây dựng đối với việc quản lý, sử dụng và giải quyết vướng mắc liên quan tới phí bảo trì chung cư.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, 11 địa phương, chủ yếu là Hà Nội và TP. HCM đang có tranh chấp, khiếu nại liên quan đến công tác quản lý vận hành chung cư với tổng số 458 tranh chấp, khiếu nại. Trong đó có 68 tranh chấp về quỹ bảo trì chung cư 2%. Các bên coi khoản phí này là miếng mồi béo bở.
>>HoREA: không để tranh chấp chung cư thành điểm nóng năm 2019