Theo HoREA, Thông tư 36 quy định, năm 2016, được sử dụng tối đa 60% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn. Hệ số rủi ro của các khoản vay để kinh doanh bất động sản là 150%.
Năm 2017, được sử dụng tối đa 50% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn. Hệ số rủi ro của các khoản vay để kinh doanh bất động sản là 200%.
Năm 2018, được sử dụng tối đa 45% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn. Hệ số rủi ro của các khoản vay để kinh doanh bất động sản là 200%.
Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đánh giá lộ trình này khiến các doanh nghiệp, nhà đầu tư và người tiêu dùng trên thị trường BĐS khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Theo HoREA, việc áp dụng tỷ lệ 40% từ năm 2019 là chưa cần thiết và chưa phù hợp với thực tiễn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển ổn định của thị trường BĐS. Do đó, Hiệp hội kiến nghị vẫn giữ nguyên mức 45% trong năm 2019.
Hiệp hội cho rằng doanh nghiệp BĐS hoạt động kinh doanh cần nguồn vốn trung hạn, dài hạn. Theo quy định của Luật Kinh doanh BĐS, tùy theo quy mô diện tích dự án, chủ đầu tư phải có vốn chủ sở hữu 15% hoặc 20% vốn đầu tư, còn lại 80 - 85% nhu cầu vốn thì chủ yếu dựa vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và vốn huy động từ khách hàng.
Trong 8 tháng đầu năm, dư nợ BĐS cả nước chiếm tỷ trọng khoảng 7% tổng dư nợ tín dụng, chưa bao gồm một phần tín dụng tiêu dùng có liên quan BĐS.
Tỷ trọng tín dụng BĐS lên đến khoảng 14,43%. Tại TP HCM, dư nợ BĐS là 10,8% cao hơn mức bình quân của cả nước. Nếu tính cả tín dụng cho vay tiêu dùng có liên quan BĐS thì cho vay BĐS trên địa bàn thành phố chiếm tỷ trọng khoảng 15% tổng dư nợ.
Thị trường BĐS cũng bị sụt giảm mạnh trong 9 tháng đầu năm cả về nguồn cung dự án, sản phẩm và giao dịch trên tất cả các phân khúc thị trường.
Tăng trưởng tín dụng 8 tháng đầu năm đạt khoảng 9%, chỉ bằng hơn một nửa so với chỉ tiêu 17% cả năm. Tăng trưởng tín dụng BĐS rất thấp, chỉ đạt 4,55% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất trong 3 năm gần đây.